Chuyên mục  


Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng mà các chuỗi nhà thuốc đang từng ngày cạnh tranh thị phần. Với tính phân mảnh cao, đây cũng là cơ hội cho các "đại gia" bản lẻ "nhảy vào" thống lĩnh thị trường. Nhiều tên tuổi lớn với tiềm lực tài chính mạnh đã đẩy mạnh mở rộng hệ thống với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc như Pharmacity, Trung Sơn Pharma, An Khang (Thế giới di động) hay Long Châu (FPT Retail).

An Khang "Đuối sức" trước sự "bành trướng" nhanh chóng của đối thủ

Thế Giới Di Động (MWG) bắt đầu tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm vào đầu năm 2018 với việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành "mảnh ghép" giúp khai phá thị trường dược phẩm giàu tiềm năng. Dù vậy, phải tới đầu năm 2022, nhà bán lẻ điện thoại và điện máy lớn nhất cả nước mới bắt đầu dồn lực cho mảng dược phẩm khi mở đến 340 điểm bán mới chỉ trong nửa năm.

Thời điểm đó, lãnh đạo Thế Giới Di Động bày tỏ sự tự tin về khả năng bành trướng của chuỗi nhà thuốc này, thể hiện qua việc công bố mục tiêu cuối năm 2022 có 800 cửa hàng và nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, thế trận xoay chuyển nhanh chóng khi vào tháng 10/2022, MWG bất ngờ cho biết sẽ dừng mở rộng vì thị trường "quá nhiều biến đổi và khó khăn". Khi ấy, MWG có 529 cửa hàng thuốc An Khang. Không chỉ dừng mở mới, Thế giới di động thậm chí còn đóng cửa hàng chục cửa hàng trong giai đoạn cuối năm 2022 để về với con số 500 nhà thuốc.

Sang năm 2023, MWG trở lại mở thêm cửa hàng nhưng tốc độ chậm đi đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm 2023, số lượng cửa hàng An Khang tăng nhẹ từ 500 lên đến 540 cửa hàng, sau đó đóng bớt vào những tháng cuối năm xuống còn 527 cửa hàng. Ghi nhận ở thời điểm 30/6/2024, số lượng nhà thuốc An Khang sụt giảm còn 481, tương ứng với việc đóng gần 50 cửa hàng trong nửa đầu năm.

Chưa dừng lại ở đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT kiêm CEO Dược phẩm An Khang Pharma tiết lộ tới cuối năm 2024, số lượng nhà thuốc An Khang sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 300 cửa hàng. Nếu đúng theo kế hoạch, sẽ có khoảng 200 nhà thuốc An Khang phải đóng cửa trong vòng 6 tháng cuối năm nay.

long-chau-1725523933071607329057.png

Nhìn sang đối thủ cạnh tranh trực tiếp với An Khang là Long Châu của FPT Retail (FRT), chuỗi nhà thuốc này vẫn duy trì chiến lược bành trướng xuyên suốt giai đoạn 2022-2023 khi liên tục mở rộng quy mô với tốc độ thần tốc. Năm 2022, Long Châu mở mới 537 cửa hàng trong khi năm 2023 con số này tăng lên 560 cửa hàng.

Đáng chú ý, số lượng cửa hàng Long Châu tại thời điểm giữa năm 2024 đã đạt mốc 1.706, tăng thêm 209 cửa hàng chỉ sau 6 tháng bất chấp sự thu hẹp từ các đối thủ cạnh tranh. FRT còn đặt mục tiêu đạt 1.900 nhà thuốc tới cuối năm 2024.

"Thừa thắng xông lên", FPT Long Châu còn dấn thân vào lĩnh vực tiêm chủng. Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Hệ thống Tiêm chủng Long Châu đã có tới 100 trung tâm. Dự kiến, Công ty sẽ cán mốc 130 trung tâm đến hết năm 2024, tức vượt 30 trung tâm so với mục tiêu ban đầu trình tại ĐHĐCĐ thường niên. Mảng tiêm chủng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống trên cả nước, đóng góp vào mục tiêu xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng với các dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả.

Long Châu đã "mang tiền về cho mẹ" trong khi An Khang vẫn chật vật tìm điểm hòa vốn

Đi cùng đà tăng quy mô, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng "leo dốc" đầy ấn tượng, trở thành động lực và trụ cột chính của FPT Retail.

Nếu như năm 2022, doanh thu từ Long Châu mới chỉ chiếm khoảng 32% tổng doanh thu của FPT Retail, sang năm 2023 đã chiếm một nửa tổng nguồn thu 31.850 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 67% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn FRT. Như vậy, mỗi nhà thuốc này thu về bình quân gần 1,2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng trong nửa đầu năm.

Thậm chí, Long Châu cũng đang "gánh" lợi nhuận cho FPT Retail khi nửa đầu năm, trong khi FPT shop báo lỗ 113 tỷ, Long Châu đã mang về hơn 270 tỷ đồng lãi trước thuế giúp cả hệ thống ghi nhận lãi hơn 160 tỷ đồng. Trước đó, chuỗi nhà thuốc đã bắt đầu có lãi cho FRT từ năm 2021, "về đích" sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu là có lãi vào năm 2023. Giai đoạn 2022-2023, Long Châu tiếp tục "mang tiền về cho mẹ" với những khoản lãi tăng bằng lần.

cfw-17255239330661996665206.png

Có thể thấy rằng, mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Sau khoảng 6 năm hoạt động, chuỗi An Khang vẫn đang cho thấy sự "chật vật" trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Giai đoạn 2022-2023, mỗi năm chuỗi An Khang lỗ hơn 300 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, An Khang lỗ 172 tỷ, nâng lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6/2024 lên gần 834 tỷ đồng.

Với các nhà thuốc An Khang đang hoạt động, doanh thu hiện đã đạt trên 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng – tốt hơn con số 450 triệu đồng hồi cuối năm 2023. Dù vậy, điểm hoà vốn đối với chuỗi nhà thuốc là doanh thu trên 550 triệu đồng/cửa hàng/tháng.

Lên định hướng kinh doanh năm 2024, MWG đã không còn nhắc đến hai từ "lợi nhuận" khi nói về mục tiêu của An Khang. Thay vào đó, chuỗi nhà thuốc được đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024.

SSI đưa ra dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024-2025. 

f5aqf-17243964305122013165488.png

An Khang lùi một bước để tiến hai bước?

Một số trở ngại hiện tại có thể kể tới vị trí của An Khang không "đắc địa", tập trung vào khu dân cư nên có thể kém thu hút khách hàng từ xa hơn. Thêm vào đó, cách bày trí cửa hàng chưa thực sự thuận tiện. Đối thủ Long Châu ngược lại chọn vị trí chiến lược tại các khu vực trung tâm, gần bệnh viện và khu mua sắm. Chuỗi này còn có cách bày trí hiện đại, thoáng đãng, dễ dàng tìm kiếm sản phẩm trong khi An Khang có thể nhỏ và chật chội hơn. 

Ngoài ra, do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như Long Châu nên An Khang khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.

Có thể thấy rằng, việc tạm ngưng mở mới An Khang là một phần trong chiến lược "dọn dẹp" lại các mảng kinh doanh kém hiệu quả của Thế Giới Di Động, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai. 

Theo đại diện Thế Giới Di Động, hai mục tiêu chính An Khang nỗ lực đạt tới là đảm bảo đủ thuốc cho khách hàng và trình độ của dược sĩ. Về định hướng, đầu tiên sẽ thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất, tiếp đó sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh để đạt được kết quả hòa vốn rồi mới đến tăng tốc mở rộng sau.

Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xác định mô hình kinh doanh của An Khang là chuỗi nhà thuốc ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn trong khoảng 30-40 m2, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. Ước tính, thuốc sẽ chiếm khoảng 65-70% danh mục sản phẩm kinh doanh.

Thêm vào đó, Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước cuối năm nay.

Động thái tái cấu trúc An Khang được MWG áp dụng tương tự như chuỗi Bách Hóa Xanh và cho thấy bước đầu thành công đối với chuỗi siêu thị này. Thế giới di động đã áp dụng công thức đóng cửa những điểm hoạt động kém hiệu quả, tìm điểm hoà vốn, có lãi sau đó là tăng tốc mở rộng trở lại.

Nhìn nhận khó khăn, chấp nhận thay đổi không dễ dàng song kỳ vọng có thể đem lại những kết quả tích cực hơn. "Đường dài mới biết ngựa hay", kết quả mang lại như thế nào vẫn cần thời gian trả lời. Như ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT MWG đã từng chia sẻ rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành doanh nghiệp.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020