Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu băn khoăn cơ sở nào để phương án 2 quy định chỉ cho người lao động rút 50% tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc băn khoăn các phương án rút BHXH 1 lần
-
Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý: Đa số công nhân muốn áp dụng phương án 1 về rút BHXH 1 lần
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng với phần chủ sử dụng lao động đóng thì dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu. Cụ thể, trong cơ cấu đóng quỹ BHXH là 25,5% gồm 8% là người lao động đóng, còn 17,5% là doanh nghiệp đóng; với 18% thì gồm 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu vấn đề trong thời gian bao nhiêu năm, nếu người lao động không đóng BHXH thì cho họ rút hay có phương án nào khác. Bởi dự luật hiện nay đang bỏ ngỏ vấn đề này, nói cách khác là có khoảng trống. "Tức là khi người lao động chỉ rút 46%, để lại 54% hay rút 50% để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để BHXH chiếm dụng?" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu vấn đề.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết rút BHXH một lần là vấn đề người lao động quan tâm nhất. Dự thảo luật mới quy định thời gian đóng tối thiểu để được lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng đến 10 năm sẽ tác động một phần tới tình trạng này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nước có chính sách an sinh tốt trên thế giới không cho rút bảo hiểm một lần, thậm chí còn không phải quy định điều đó vì họ không có nhu cầu. Tuy nhiên, nước ta thì khác, vì khó khăn nên họ mới phải rút để trả nợ, trang trải cuộc sống… Vì thế, có ý kiến cho rằng "không nên cấm đoán" nhưng phải thiết kế chính sách để lưu người đóng vào hệ thống, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên phân biệt việc cho phép rút bảo hiểm một lần trước hay sau khi luật này có hiệu lực, bởi nếu luật mới không cho phép sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của người lao động, khiến tình trạng rút bảo hiểm một lần tăng thêm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết kế chính sách sao cho người lao động có lựa chọn tốt nhất khi tham gia BHXH. Ví dụ, nhiều cách thức như người lao động có thời gian đóng mà chưa hưởng lương hưu thì vẫn được trợ cấp hoặc có thể tích hợp bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả hoặc phương án rút một phần, lưu lại một phần rồi sau vẫn có thể quay lại đóng tiếp.
Từ Hội nghị Trung ương 7, có 2 nghị quyết chưa ban hành được là các nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và nghị quyết cải cách chính sách BHXH. Lộ trình cải cách tiền lương dự kiến làm từ 2021 nhưng bị tác động của COVID-19 nên trình Trung ương cho phép lùi lại. Giờ Chính phủ bàn, quyết định tiến hành vào 1-7-2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội, do độ trễ của cải cách tiền lương, nếu dự án này thảo luận, kỳ sau thông qua, có thể áp dụng gần như song trùng cải cách bảo hiểm với cải cách tiền lương thì "rất đẹp".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định cải cách lần này là bước thay đổi căn bản về chính sách BHXH theo hướng hình thành chiến lược đa tầng, một là tiền lương hưu trí; hai là BHXH bắt buộc; tầng 3 là BHXH tự nguyện kết hợp với bảo hiểm thương mại. Qua đó hình thành hệ thống bảo hiểm đa tầng tiến tới bao phủ BHXH toàn dân.