Những năm gần đây, nhạc Việt đang ngày càng vững vàng trong công cuộc định hình bản sắc đặc trưng của mình. Trải qua từng giai đoạn, nhạc Việt hiện tại đang tạo ra được những giá trị đặc trưng mà không cần phải bám víu vào bất kỳ một khuôn mẫu nào của những quốc gia khác.
Cũng chính vì sự phát triển thấy rõ của nhạc Việt những năm gần đây, khán giả không ngừng kỳ vọng âm nhạc của chúng ta sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, đây dường như là một vấn đề nan giải trong suốt nhiều năm qua khi những khái niệm về "quốc tế tiến" vẫn còn khó khăn với nghệ sĩ Việt.
Thế nhưng khi mạng xã hội TikTok du nhập vào Việt Nam, nó đã tạo nên nhiều cơ hội cho những nhà sáng tạo âm nhạc Vpop. Nếu những năm trước, Youtube chiếm thế độc tôn tại thị trường Việt Nam thì ở thời điểm hiện tại, TikTok đang vươn lên để trở thành đối thủ số một của nhau.
Là sân chơi của các TikTok-er có sức ảnh hưởng trong và ngoài nước, nơi này đã tạo ra rất nhiều xu hướng hoạt động nổi bật như: hát cover, nhảy dolce, remix,... vô hình chung lại giúp rất nhiều những ca khúc từng "bỏ ngõ" lại một phút lên hương, hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chắc chắn phải kể đến 2 Phút hơn của Pháo, đây là ca khúc gây được sự chú ý nhưng không thật sự đình đám tại Việt Nam. Mãi đến khi bản remix do KAIZ remix được ra đời, nó đã tạo nên một làn sóng cover trên toàn thế giới thông qua TikTok.
Tưởng chừng 2 Phút hơn của Pháo chỉ là cú ăn may của một cô nàng rapper trẻ tuổi, thế nhưng lần lượt sau đó hàng loạt ca khúc Vpop đã trở thành trend trên toàn thế giới như: Kẻ cắp gặp bà già, See tình (Hoàng Thùy Linh), Chạy ngay đi (Sơn Tùng), Ngây thơ, Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân),... Công thức chung để các ca khúc dễ dàng viral trên TikTok sẽ là remix (hoặc speed up) đi kèm là những trend như vũ đạo, biến hình,...
Tăng Duy Tân - Chủ nhân hàng loạt ca khúc hit gây bão trên TikTok Châu Á.Chuyên trang phê bình, đánh giá âm nhạc Pitchfork đã có một bài viết dài để nói về sự bùng nổ của các ca khúc Việt Nam trên nền tảng TikTok. Bài báo có tiêu đề: "Xu hướng mới nhất trên TikTok là... nhạc dân ca Việt Nam?".
Đặc biệt khi nói về siêu phẩm 2 Phút hơn của Pháo, tác giả bài viết nhận định: “Khi tôi biết rằng Tyga có màn hợp tác trong 2 phút hơn - một ca khúc tiếng Việt của rapper Pháo được phối lại bởi DJ Kaiz, phản ứng của tôi gói gọn là 'Hả?'. Đột nhiên tôi nhớ ra rằng Tyga cũng sở hữu trong mình nửa dòng máu Việt… Dĩ nhiên, anh ấy sẽ kết hợp với Pháo trong 2 phút hơn - một bản hit toàn cầu đã trở nên nổi tiếng nhờ video của nhân vật anime Zero Two lắc hông theo điệu nhạc trên TikTok. 2 phút hơn là một trong nhiều bài hát của Việt Nam đã lấn sân sang TikTok quốc tế gần đây...".
Mặc dù không thể phủ nhận sức viral mạnh mẽ của những ca khúc nhạc Việt trên TikTok, nhưng có một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn chính là độ nhận diện về Vpop của họ lại rất thấp. Khán giả quốc tế có thể cảm nhận được giai điệu, có thể lẩm bẩm hát theo vài ba chữ nhưng liệu có bao nhiêu người nhận thức được đây là những tác phẩm đến từ các nghệ sĩ Việt Nam?
Tờ Grammy từng có bài chia sẻ khiến nhiều người suy ngẫm: "Những nhạc sĩ vĩ đại của thời cuộc đã tạo ra những sản phẩm vô giá trị bằng những sản phẩm được khai thác từ chính trải nghiệm của họ, những trải nghiệm từ giản đơn cho đến phức tạp. Một số sản phẩm đó đã được remix lại và đăng tải lên TikTok, nhưng nhiều người tìm đến nó chỉ vì đoạn nhạc đó viral, hấp dẫn một cách chóng vánh. Chính vì vậy, TikTok đang bị bão hòa bởi những sản phẩm kém chất lượng, sáo rỗng".
Việc quảng bá sản phẩm là điều cần thiết, tuy nhiên người nghệ sĩ cần phải thông minh, tỉnh táo để đảm bảo tính trọn vẹn của sản phẩm gốc. Thay vào đó, cần tập trung vào chất lượng sản phẩm để chinh phục khán giả theo thời gian, khi đó họ sẽ tự tìm đến để lắng nghe, thưởng thức mà không cần phụ thuộc vào những màn quảng bá gây ngộp thở nào.
TikTok có khả năng giúp nhạc Việt tiếp cận gần hơn với khán giả quốc tế, nhưng nó bất lực trong việc khiến khán giả quốc tế công nhận chất lượng nhạc Việt nếu sản phẩm của người nghệ sĩ làm ra cẩu thả, thiếu chỉn chu.