Ngày 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường.
Tính chung 4 tháng, xuất siêu ước đạt 6,35 tỉ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt, IIP tháng 4 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 4-2023. Ảnh: NHẬT BẮC
Trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cũng đã tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả đối với các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương đã tìm được đầu ra cho 8 dự án; xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Đáng chú ý, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành, không làm tăng vốn. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)...
Về một số khó khăn, hạn chế, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất chỉ ra các diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.
Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng. Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi trong tháng 4 nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Các động lực tăng trưởng chủ yếu gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có xu hướng suy giảm, xuất nhập khẩu 4 tháng giảm.
Hướng vào các động lực tăng trưởng
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ lớn là chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Thủ tướng, hiện nay lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó ưu tiên hơn cho tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất - kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.
Về vấn đề vốn, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng và lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản. Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, công khai tỉ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ những khó khăn về xuất khẩu được nêu ra tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công Thương, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Bộ Công Thương cần lưu ý đến nhiệm vụ bảo đảm thị trường xăng dầu ổn định, khẩn trương trình sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu; trình ban hành Quy hoạch điện VIII trước ngày 10-5.
Liên quan đến thị trường bất động sản, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đôn đốc thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần đánh giá từng dự án bất động sản, phối hợp các địa phương xử lý vướng mắc với từng loại dự án. Bên cạnh triển khai gói 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tích cực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Về lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm rà soát lại hệ thống, chương trình sách giáo khoa, có giải pháp cụ thể phòng chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo Chính phủ trong tháng 5. Đồng thời, chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023.
Bố trí hơn 59.000 tỉ đồng để tăng lương cơ sở từ ngày 1-7
Dự kiến kết luận điều tra vụ Công ty Việt Á trong quý II/2023
Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết bộ đã đề xuất với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7. Chính phủ đã chủ động bố trí hơn 59.000 tỉ đồng cho việc tăng lương cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin thêm: Bộ Tư pháp đã thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ điều chỉnh lương cơ sở do Bộ Nội vụ gửi sang. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến và trình Chính phủ trong tháng 5-2023 để bảo đảm thực hiện tăng lương từ ngày 1-7.
- Cũng tại họp báo, liên quan đến vụ Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết do sự phức tạp của vụ án này, bên cạnh đó có quá nhiều vụ án đang đồng thời điều tra, Bộ Công an đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về việc gia hạn điều tra. Bộ Công an phấn đấu có kết luận về vụ Công ty Việt Á trong quý II/2023. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 100 bị can; phong tỏa, kê biên khoảng 1.700 tỉ đồng.