Chuyên mục  


tin-la-gan-anh-chinh-17246862610381164909073-23-0-632-974-crop-17246862838221165948550.pngTin sáng 27/8: Chia đôi lá gan, cứu 2 người thoát ‘cửa tử’; bé gái 13 tuổi mang thai nghi bị cha dượng xâm hại

GĐXH - Người đàn ông 53 tuổi và bé gái 9 tháng tuổi được cứu sống nhờ 1 lá gan của người đàn ông chết não; Trung tâm Y tế TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) phát hiện, báo cáo công an xử lý trường hợp một bé gái 13 tuổi mang thai nghi bị cha dượng xâm hại.

Thời tiết 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 trên cả nước

co-hoa-quoc-khanh-17247577206471817217524.jpg

Đường phố Hà Nội được tô điểm bởi sắc đỏ của cờ hoa, những tấm pano và áp phích chào mừng 79 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về diễn biến thời tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ 31/8-3/9).

Riêng thời tiết Hà Nội, ngày 31/8, nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông, nhiệt độ 26-34 độ; từ 1-3/9, ngày nắng, đêm không mưa, trời oi bức; nhiệt độ 27-35 độ.

Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng dự báo một số điểm du lịch trên cả nước như Sa Pa (Lào Cai), TP Hạ Long (Quảng Ninh), TP Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng),...

Trong đó, Sa Pa ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông; ngày 31/8 xác suất mưa 75%; từ 1-3/9, mưa giảm dần với xác suất dưới 50%. Thời tiết khu vực dịu mát, thậm chí se lạnh về đêm với mức thấp nhất 17-19 độ; cao nhất 22-24 độ.

Khu vực TP Hạ Long, ngày nắng, đêm không mưa; riêng ngày 1/9 sáng có lúc có mưa rào và giông. Ngày 31/8-1/9 xác suất mưa 75%, từ 2-3/9 giảm còn dưới 50%. Mức nhiệt những ngày này thấp nhất 24-26 độ, cao nhất 31-33 độ.

TP Huế, Đà Nẵng chung hình thái thời tiết ngày nắng, chiều tối mưa giông cục bộ; xác suất mưa 70-75% và gió tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-27 độ, cao nhất 33-35 độ.

Cũng ảnh hưởng của gió tây nam cấp 2-3, các điểm Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Đà Lạt, TPHCM và Cần Thơ ngày nắng gián đoạn, chiều và tối có mưa rào và giông với xác suất mưa 70-80%, riêng TPHCM và Cần Thơ 80-90%. Nền nhiệt các khu vực này dao động thấp nhất 26-28 độ và cao nhất 31-35 độ; riêng Đà Lạt là 17-19 độ và 25-27 độ.

Cơ quan khí tượng cảnh báo các khu vực, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Lịch trình của đoàn 4.500 khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam

dl-00325349-1724728415093-172472841556232370553-1724730794788-17247307951601700335743.jpg

Khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam. (Ảnh minh họa: Ngô Trần)

Đoàn khách Ấn Độ sẽ chia làm 6 đến 7 nhóm nhỏ, tới Việt Nam thành nhiều đợt. Theo kế hoạch, đoàn sẽ ở Hà Nội, tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Lăng Bác, nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, đoàn khách tới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Đoàn khách sẽ sử dụng dịch vụ lưu trú cao cấp tại các khách sạn 4-5 sao và có yêu cầu riêng về đồ ăn, phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu tối thiểu ba hướng dẫn viên cho mỗi nhóm khoảng 30 - 35 người để đảm bảo được trải nghiệm tốt nhất. Các hướng dẫn viên được chọn đều phải biết tiếng Hindu, phần giới thiệu tại các điểm tham quan thường bằng tiếng Anh - Việt sẽ có thêm bảng thông tin được dịch ra tiếng Hindu.

Hiện tại, các địa phương nằm trong lịch trình du lịch của đoàn du khách trên cũng đã sẵn sàng tiếp đón. Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, đoàn khách chia thành 7 đợt tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An.

"Với kinh nghiệm đã từng đón tiếp nhiều đoàn khách có số lượng người lớn, sau khi nhận được văn bản của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Công ty Du lịch Vietravel, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp có liên quan để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón tiếp đoàn khách", ông Phong nói.

Theo ông Phong, việc đoàn khách của tỷ phú Ấn Độ lựa chọn đến Tràng An tham quan, du lịch đã khẳng định sức hút của vẻ đẹp Tràng An đối với du khách quốc tế. Đồng thời, sự kiện này cũng được kỳ vọng sẽ giúp ích cho việc truyền thông, quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Ninh Bình tới bạn bè quốc tế.

Về lưu trú, đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, thành phố Ninh Bình hiện có khoảng 10 khách sạn đủ tiêu chuẩn 4-5 sao, có thể đáp ứng được nhu cầu đoàn khách. Vấn đề ẩm thực có thể có khó khăn bởi người Ấn thường yêu cầu ăn uống riêng theo văn hóa. Sở này đã hướng dẫn các doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghiệp vụ nấu ăn cấp tốc theo phong cách của người Ấn.

Trước đó, đại diện Công ty du lịch Vietravel cho biết, do số lượng khách du lịch đi theo đoàn lần này quá lớn, doanh nghiệp đã chuẩn bị kịch bản rất chi tiết về chuỗi hoạt động mà các du khách sẽ tham gia.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ đứng vị trí thứ 7 trong danh sách 10 thị trường du khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.

Đối với du khách Ấn Độ, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa sôi động, di sản thiên nhiên mang đậm nét văn hóa bản địa. Hơn nữa, du khách Ấn Độ có thể dễ dàng tới Việt Nam bởi được hỗ trợ thủ tục visa đơn giản cùng các yếu tố địa lý thuận lợi, quá trình di chuyển không quá dài khi chỉ mất khoảng 4-5h cho việc đi máy bay từ Ấn Độ sang Việt Nam.

Còn đối với du lịch Việt Nam, thị trường Ấn Độ với hơn 1,4 tỷ dân, có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho du lịch là yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp tập trung khai thác, thúc đẩy phát triển ngành du lịch nội địa.

Tuy nhiên, du khách Ấn Độ có những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen sinh hoạt khác biệt, đòi hỏi phải có những dịch vụ và tiêu chuẩn hết sức khắt khe nên việc khai thác triệt để, thu hút lượng khách du lịch đến từ thị trường này là không dễ dàng.

Vì sao học sinh cần học thêm?

giao-vien-day-them-46-17247210152201452073253.jpeg

Hình minh họa

Hiện, Bộ GD-ĐT đang dự thảo, lấy ý kiến dư luận để xây dựng thông tư mới về việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. "Vì sao học sinh vẫn cần phải học thêm?" là câu hỏi không ít người trăn trở, bởi mới đây, Bộ GD-ĐT đã xây dựng một chương trình phổ thông mới được giới thiệu định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh với nhiều ưu việt.

Trong vô vàn các ý kiến quan tâm của dư luận về vấn đề luôn được coi là "chủ đề nóng" này, một độc giả chia sẻ băn khoăn: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế để các trường dạy học 2 buổi/ngày, giờ Bộ GD-ĐT còn 'bật đèn xanh' cho dạy thêm, không chỉ ngoài mà trong trường học. Vậy phải chăng chương trình mới có vấn đề nên giáo viên vẫn phải dạy thêm, học sinh cần học thêm?".

Về điều này, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình phổ thông 2018) thiết kế dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học. Chính vì vậy, trong trường tiểu học thì không thể tổ chức dạy thêm, học thêm. Còn đối với cấp THCS và THPT, chương trình đang thiết kế học 1 buổi/ngày, bởi cơ sở vật chất và điều kiện hiện nay chưa thể đảm bảo. Cụ thể, hiện chưa đáp ứng được tỷ lệ trung bình mỗi lớp 1 phòng học.

"Phải khẳng định với thời lượng học tập như thế trên trường, bắt buộc phải đáp ứng đủ những nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình đối với học sinh. Tức là bản chất, không cần đi học thêm, học sinh cũng được đảm bảo thụ hưởng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Trường nào không đảm bảo điều này thì trường đó không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi học sinh đã học và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình phổ thông 2018 nhưng có nhu cầu học tập thêm ở trong và ngoài nhà trường để nâng cao năng lực ở một số môn học lại là câu chuyện khác. Việc này là nhu cầu có thực, chính đáng và Bộ GD-ĐT ra quy định để quản lý những việc đó. Tức là việc học thêm, nếu có, không phải nhằm mục tiêu để đạt được yêu cầu của chương trình", ông Thành nói.

Do đó, theo ông Thành, việc học thêm là sự tự nguyện của người dân.

"Trường nào tổ chức dạy thêm, học thêm, phải nói rõ lý do, mục tiêu hướng đến là gì. Như vậy, lý do không thể là để đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình phổ thông", ông Thành nói.

Trước lo ngại của phụ huynh khi trường tổ chức học thêm dù có lý do chính đáng, đúng mục tiêu, nhưng vô tình khiến học sinh quá tải, ông Thành cho hay: "Việc này cha mẹ học sinh phải tính toán. Việc học thêm với bản chất không nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mà nhằm phát triển hơn về năng lực của con em có lẽ nếu cần cũng chỉ 1-2 môn. Bộ GD-ĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo việc này nếu có diễn ra thì được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không phải là khuyến khích học sinh phải đi học thêm", ông Thành nói.

Ông Thành cũng khuyên phụ huynh không cần ôm đồm cho con học thêm quá nhiều. "Các bậc phụ huynh cần xem xét con mình có hứng thú, sở trường về lĩnh vực gì, chứ không thể thích mọi thứ, mọi môn. Bộ GD-ĐT dự thảo quy định để hướng tới việc tự nguyện, đúng mong muốn thực sự của học sinh. Nhưng kể cả có nhu cầu thực sự, phụ huynh và học sinh cũng không nên mong muốn nhiều thứ quá. Việc đăng ký học thêm quá nhiều hoàn toàn không cần thiết và các con cũng không đủ sức để học. Điều quan trọng nhất là phải có thời gian để học sinh 'tiêu hóa' được khối lượng kiến thức, phát triển được năng lực. Việc cho con học nhiều, không 'tiêu hóa' được vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa tác dụng ngược việc học", ông Thành đưa lời khuyên.

Theo ông Thành, chương trình phổ thông 2018 được thiết kế nhằm hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Theo đó, kiến thức mới chỉ là điều kiện cần, là nguyên liệu và phải được vận dụng, thực hành mới trở thành năng lực của học sinh.

Ông Thành cũng muốn nhắn nhủ thông điệp tới các phụ huynh: "Cha mẹ học sinh phổ thông bây giờ hầu hết là công dân thế hệ mới, sống trong thời đại mới với môi trường công nghệ. Vì vậy cần nhận thức và đủ sự tự tin, bản lĩnh để quyết định con mình cần và có xu hướng về điều gì thì học thêm cái đó mà thôi. Đừng hoang mang khi thấy con người ta đi học thêm môn này môn kia rồi đăng ký theo.

Sự phân công lao động trong xã hội là rất rõ ràng và nếu đánh giá đúng năng lực của con mình để chọn hướng đi phù hợp mới là lý tưởng của mỗi gia đình. Cái gì cũng muốn con giỏi như những thế mạnh của tất cả các bạn khác, rồi đăng ký học thêm cho bằng được thì chỉ làm hại chính con mình. Cần chọn hướng nào mà con mình có lợi thế nhất".

Một người phụ nữ suýt mất 300 triệu đồng khi "nuôi bò" online

45721415311680960181065544916645283384633915n-1724732587706128430077-1724748025447-17247480255371787813353-1724757476485-1724757477587834548361.jpg

Facebook của đối tượng lừa đảo

Ngày 27-8, tin từ Công an xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này vừa ngăn chặn kịp thời một vụ lừa đảo qua mạng bằng hình thức "nuôi bò" online.

Theo đó, vào ngày hôm qua (26-8), Công an xã Hà Linh nhận được thông tin từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Phúc Đồng về việc Nguyễn Thị T. (ngụ xã Hà Linh), đến ngân hàng để thế chấp sổ đỏ vay 300 triệu đồng và cho nhân viên biết rằng, chị dự định sử dụng số tiền này để chuyển cho các đối tượng mời gọi đầu tư vào App "Nuôi bò".

Ngay khi nhận được thông tin, Công an xã Hà Linh đã nhanh chóng tiếp cận, tuyên truyền và giải thích cho chị T. về những rủi ro và khả năng bị lừa đảo. Tuy nhiên, chị T. vẫn kiên quyết thực hiện giao dịch.

Trước tình hình trên, Công an xã Hà Lĩnh đã mời chị T. đến trụ sở để cung cấp thông tin chi tiết về các vụ lừa đảo tương tự đang diễn ra trên không gian mạng. Sau khi nghe giải thích, chị T. mới nhận ra mình đã bị lừa nên đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng.

Theo lời kể của chị T, chị được một người dùng Facebook tên Đức Tiến có chú thích "Muốn mua đồ mà không nhìn giá, hãy lao động mà không nhìn đồng hồ" kết bạn và đã nói chuyện làm quen một thời gian, sau đó rủ đầu tư vào App "Nuôi bò". Thấy lợi nhuận cao nên chị T đã chuyển cho các đối tượng số tiền 80 triệu đồng và được trả lãi ban đầu là 21,5 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 300 triệu đồng để có lãi suất cao hơn.

Trước tình hình lừa đảo qua các hình thức mới ngày càng phức tạp, cơ quan công an kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng khi nhận được các lời mời đầu tư qua mạng, đặc biệt là các hình thức yêu cầu chuyển tiền qua App hoặc thế chấp tài sản. Đồng thời, khuyến cáo người dân báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.

Bộ Công an đề xuất cấm cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục ăn uống ở vỉa hè

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ Công an nhân dân.

Theo đó, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau: Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, không dùng từ "lóng".

Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì nói lời xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình trao đổi thông tin, kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân và quy tắc ứng xử trên Internet, mạng xã hội. Không đăng tải hình ảnh trang phục, số hiệu Công an nhân dân, các loại giấy tờ do Công an cấp lên mạng Internet, mạng xã hội.

Không định vị địa chỉ, khu vực phòng làm việc của đơn vị lên bản đồ trực tuyến. Trường hợp phục vụ công tác phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị.

Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 43, trong đó các hành vi sau của cán bộ, chiến sĩ công an bị cấm:

Đeo kính màu đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác; để tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ (trừ trường hợp đeo kính màu đen để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và phải được Thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương đồng ý).

Nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân để dài, sơn màu; đính đá, phủ nhũ. Cán bộ, chiến sĩ nam để tóc dài trùm tai, trùm gáy hay cắt tóc quá ngắn (trừ trường hợp do đầu bị hói, bị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ hoặc do yêu cầu nghiệp vụ phải cắt tóc ngắn); để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt; đục lỗ, xỏ khuyên. Trừ cán bộ nữ được đục lỗ, xỏ khuyên tại vị trí dái tai.

Mặc trang phục Công an nhân dân ăn, uống ở hàng quán vỉa hè (trừ trường hợp do yêu cầu công tác cần xã hội hoá); hút thuốc khi làm nhiệm vụ, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường và ở những nơi có quy định cấm.

Đánh bạc dưới mọi hình thức; mê tín, bói toán; uống rượu, bia và các chất có cồn trước, trong giờ làm việc, cả vào bữa ăn giữa ca trong ngày làm việc, ngày trực; uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; sử dụng chất gây nghiện trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; bỏ vị trí công tác (vắng trực không lý do).

Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và Xã hội

Giá đất các quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang khiến nhiều gia đình có nhu cầu mua nhà ‘chóng mặt’

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020