Người được nhắc đến ở đây là vua Lê Đại Hành (941-1005), tên huý Lê Hoàn.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Hoàn người Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). Sớm mồ côi cha mẹ, ông được người trong làng nhận làm con nuôi. Khi đó, người này đã nhận xét Lê Hoàn: "Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được".
Đến tuổi trưởng thành, Lê Hoàn theo giúp Đinh Bộ Lĩnh. Tính tình phóng khoáng lại có chí lớn, ông được Đinh Bộ Lĩnh khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản một nghìn quân sĩ.
Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (tức Đinh Tiên Hoàng), vua bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lúc này, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân.
Năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, thiếu đế Đinh Toàn nhỏ tuổi, trước họa xâm lăng, Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn lên ngôi vua năm 980 để gánh vác vận mệnh quốc gia.
Vua Lê Đại Hành.
Lê Đại Hành là vị vua mà “sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng Sơn động hết chuyện làm phản”. Ông đã xây dựng kinh thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh.
Ông còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh, tuyển lựa quân ngũ, có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng.
Sách Lịch sử Việt Nam khẳng định, vua Lê Đại Hành là hoàng đế đầu tiên mở đầu cho nghi lễ tịch điền mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông còn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản cho nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời, mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương.
Đặc biệt, Lê Đại Hành còn có chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết. Có lần sứ Tống sang đòi vua quỳ nhận sắc phong của vua nước này, Lê Đại Hành lấy cớ bị đau chân nên không quỳ. Sứ Tống không làm gì được.
Để tránh việc đón tiếp sứ giả phiền hà, tốn kém, Lê Đại Hành còn đề nghị nước Tống từ lần sau hãy cử sứ giả đưa thư đến địa giới và báo tin, triều đình Hoa Lư sẽ sai người lên biên giới để nhận chiếu thư.
Tháng 3/1005, Lê Đại Hành qua đời, vương triều Tiền Lê lâm vào thế không ổn định. Long Việt, hoàng tử thứ ba được chọn là người kế vị. Hoàng tử thứ hai là Long Tích và hoàng tử thứ tư là Long Đinh nổi lên chống lại. Tình hình đất nước vô cùng rối loạn.
Nhận xét về vua Lê Đại Hành, Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn".
Theo VTC