Chuyên mục  


tin-trung-ve-so-17086132409061386048891-0-0-403-645-crop-17086133484621777629384.jpgTin sáng 23/2: Tin mới nhất về 14 vé số trúng độc đắc ngày vía Thần tài; xử lý nghiêm vụ việc Hoa khôi Nam Em livestream lôi kéo dư luận

GĐXH - Thông tin khách hàng trúng 14 tờ vé số trúng giải đặc biệt ngày vía Thần tài là đúng sự thật; Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý vụ Hoa khôi Nam Em livestream với những nội dung gây ảnh hưởng tiêu cực.

Hà Nội lắp đặt camera giám sát toàn thành phố

camera-giam-sat-895-1708687334438916146575.jpeg

Nhiều nút giao ở Hà Nội được lắp đặt camera, nhưng hình ảnh kém. Ảnh: Phạm Hải

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch rà soát và nhu cầu lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn thành phố. Việc này nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Hà Nội sẽ đánh giá toàn diện hiện trạng hệ thống camera giám sát phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông và quản lý quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội… tại các đơn vị lắp đặt camera giám sát.

Từ đó, thành phố sẽ đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, quản lý, giám sát, điều hành, bảo đảm thống nhất đồng bộ, tránh trùng lặp, mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát nhu cầu cần triển khai lắp đặt camera tại những khu vực như các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, danh lam thắng cảnh; tuyến giao thông; địa điểm phục vụ dân sinh như: nhà ga, bến xe, sân bay, chợ…

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao, các đơn vị đề xuất nhu cầu về áp dụng, tích hợp công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và hiệu quả trong đầu tư.

Trước đó, trả lời chất vấn trước HĐND TP Hà Nội tại phiên họp cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, hiện thành phố có 550 nút điểm đèn tín hiệu, 605 camera.

Số camera chia làm hai loại, một loại chỉ đo lưu lượng giao thông trên đường, quan sát tổng thể; một loại có thể nhận diện hành động của người điều khiển phương tiện giao thông để xử lý vi phạm. Những hình ảnh camera ghi lại được kết nối về trung tâm chỉ huy của công an thành phố.

"Số camera, đèn tín hiệu ở Hà Nội chưa thấm vào đâu. Thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cấp camera sẵn có, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án về camera trên địa bàn", ông Nguyễn Hải Trung nói.

Còn theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tại 149 nút giao thông trên địa bàn thành phố được lắp đặt trên 600 camera. Nhưng do cũ và lạc hậu nên việc sử dụng hình ảnh từ camera này để phạt nguội rất ít, cơ bản dùng để giám sát giao thông.

Mong giảm nhẹ hình phạt cho tài xế trong vụ tai nạn ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn

tai-nan-6-min-1708649818455-17086498187441297960806.jpg

Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 mẹ con tử vong. Ảnh: Quảng An

Nhớ lại vụ tai nạn đáng sợ trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, anh Phan Đình Q (46 tuổi, trú phường Đông Tân, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau khi đón Tết Nguyên đán cùng gia đình nội ngoại, ngày mùng 6 Tết (tức 15.2), gia đình anh lái xe cá nhân vào các tỉnh miền Trung để đi chơi, thăm bạn bè.

Sau thời gian đi chơi, thăm bạn bè, gia đình anh về tỉnh Quảng Nam để đón người chú ruột là ông Phan Đình Kiều (55 tuổi) rồi cùng về Thanh Hóa.

Đến ngày 18.2, gia đình anh và người chú xuất phát từ thành phố Đà Nẵng tới thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) để gặp người quen trước khi trở về Thanh Hóa.

Cũng theo anh Q, vì mệt mỏi do chạy xe nhiều ngày, nên trên đường ra Quảng Trị, anh nhờ ông Kiều lái xe, để tranh thủ ngủ.

Khi chiếc xe đi được hơn 100 km (qua địa phận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì tai nạn ập tới.

"Tôi đang ngủ trên xe thì bỗng nghe tiếng động lớn, chiếc xe lộn nhiều vòng, hốt hoảng tỉnh dậy, xe đã bị lật ra khỏi đường cao tốc. Vụ tai nạn khiến tôi mất đi cùng lúc cả vợ và 2 con. Thật sự chẳng còn nỗi đau nào hơn thế" - anh Q đau xót.

Cũng theo anh Q, sau vụ tai nạn, anh rất buồn và cảm thấy có lỗi vì không lái xe chở vợ con an toàn, ngoài ra còn làm liên lụy đến chú ruột.

"Khi báo tin cho chú biết, chú cũng khóc và ngất nhiều. Chú còn nói, nếu đổi mạng chú cho 3 mẹ con sống lại, chú cũng đổi. Nghe chú nói vậy, tôi cũng thương chú nhiều lắm" - anh Q chia sẻ.

Anh Q cũng bày tỏ, mong các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền xem xét, giảm nhẹ hình phạt hoặc xử lý vụ việc theo tính chất răn đe, giáo dục để người chú sớm ổn định lại tinh thần.

Trước đó, như Lao Động thông tin, vào khoảng 10h00 ngày 18.2, ông Phan Đình Kiều (55 tuổi, trú tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển xe ôtô mang BKS 36A - 485.XX chở theo 4 người trong gia đình gồm Phan Đình Q (SN 1978), vợ là chị Lê Thị H (SN 1983), cùng 2 con Phan Lê Khánh V (SN 2009), Phan Đình Q (SN 2015) cùng trú tại phố Tân Cộng (phường Đông Tân, TP Thanh Hoá) đi trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Đà Nẵng - Quảng Trị.

Khi đến Km 48+200m cao tốc Cam Lộ - La Sơn (thuộc thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), xe ôtô con đã vượt lên và va chạm với xe đầu kéo 63C- 136.XX kéo theo rơ moóc 63R-002.XX đang đi cùng chiều phía trước.

Sau cú va chạm, xe ôtô lao sang phần đường ngược chiều, va chạm vào xe ôtô mang BKS 63H - 005.XX; sau đó xe ôtô 36A - 485.XX lao xuống vực bên phải phần đường một chiều theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Còn xe ôtô 63H - 005.XX bị xe đầu kéo 51D - 150.XX kéo theo rơ moóc 51R - 349.XX đang đi cùng chiều, phía sau tông vào.

Hậu quả sau vụ tai nạn, cháu Phan Đình Q tử vong; cháu Phan Lê Khánh V và chị Lê Thị H được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên cũng tử vong sau đó.

Dùng công nghệ AI Cover giọng hát cố ca sĩ Phi Nhung có bị xử lý?

Trong những ngày qua cộng đồng mạng tranh luận vụ việc đưa công nghệ AI Cover giọng hát các ca sĩ nghệ sĩ.

Công nghệ này giả giọng các nghệ sĩ như Lệ Thuỷ, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà… Đặc biệt, nghệ sĩ Lệ Thủy còn bị AI hát rap, hát tiếng Hàn, Thái khiến gia đình bà lên tiếng. Đáng chú ý, AI cũng giả giọng cố ca sĩ Phi Nhung hát những bài được sáng tác gần đây.

Như vậy, dùng AI giả giọng các nghệ sĩ không được sự đồng ý của họ có vi phạm không? Trường hợp giả giọng người đã qua đời như Phi Nhung thì Luật Sở hữu trí tuệ quy định ra sao?

Về vấn đề này, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể việc bảo hộ giọng nói và giọng hát.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp...

Giọng hát của ca sĩ sẽ gián tiếp được bảo hộ thông qua việc đáp ứng những quy định liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản của ca sĩ đối với bản ghi âm, ghi hình hoặc các buổi biểu diễn.

Căn cứ quy định của luật này thì giọng hát của ca sĩ sẽ gián tiếp được bảo hộ thông qua việc đáp ứng những quy định liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản của ca sĩ đối với bản ghi âm, ghi hình hoặc các buổi biểu diễn….

Có thể nói việc con người dùng AI giả giọng các nghệ sĩ không được sự đồng ý của họ là vi phạm quyền nhân thân của nghệ sĩ theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ. Quyền nhân thân được bảo hộ kể cả sau khi họ chết, vì vậy trường hợp giả giọng người đã qua đời như Phi Nhung cũng vi phạm quyền nhân thân của nghệ sĩ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp những đối tượng sử dụng phần mền AI này cố tình xâm phạm thì sẽ chịu những chế tài liên quan. Chế tài dân sự là việc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể tiến hành khởi kiện vụ án ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, ngừng hành vi vi phạm.

Về hình sự, tùy vào mức độ cũng như tính chất hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bất ngờ với danh tánh người đàn ông "nằm vạ" giữa đường khi bị đo nồng độ cồn

base64-17086523547142004482007-1708679751961-1708679752954366377767.jpeg

Người đàn ông say xỉn, "nằm vạ" giữa đường và bấm điện thoại khi bị yêu cầu đo nồng độ cồn. Ảnh: Bạn đọc cung cấp.

Ngày 23-2, thông tin từ Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tổ công tác CSGT-TT Công an TP Huế đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người đàn ông say xỉn, "nằm vạ" giữa đường Điện Biên Phủ khi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không có các giấy loại giấy tờ liên quan.

Hiện Công an TP Huế tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các hành vi liên quan.

Người đàn ông này tên là Nguyễn Đức H. (SN 1964; ngụ đường Lịch Đợi, phường Phường Đúc, TP Huế), nguyên Giám đốc Công ty CP phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã nghỉ hưu.

Trước đó, vào khoảng 19 giờ 35 phút ngày 22-2, tổ công tác Đội CSGT- TT Công an TP Huế tiến hành tuần tra kiểm soát lưu động tại đường Điện Biên Phủ thì phát hiện ông H. điều khiển mô tô biển số 75F1-051.xx lưu thông trên đường Điện Biên Phủ hướng từ đường Nguyễn Huệ lên cầu Nam Giao, có dấu hiệu nghi vấn sử dụng nồng độ cồn.

Tổ công tác đã tiến hành dừng kiểm tra và yêu cầu ông H. kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, ông H. đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra và đã có những lời lẽ bất cần đời, thách thức và xúc phạm đến tổ công tác, dừng xe giữa mặt đường Điện Biên Phủ và "nằm vạ" giữa đường rồi bấm điện thoại gây ách tắc giao thông. Tổ công tác đã xin ý kiến Ban Chỉ huy Công an TP Huế phối hợp với Công an phường Vĩnh Ninh đưa đối tượng về trụ sở công an phường để làm việc.

Một số thông tin cho biết ông H. từng bị tai nạn giao thông vào năm 2013 nên phải nghỉ hưu sớm do di chứng. Ông H. thường phải khám, điều trị chứng rối loạn lo âu.

Nhiều gia đình ở Hà Nội trình báo con gái 'mất tích'

mat-tich-chon-8283-1708664038403-17086640387071407715303.jpg

Cơ quan công an phát đi thông báo tìm kiếm các cô gái sau khi nhận thông tin từ gia đình.

Vừa qua, tại thành phố Hà Nội xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng, cô gái trẻ tên Lê Thị Thùy L. (21 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) bị đối tượng Hoàng Minh Hào (20 tuổi, trú tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) sát hại, cướp tài sản, phi tang thi thể trong tủ bếp căn phòng trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Vụ việc khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng.

Ngay sau đó, nhiều gia đình ở Hà Nội liên tục trình báo cơ quan công an về việc con gái họ bỗng nhiên "mất tích", không thể liên lạc được.

Điển hình, ngày 20/2, Công an thành phố Hà Nội thông báo tìm kiếm cô gái 19 tuổi, sinh sống trên địa bàn huyện Thường Tín, mất tích từ ngày mùng 3 Tết. Theo thông tin từ gia đình, chị Bàn Thị Th. rời nhà từ ngày 12/2 và mất liên lạc cũng từ thời điểm đó. Khi đi, chị Th. mặc áo màu nâu, chân váy trắng, đi xe máy Honda Lead màu xám. Sau khi cơ quan chức năng phát đi thông báo, đến tối cùng ngày, gia đình đã tìm thấy chị Th. ở tỉnh Thanh Hóa.

Tương tự, gia đình chị Vũ Thị T. (21 tuổi, trú huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) trình báo cơ quan công an về việc cô gái này đi khỏi nhà từ chiều 19/2, và không thể liên lạc được. Trước khi "mất tích" chị T. mặc áo màu vàng, quần bò màu xanh đậm, đi xe đạp mini màu đỏ. Sau khi cơ quan công an phát đi thông tin tìm kiếm, gia đình cũng đã tìm thấy chị T.

Không chỉ các thiếu nữ "mất tích" cơ quan công an còn tiếp nhận tin trình báo về việc nam thanh niên ở Hà Nội cũng rời khỏi nhà nhiều ngày, đến nay chưa thấy về. Điển hình là trường hợp anh Trần Thanh B. (26 tuổi, trú đường nước Phần Lan, Tứ Liên, Tây Hồ) đi từ ngày 15/9/2023, gia đình đã tìm kiếm nhiều nơi nhưng chưa thấy.

Cũng một trường hợp liên quan đến các thiếu nữ bỗng nhiên "mất tích" ở Hà Nội là cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Tr. (14 tuổi, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Thiếu nữ này từ quê ở tỉnh Hà Nam lên Hà Nội từ ngày 15/2, và không trở về nhà.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hà Đông đã mời gia đình Tr. lên làm việc để xác minh làm rõ. Chiều 21/2, trong lúc đang làm việc với cơ quan công an, chị Đinh Thị T. (SN 1982, quê Thái Bình - là mẹ đẻ Tr.) nhận được tin nhắn từ số máy lạ với nội dung: "Gia đình muốn em Tr. bình yên trở về nhà thì chuyển vào tài khoản XXX 200 triệu đồng, nếu không chuyển hay báo công an thì gia đình tìm thấy em Tr. trong thùng xốp".

Sau nhiều giờ tập trung lực lượng xác minh, đến 22h cùng ngày, tổ công tác Công an quận Hà Đông và Phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội đã tìm thấy Tr. đang ở nhà trọ cùng bạn tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cô bé Tr. cho biết, đã bỏ học, sống cùng mẹ và em cùng mẹ khác cha tại phường Vạn Phúc. Ngày 7/2, chị T. chở Tr. ra bến xe về quê ngoại ăn tết tại tỉnh Hà Nam. Chiều 15/2, Tr. đi xe khách một mình đến bến xe Giáp Bát. Tuy nhiên, thiếu nữ này không về nhà, không liên lạc với gia đình mà tự ý đến nhà bạn gái quen qua mạng xã hội tại xã Liên Ninh, rồi tiếp tục đến ở cùng bạn tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Do đi chơi không có tiền nên cô bé Tr. đã bán chiếc điện thoại di động được 500.000 đồng để ăn tiêu cùng bạn.

Qua vụ việc trên, Công an quận Hà Đông khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng khi đưa các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lợi dụng để thực hiện các hành vi khác.

Theo cơ quan công an, khi xảy ra vụ việc tương tự, người dân cần phải kiểm tra xác minh, trình báo với cơ quan công an, cẩn trọng khi đăng tải lên trang mạng xã hội. Đồng thời các bậc cha mẹ cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con em, tránh việc để các em tự đi chơi mà không có người lớn đi cùng.

Học viên ngỡ ngàng vì phí đào tạo, sát hạch lái xe tăng

Chị Nga kể, con gái chị đăng ký học từ tháng 11 nhưng phải đến tháng 12 mới có lớp khai giảng. "Tiền học bây giờ cao gấp 3 lần so với hồi tôi học. Tổng chi phí ngót nghét 20 triệu mà không biết thi lần một có đỗ ngay không?". chị Nga băn khoăn.

Vẫn theo người phụ nữ này, hồi chị học 1 thầy thường kèm 3- 4 học viên. Còn thời điểm con gái chị học, 1 thầy kèm 1 trò và 1 xe là nguyên nhân đẩy chi phí đào tạo tăng cao. Hơn nữa, thời điểm trước 1/1/2023, học viên chưa phải học trên cabin điện tử - các cơ sở đào tạo không phải chi một khoản lớn cho việc lắp đặt thiết bị này.

Tại Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội), một thầy dạy lái xe báo giá chi phí trọn gói cho một khoá học lấy bằng B1 là 16 triệu đồng.

Số tiền này học viên sẽ đóng thành 2 đợt (khi vào hồ sơ đóng 50%, số còn lại được hoàn thành nốt trước khi thi) bao gồm các khoản: tiền hồ sơ, xăng xe, sân bãi, lái xe đường trường, bồi dưỡng thầy.

Ngoài ra, số chi phí trên chưa bao gồm tiền học xe gắn chip, học trên cabin và lệ phí theo quy định. Ba khoản này ước tính từ 2 - 2,5 triệu đồng.

Trung tâm cam kết học viên không mất thêm phụ phí trong suốt quá trình học. Như vậy, nếu học viên đỗ ngay trong lần học đầu tiên thì tổng chi phí cho một khoá học lấy bằng B1 xấp xỉ 20 triệu đồng.

Tương tự, một nhân viên Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội cho biết, tổng lệ phí cho một khoá đào tạo, thi lấy bằng B1 là 15 triệu đồng với thời gian học kéo dài trong 4 tháng. Trong đó, học viên đóng lần 1 là 8 triệu đồng và lần 2 là 7 triệu đồng.

Số lệ phí này đã bao gồm: Hồ sơ khai giảng khoá học tại Sở GTVT, giấy khám sức khoẻ dành cho người lái xe, chi phí sân tập, xăng xe, lương giáo viên hướng dẫn, dạy thực hành lái xe từ cơ bản đến nâng cao, học sa hình và đường trường (710 km đối với hạng B1, 810 km đối với hạng B2), 3 giờ học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng...

Điểm khác biệt của trung tâm này là sau khi kết thúc giáo trình đào tạo, học viên yếu kém sẽ được hỗ trợ đào tạo thêm mà không mất thêm phí. Đồng thời cam kết trong quá trình đào tạo sẽ thực hiện 1 thầy, 1 trò, 1 xe mà không phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào.

Anh Quân, thầy dạy của Trung tâm đào sát hạch lái xe Thành An cho biết, mức phí đào tạo bằng B1, B2 của đơn vị này đang được ưu đãi 16 triệu đồng.

Nhằm thuyết phục người học, anh Quân cho hay, sắp tới quy định phải học thêm 41 giờ trong sa hình thì chi phí học lái xe còn tiếp tục tăng.

Người này đưa ra một bức ảnh chụp bảng giá thông báo chiêu sinh của một cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ở miền Nam, trong đó có đưa danh mục đào tạo lái xe trong sa hình vào lộ trình đào tạo. Từ đó mức phí tăng lên tới 29,8 triệu đồng đối với bằng B1, B2 và 33, 8 triệu đồng đối với bằng C.

Lý giải việc tăng phí đào tạo lái xe, đại diện một trung tâm đào tạo lái xe cho biết do phải tăng chi phí đầu tư (cabin điện tử, thiết bị DAT… ) nên từ đầu năm 2023 hầu hết các cơ sở đều tăng lệ phí.

"Mức tăng mỗi cơ sở khác nhau. Các cơ sở trình lên Sở GTVT phê duyệt, áp dụng", vị này thông tin.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Thông tư liên tịch số 72/2022/TT - Bộ Tài chính và Bộ GTVT giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng mức phí về đào tạo, sát hạch lái xe, báo cáo cơ quản lý. Sau khi được chấp thuận, cơ sở đào tạo sẽ công khai mức phí".

Vị này khẳng định, các quy định về đào tạo lái xe vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, nên không có chuyện sắp tăng giá. Hiện nay, việc đào tạo lái xe theo cơ chế thị trường có sự cạnh tranh. Do đó, cơ sở nào mức học phí tăng quá cao, đào tạo không chất lượng thì chắc chắn sẽ khó thu hút được học viên.

TPHCM kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích

phatdannamanhchuaphaphoanamanhchuaphaphoanamanhnama2037-1685506447205-1708618779777-1708648467823-17086484681042135817757.jpg

Chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận) là một trong những ngôi chùa lớn được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố (Ảnh: Nam Anh).

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Công tác này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng về vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc.

Kế hoạch kiểm tra tổng thể của TPHCM nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Công tác kiểm tra cũng giúp cho các tổ chức, cá nhân quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ kiểm tra các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Thời kỳ kiểm tra là trong năm 2023.

Các đơn vị sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.

Sở Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì kế hoạch, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Nội vụ tham mưu UBND TPHCM trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Kết quả kiểm tra cần trình UBND TPHCM ký duyệt, gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3.

UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.

Đồng thời, nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.

Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và xã hội

Khỉ tấn công người

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020