Chuyên mục  


Sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành để đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ở nước ta trong những năm qua.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian qua tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên tại các địa bàn. Vì vậy, khi bão xảy ra, các cấp ngành đã chủ động phối hợp, ứng phó.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thành quả của công tác phòng chống bão số 4 không phải do may mắn mà thực sự là nỗ lực, sự chủ động của các cấp, các ngành trong phòng chống thiên tai. Đồng thời, cũng kể đến sự nghiêm túc, sát sao trong thực hiện các chỉ đạo của trung ương cũng như sự chủ động ứng phó của 8 địa phương trong vùng ảnh hưởng, qua đó phát huy hiệu quả của phương châm "4 tại chỗ".

"Từ sự chủ động, các biện pháp được triển khai từ sớm, từ xa, đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, qua đó chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, dù đây được đánh giá là cơn bão lớn" - ông Lê Minh Hoan nhận định, đồng thời dự báo từ đây đến cuối năm sẽ còn 10-12 cơn bão nữa.

Các lực lượng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 4 Ảnh: QUANG TÁM

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chưa có thiệt hại về người do bão là điều đáng mừng. Ông nhấn mạnh lòng tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

"Như Đà Nẵng báo cáo, đến 5 giờ chiều 27-9 đã không còn bóng người ngoài đường. Điều này thể hiện ý thức cao của người dân, có được nhờ sự tích cực tuyên truyền vận động của toàn hệ thống ứng phó với bão" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh sự đùm bọc trong nhân dân. Sáng 28-9, ông và đoàn công tác đi khảo sát một số khu vực tại tỉnh Thừa Thiên - Huế thấy rõ sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân. Người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có những khách sạn đã dành chỗ cho người dân trú tránh. Điều này tạo thuận lợi lớn cho việc di dân chống bão của các địa phương.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Thứ nhất, phải cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Thứ hai, cần nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Thứ ba, cần xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm 4 tại chỗ. Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thứ năm, công tác thông tin, hướng dẫn phải thực hiện kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để dân đói, rét, không có chỗ ở; không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ; đồng thời lưu ý miền Trung là nơi luôn diễn ra mưa lũ, bão. Vì vậy, chính quyền và người dân phải luôn cảnh giác, không chủ quan, lơ là.

"Nhưng cũng không vì thế mà lo sợ. Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau" - Thủ tướng kết luận.

Nhiều địa phương lo chống lũ

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dọc Quốc lộ 49B chạy ven biển và phá Tam Giang đi qua các xã thuộc huyện Phú Vang, sau bão làng quê tiêu điều, nhiều căn nhà đổ sập, tốc mái. Ngay từ sáng sớm 28-9, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đã khẩn trương tham gia dọn dẹp cây cối ngã đổ.

Các đơn vị tại TP Đà Nẵng cũng tích cực thu dọn cây xanh đổ gãy, làm vệ sinh môi trường, tập trung theo dõi, cảnh báo khu vực sạt lở để có những biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Từ chiều 28-9, công chức thành phố trở lại làm việc bình thường, trừ các hoạt động tắm biển, đánh bắt cá trên sông, biển vẫn tạm cấm.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho biết trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đi học lại từ ngày 29-9. Các trường ở vùng thấp, có nguy cơ ngập thì tùy tình hình thực tế sẽ tổ chức đi học trở lại.

Khu vực ngầm ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nước dâng cao khiến người và phương tiện không qua lại được Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tại tỉnh Quảng Nam, từ trưa 28-9, trời ngớt mưa và có nắng nhẹ, chính quyền và người dân địa phương tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Dù vậy, đến tối cùng ngày, nhiều nơi ở TP Tam Kỳ và các huyện thị vẫn chưa có điện trở lại. Các ban, ngành tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết…

Huyện đảo Lý Sơn là nơi bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết các lực lượng chức năng của huyện nỗ lực khắc phục, giúp người dân ổn định chỗ ở, vệ sinh môi trường, bảo đảm lương thực, nước uống cho người dân. Trong ngày, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, ách tắc, đặc biệt là các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện.

Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 100 người của các lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà ở, hàng quán; cắt tỉa, vận chuyển hàng chục cây xanh bị ngã đổ khỏi hiện trường. Bộ đội Biên phòng tỉnh này huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân.

Bão qua, mưa đổ về nên rạng sáng 28-9, cầu sắt nối xã Vĩnh Ô với trung tâm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nước lũ cuốn trôi. Hơn 370 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu thuộc 6 thôn của xã này bị cô lập hoàn toàn. Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, nước sông, suối dâng cao chia cắt hàng loạt ngầm, tràn. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng chốt giữ, yêu cầu người dân không tự ý qua lại vùng nguy hiểm.

Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lớn gây ngập tại các khu vực ngầm ở nhiều xã miền núi như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Các xã Thượng Trạch, Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) bị cô lập, chia cắt. Mực nước sông Gianh qua huyện Tuyên Hóa dâng cao. Để ứng phó, huyện Tuyên Hóa đã triển khai phương án sẵn sàng di dời 5.000 người dân và tài sản đến nơi an toàn. Hiện trên các sông ở Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông có khả năng ở mức dưới báo động I - II.

Chiều 28-9, ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - cho hay cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã đi vào bản Rào Tre bị nước ngập sâu gây chia cắt hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương lập các biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây cấm đường hoàn toàn tại các khu vực đi vào cầu tràn, bố trí người trực gác 24/24 giờ để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện.

Khu vực Hà Tĩnh được cảnh báo sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả ứng phó bão là khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.

57 người bị thương do hoàn lưu bão

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 28-9, hoàn lưu bão số 4 đã làm 57 người bị thương (Quảng Trị 8, Thừa Thiên - Huế 8, Quảng Nam 41); 94 nhà sập (Quảng Trị 2, Thừa Thiên - Huế 6, Quảng Nam 65, Quảng Ngãi 21); 3.246 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 137, Thừa Thiên - Huế 419, Đà Nẵng 228, Quảng Nam 1.150, Quảng Ngãi 1.278, Gia Lai 7, Kon Tum 27); 77 điểm trường bị ảnh hưởng; hơn 1.038 ha hoa màu, 6 ha thủy sản bị ngập; 5.262 cây xanh gãy đổ; 8 tàu nhỏ (Đà Nẵng 4, Quảng Nam 4) bị hư hại, chìm tại khu neo đậu; 1.666 con gia súc, 1.475 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi; 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến quốc lộ; 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết từ chiều 28 đến đêm 29-9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa với lượng phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp. Ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to.

V.Duẩn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020