Những thay đổi trong chế độ hưu trí từ năm 2025
Từ 1/1, tuổi nghỉ hưu của lao động trong điều kiện làm việc bình thường tăng lần lượt ba và bốn tháng, nam đạt 61 tuổi 3 tháng và nữ 56 tuổi 8 tháng. Lộ trình tăng đều đặn cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035. VnExpress đưa tin.
Tuổi hưu tăng theo lộ trình mỗi năm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ từ năm 2021. Đồ họa:
Trước ngày 1/7/2025, lao động nghỉ hưu trước tuổi ngoài đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) phải có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên. Thời gian nghỉ trước không quá 5 năm với lao động suy giảm từ 61% đến dưới 81% và không quá 10 tuổi với người suy giảm trên 81%. Với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Tuổi điều kiện hưởng lương hưu cũng tăng đồng bộ với tuổi nghỉ hưu, nam từ đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng và đóng từ đủ 20 năm BHXH. Mức hưởng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH với người tham gia 20 năm, mỗi năm sau đó tích lũy thêm 2%. Để hưởng lương hưu tối đa, lao động nữ đóng đủ 30 năm và nam đủ 35 năm BHXH.
Từ 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực , thời gian đóng BHXH giảm từ 20 xuống còn 15 năm. Số năm tham gia làm điều kiện hưởng hưu trí của lao động cũng giảm tương ứng song vẫn phải đảm bảo đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ đóng 15 năm bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Với lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, đóng BHXH 15 năm thì mức hưởng bằng 40% bình quân tiền lương tháng. Từ 16 đến 20 năm, mỗi năm tính thêm 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ đóng mỗi năm tính thêm 2% cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Lương hưu khu vực công tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH
Lao động khu vực nhà nước gia nhập hệ thống an sinh từ ngày 1/1/2025 sẽ hưởng lương hưu trên nền tiền lương bình quân đóng BHXH của toàn bộ quá trình thay vì bình quân các năm cuối như trước đây. Trước thời điểm này, luật quy định tính bình quân 5-20 năm cuối với người tham gia tùy từng thời điểm. Cụ thể:
Giai đoạn | Trước 1995 | 1995- 2000 | 2001-2006 | 2007- 2015 | 2016- 2019 | 2020-2024 | Từ 1/1/2025 |
Bình quân số năm cuối đóng BHXH | 5 | 6 | 8 | 10 | 15 | 20 | Toàn bộ quá trình |
Lao động tham gia BHXH cả hai khu vực nhà nước và doanh nghiệp thì tính bình quân tiền lương đóng BHXH của hai giai đoạn. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung và một số trường hợp đặc biệt.
Với lao động ngoài doanh nghiệp, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để hưởng lương hưu, trợ cấp một lần vẫn giữ nguyên tính bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội giảm 5 năm
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hạ từ 80 xuống 75 với người già không lương hưu, không trợ cấp BHXH hàng tháng. Chính sách áp dụng độ tuổi thấp hơn 5 năm với người già từ đủ 70 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài tiền hưởng mỗi tháng, người cao tuổi được ngân sách đóng BHYT. Tiền hưởng hiện hành của người đủ 80 tuổi trở lên là 500.000 đồng mỗi tháng.
Người Hà Nội đi dạo bên Hồ Gươm, mùa đông 2022. Ảnh:
Mức hưởng do Chính phủ quy định và định kỳ ba năm sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách. Luật định Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm dần độ tuổi thụ hưởng dựa trên đề nghị của Chính phủ.
Chính sách giúp đưa khoảng 800.000 người già vào lưới an sinh. Hiện, độ bao phủ chế độ cho người già sau tuổi nghỉ hưu của cả nước chưa tới 40%, trong khi Nghị quyết 28 của Trung ương đặt mục tiêu bao phủ 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.
Với người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, không rút một lần, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (nam từ đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng đến dưới 75 tuổi) thì có thể nhận trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Cả nước có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng. Khảo sát người cao tuổi Việt Nam (VNAS) năm 2022 cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Hàng loạt chính sách vượt trội với cán bộ, công chức khi tinh gọn bộ máy
Cán bộ, công chức thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy được hưởng nhiều chế độ
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp bộ máy gồm 8 chính sách lớn. Thông tin trên An Ninh Thủ Đô.
Cụ thể: Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; Chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động;
Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy;
Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở; Chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội;
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp và Chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng (Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024), Bộ Nội vụ cho biết, với mục tiêu kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ sau đại hội đảng bộ các cấp và cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo Thông báo Kết luận số 20-TB/KL ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị; xây dựng chính sách phù hợp để động viên, ghi nhận quá trình công tác, công hiến của cán bộ không đủ tuổi tái cử có nguyện vọng nghỉ công tác; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ.
Về đối tượng áp dụng, trên cơ sở rà soát quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, Công văn số 7516-CV/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị , đối tượng hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định gồm 03 nhóm: Nhóm không đủ tuổi tái cử (còn dưới 30 tháng tính từ thời điểm đại hội đến thời điểm nghỉ hưu); Nhóm còn đủ tuổi tái cử (từ 30 tháng đến 60 tháng); Nhóm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Về chế độ, chính sách, Nghị định quy định 2 chính sách, cụ thể là: Chế độ nghỉ hưu trước tuổi; Chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Đồng thời, bỏ chính sách tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để giải quyết thực tiễn, theo đó đối với nhiều trường hợp không đủ tuổi tái cử nhưng vẫn lựa chọn ở lại công tác sẽ rất khó sắp xếp, bố trí vị trí công tác; khuyến khích hưởng chế độ để thôi việc, nghỉ hưu ngay.
Các chế độ, chính sách áp dụng đối với người không đủ tuổi tái cử nghỉ hưu trước tuổi tăng hơn so với Nghị định hiện hành theo nguyên tắc cao hơn so với tinh giản biên chế.
Cụ thể, so tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng hiện hưởng cho 20 năm hoặc 15 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm tiếp theo được hưởng 0,5 tháng tiền lương/năm có đóng bảo hiểm xã hội; không bị trừ tỷ lệ lương hưu đối với thời gian nghỉ hưu trước tuổi; tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Hàng hóa tết được kiểm soát về chất lượng, giá cả
Hệ thống 800 điểm bán thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chính thức bước vào mùa kinh doanh Tết. Nhờ hàng hóa dồi dào, chương trình khuyến mãi phong phú và các hoạt động trải nghiệm sôi động, sức mua tại các điểm bán tăng từ 30 - 40% so với các tháng trước.
Nhằm chủ động nguồn cung, đảm bảo giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, Saigon Co.op đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự trữ nguồn hàng ngay từ giữa năm 2024 với tổng sản lượng dự trữ hơn 12.000 tấn.
Phần lớn ngân sách ưu tiên cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) với mức tăng từ 30% – 50% so với tháng thường, tương ứng tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng; phần còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ngoài chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết, Saigon Co.op thực hiện khuyến mãi Tết với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” liên tục trong 59 ngày từ 1/12/2024 đến 28/1/2025, với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đón xuân mới.
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và nhóm hàng thời vụ Tết, Saigon Co.op đã tăng cường kiểm tra chất lượng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Đồng thời phối hợp đối tác tăng cường tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa, trải qua 3 bước kiểm tra trước khi tới tay khách hàng: tại nơi sản xuất, tại trung tâm phân phối và kiểm tra nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị.
Sở Công Thương TPHCM cho biết, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó dành hơn 8.000 tỷ đồng cho việc dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường Tết.
Lượng hàng thiết yếu được chuẩn bị chiếm từ 25% đến 43% thị phần, với kế hoạch cung ứng bình quân mỗi tháng Tết gồm: 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả và 200 tấn thủy hải sản.
Theo Sở Công Thương, giá các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn luôn được duy trì thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân thị trường đối với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng. Đồng thời, chương trình cam kết không tăng giá trong thời gian 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết.
Ngoài việc đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá cả, năm nay TPHCM lần đầu tiên triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm). Chương trình này hướng đến việc định hướng sản xuất dựa trên tín hiệu thị trường, với nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.
Để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp và chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối đã triển khai nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại và giảm giá sâu đối với các mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh kẹo, mứt và quần áo trong những ngày cận Tết.
Sở Công Thương TPHCM cũng vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị liên quan về công tác tổ chức chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đối với hệ thống chợ trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND TP Thủ Đức, quận, huyện chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại chợ.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động tiểu thương cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng lề đường, gây ùn tắc giao thông, tập trung chất thải rắn sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định...
Bình Dương: Người được thưởng Tết cao nhất 840 triệu đồng, làm ở công ty bất động sản
Ngày 1/1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết đã có hơn 2.000 doanh nghiệp báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng và quan hệ lao động trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Theo đó, dự kiến mức lương thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ bình quân 9,16 triệu đồng/người. Người Lao Động đưa tin.
Mức thưởng cao nhất dự kiến thuộc về một doanh nghiệp FDI là 840 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh bất động sản; thấp nhất 4,96 triệu đồng (đối với người lao động có thời gian làm việc từ 12 tháng trở lên). Đối với doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 300 triệu đồng. Đối với mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 380 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, thăm hỏi, tặng quà cho công nhân xây dựng làm việc xuyên Tết Dương lịch
Để chăm lo Tết chu đáo cho người lao động, UBND tỉnh Bình Dương dự kiến chi khoảng 50 tỉ đồng, trong đó sẽ tập trung ưu tiên chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo.
Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương cũng dự kiến chi hơn 272 tỉ đồng để chăm lo cho người lao động, đồng thời vận động xã hội hóa để thực hiện hàng loạt các chương trình vui xuân đón Tết cho người lao động.
Giữa tháng 1 có thể là cao điểm của rét đậm rét hại
Trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn, khả năng cao gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở khu vực phía Bắc, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1. Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin.
Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 1/2025, ngày 1/1, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong tháng 1/2025, khoảng từ ngày 1-3/1, rãnh áp thấp có trục khoảng 6-9 độ Vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông, sau đó rãnh áp thấp có xu hướng hạ trục xuống phía Nam và mờ dần đi.
Tháng 1 sẽ có nhiều đợt rét đậm rét hại.
"Trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với thời kỳ tháng 12/2024, khả năng cao gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở khu vực phía Bắc, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1", Phó Trưởng phòng Nguyễn Đức Hòa lưu ý.
Cùng với đó, trong tháng 1/2025, khu vực phía Nam của Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Nam Bộ có thể xuất hiện một số ngày mưa trái mùa, trong cơn dông cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực; đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.