Chuyên mục  


Trong bối cảnh sóng gió bủa vây thị trường, những doanh nghiệp trả cổ tức cao luôn có là sự lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư. Trong số đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (mã ICN) là một trong những cái tên nổi bật khi mạnh tay chi cổ tức tiền mặt “khủng”.

Điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 từ 45% lên 250%

Mới đây, ICN thông báo ngày 22/12 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 60%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 6.000 đồng. Ngày thực hiện thanh toán dự kiến là 17/1/2023.

Trước đó, vào hồi tháng cuối tháng 10, doanh nghiệp đã tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 45%. Như vậy, tổng mức cổ tức bằng tiền cho cả 2 đợt trong năm 2022 lên mức 105%.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, ICN dự tính trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 45%, tương đương năm 2021. Tuy nhiên, đến hồi đầu tháng 11, HĐQT đã thống nhất điều chỉnh tỷ lệ cổ tức từ 45% lên 250%.

Ngoài ra, HĐQT cũng thông qua phương án phát hành 8,4 triệu cổ phiếu để tạm ứng cổ tức năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ chia cổ tức là 1:0,7, tức nghĩa sở hữu 100 cổ phiếu nhận 70 cổ phiếu mới. Thời gian phân phối dự kiến trong quý 1/2023.

Đây cũng là năm chia cổ tức kỷ lục của ICN từ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM. Nhìn lại dữ liệu lịch sử 5 năm gần nhất, doanh nghiệp này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt đều đặn với tỷ lệ trên 30% hàng năm.

Kinh doanh ổn định, cổ phiếu bứt phá 40% kể từ đầu năm

Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO tiền thân là Công ty Xây dựng số 12, được thành lập năm 1979 theo quyết định của Bộ Xây dựng. Năm 2007 công ty bắt đầu thực hiện cổ phần hoá và đổi tên như hiện tại. Đến năm 2015 doanh nghiệp mới chính thức đưa cổ phiếu giao dịch tại UPCoM với mã chứng khoán ICN.

Lĩnh vực hoạt động chính của ICN là xây dựng công trình, kinh doanh bất động sản và đầu tư các dự án chuyển giao BOT, địa bàn kinh doanh chính ở Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Trong cơ cấu cổ đông của ICN, Tổng Công ty IDICO - CTCP (mã IDC) hiện là công ty mẹ và đang nắm giữ hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 51% vốn. Hai cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH Hayat và CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Việt Nam nắm giữ lần lượt 22,77% và 16% vốn điều lệ tại ICN.

Bức tranh kinh doanh của ICN duy trì khá ổn định qua từng năm. Giai đoạn năm 2017 - 2019, lợi nhuận doanh nghiệp duy trì đều đặn từ 20 – 30 tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2020 khi lợi nhuận sau thuế cán mốc 50 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 138 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 16% xuống 42 tỷ đồng. Nguyên nhân lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra là do chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid, các đợt phong toả kéo dài khiến các dự án bị chậm tiến độ, đồng thời thủ tục pháp lý dự bán cũng bị siết chặt, chậm phê duyệt quy hoạch.

Sang đến 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu 340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong ĐHCĐ bất thường tổ chức mới đây, ICN cũng điều chỉnh kế hoạch tổng doanh thu lên 635 tỷ đồng, tăng 87% so với kế hoạch trước đó. Lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh tăng gấp 6 lần lên gần 332 tỷ đồng.

Trên thị trường, ICN là một trong những cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng bứt phá trong khi thị trường chung điều chỉnh mạnh. Hiện tại, cổ phiếu ICN đang giao dịch quanh vùng 83.500 đồng/cp, tăng xấp xỉ 40% so với thị giá hồi đầu năm. Còn nếu so với mức giá 12.600 đồng hồi mới lên sàn, cổ phiếu điện này đã bứt phá gần 7 lần.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020