Nhân dịp sắp ra mắt hồi ký, Hương Lan chia sẻ một số bức ảnh về thời thơ ấu. Hương Lan mặc áo dài, đội khăn voan năm hai tuổi. "Từ nhỏ, tôi đã thích áo dài", chị kể. Chị được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm nhờ có cha - Hữu Phước, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn thập niên 1960.
Hương Lan bên ba người em. Chị đặt tên bức ảnh là "Ánh Sáng Thanh Bình", dựa trên tên chị và các em. Hương Lan tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, là con cả trong gia đình có năm chị em. Nghệ danh của chị được ghép từ Thanh Hương và Út Bạch Lan - hai nghệ sĩ thân thiết với cha Hương Lan.
Hương Lan lúc 5 tuổi. Thời điểm này, chị bắt đầu được cha dạy cách ca xướng lẫn diễn xuất. Vở đầu tiên chị diễn là "Thiếu phụ Nam Xương".
Hương Lan trong một lần được cha dạy cách nhớ thoại trước khi diễn. Với gương mặt sáng, đôi mắt giàu biểu cảm và giọng hát trong trẻo, chị bắt đầu được chú ý. Một giai đoạn, báo chí Sài Gòn ca ngợi Hương Lan là "thần đồng".
Hương Lan kể cha là người có công lao lớn nhất trong sự nghiệp của chị. "Cha truyền cho tôi hơi ấm từ giọng hát ngọt ngào, giúp tôi nắn nót từng lối hành văn, dạy tôi cách nghiên cứu bài hát, đối nhân xử thế, luôn tôn trọng tiền bối và mở lòng với em cháu, đồng nghiệp. Cha là thần tượng lớn nhất của tôi", chị nói. Trong liveshow năm 2017, Hương Lan dành phần lớn thời lượng tri ân nghệ sĩ Hữu Phước.
Hương Lan bên cha (thứ hai từ trái qua) trong tuồng "Thầy cai tổng bồi" - một tác phẩm nổi tiếng của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga.
Hương Lan bên nghệ sĩ hài Bảo Quốc trong cùng vở tuồng. Sau này, khi hoạt động ở Mỹ, danh ca vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Bảo Quốc. Mỗi dịp giỗ tổ nghề, chị cùng ông và nhiều đồng nghiệp dâng hương tri ân tiền nhân.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga (trái) là một trong những đàn chị dẫn dắt Hương Lan vào nghề, bên cạnh NSND Ngọc Giàu.
Thanh Nga và Hương Lan trong tuồng "Lan và Điệp". Tác phẩm cải lương do soạn giả Trần Hữu Trang viết năm 1936, từng đem lại danh tiếng cho nghệ sĩ Năm Phỉ và sau đó là Thanh Nga.
Hương Lan nói được diễn chung với Thanh Nga là diễm phúc lớn của chị. Thời đó, vì còn bé, mỗi lần hát chung với cố nghệ sĩ, chị thường leo một bục cao mới đứng ngang tầm với micro.
Hương Lan diễn vai vua năm 7 tuổi. Giữa thập niên 1970, Hương Lan được mời về diễn trong đoàn cải lương Kim Chung. Tại đây, chị thường đóng chung với chồng cũ - Chí Tâm - giọng ca trẻ nổi danh. Họ được mến mộ khi cùng diễn các vở "Hán đế biệt Chiêu Quân", "Cây sầu riêng trổ bông", "Nắng thu về ngõ trúc"... Sau khi sang Pháp, Hương Lan thành danh với dòng nhạc dân ca.
Hương Lan sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Chị là con gái đầu của cố nghệ sĩ Hữu Phước. Chị nổi tiếng qua những bài hát về tình yêu quê hương như "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Sa mưa giông", "Em đi trên cỏ non"... Năm 1988, chị kết hôn lần hai với ông Quốc Toản - một kỹ sư hàng không. Năm 1996, chị được phép biểu diễn tại Việt Nam và thường xuyên về nước hoạt động đến nay.
Mai Nhật (ảnh: HL)