Chuyên mục  


Ở Việt Nam có rất nhiều "phiên bản" của Nick Vujicic - một thanh niên người Úc được cả thế giới biết đến là một người khuyết tật có nghị lực phi thường, một người truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Tôi thấy mình may mắn khi biết đến Nay Djruêng, chàng trai với một nghị lực phi thường cùng trái tim luôn hướng về cộng đồng, "một Nick Vujicic của Tây Nguyên".

Nay Djruêng là chàng trai dân tộc Jrai, sinh năm 1994 tại xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Nay Djruêng là người sáng lập và hiện là trưởng nhóm thiện nguyện "Đi qua mùa rẫy", tiếp sức cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn theo học con chữ.

Từ "thoát án" chôn sống đến sinh viên cao đẳng

"Hiện thân của quỷ dữ, phải chôn đi ngay, nếu không sẽ có họa", đó là "phán quyết" mà những người họ hàng bên ngoại của Nay Djruêng đã thốt lên khi Nay Djruêng được sinh ra với tay chân không lành lặn.

Song, hiểu hơn ai hết chính là bố mẹ của Nay Djruêng. Họ từng là du kích tại căn cứ Ea H’Drêh thời kháng chiến chống Mỹ và bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nhưng họ không thể chống lại lệ làng và bước qua lời nguyền. Trước đó, một người anh trai của Nay Djruêng đã bị chôn sống ngay khi lọt lòng mẹ với thân hình dị dạng.

Cuộc đấu trí giằng co giữa hai bên "chôn sống" và "giữ lại" kết thúc khi người bác cả về đưa ra quyết định: "Tao đâu có biết giết người". Từ "phán quyết" đó đã giúp Nay Djruêng thoát khỏi hủ tục và được tái sinh cuộc đời.

Tuy được sống nhưng chẳng ai nghĩ Nay Djruêng sẽ được đến trường, ai sẽ đưa cậu bé đi học, cậu bé sẽ cầm bút kiểu gì? Thế nhưng, Nay Djruêng đã tự lết đến trường bằng hai đầu gối, thậm chí có lúc cậu phải lăn mình xuống con dốc dài rải đầy đất đá. Chỉ vài ngày đầu gối của Nay Djruêng đã trầy xước, mưng mủ nhưng Nay Djruêng không bỏ cuộc mà xin mẹ "chế" cho đôi dép quay ngược, đi cho đỡ đau gối.

Đến năm học lớp 4, Nay Djruêng được Hội Chữ thập đỏ cấp cho đôi chân giả, việc đi lại đã dễ dàng hơn rất nhiều. Còn để viết, Nay Djruêng kẹp bút vào hai khuỷu tay đảo qua đảo lại. Ban đầu nét chữ nguệch ngoạc nhưng rồi Nay Djruêng cũng viết được và viết rất đẹp.

Hình hài như con lật đật nhưng cậu bé Nay Djruêng không hề mặc cảm, tự ti, trái lại cậu luôn vui vẻ cười nói và chăm chỉ học hành, băng băng lên lớp. Đến khi học xong lớp 12, Nay Djruêng quyết tâm thi vào hệ cao đẳng ngành công nghệ thông tin ở Đà Nẵng và đã trúng tuyển. Nay Djruêng hòa nhập với môi trường mới rất nhanh. 

Tại lớp, Nay Djruêng còn xung phong làm lớp trưởng. Không những thế, Nay Djruêng còn tự bươn chải làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải sinh hoạt. Thời gian rảnh, Nay Djruêng lại xung phong đi theo thầy cô giáo làm thiện nguyện. Đi tới đâu Nay Djruêng cũng mang theo năng lượng tích cực, tiếng cười và giọng hát để động viên những bạn trẻ khuyết tật lạc quan tìm khát vọng sống.

Tiếp sức học sinh nghèo đến trường

Ba năm gắn bó với thành phố êm đềm bên sông Hàn, tốt nghiệp loại khá, Nay Djruêng tiếp tục tìm kiếm thử thách tại TP HCM. Nay Djruêng chứng kiến biết bao câu chuyện tử tế, nhân văn của đất phương Nam. Từ chỗ là người trước kia thường được các nhà hảo tâm tặng quà, động viên thì Nay Djruêng đã nghĩ về sự cho đi để tiếp tục nhận lại yêu thương.

Tháng 8-2014, Nay Djruêng đã chia sẻ dự định hỗ trợ học sinh nghèo với một số người thân, bạn bè và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành. Mỗi người quyên góp một chút, chương trình tiếp sức đến trường ra đời để chắp cánh cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục giữ được tình yêu con chữ.

Từ đó đến nay, cứ vào tháng 9 hằng năm, Nay Djruêng lại đến Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng) và Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa) để trao các phần quà tặng, như: tiền mặt, sách, tập, bút viết. Có năm chương trình không vận động được nhiều nhưng phương châm của Nay Djruêng là "có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, quan trọng là các em được nhận quà, có niềm vui trong dịp đầu năm học".

13-tang-qua-16777684864082116962.jpg

Anh Nay Djruêng tặng quà cho các em học sinh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chỉ có năm đại dịch COVID-19 khiến sự kiện thường niên phải dừng lại. Ngay sau đó, tên cũ của chương trình đã được đơn vị khác sử dụng nên Nay Djruêng đã đổi tên thành "Đi qua mùa rẫy". Đại dịch COVID-19 đi qua, Nay Djruêng bắt tay ngay vào công việc thiện nguyện. Đầu tiên là chương trình thường niên "Đi qua mùa rẫy" lần thứ 8. 

Tiếp đến là tổ chức chương trình Trung thu cho em, Giáng sinh yêu thương ở tỉnh Bình Phước, chương trình được phối hợp với "Thư viện mini cô Ba" của chị Huỳnh Thanh Thảo (huyện Củ Chi, TP HCM) đã trao hàng trăm phần quà, như: bánh, gạo, nón, nhu yếu phẩm và trao kinh phí cho các em vươn lên học tập. 

Đầu năm 2023, "Đi qua mùa rẫy" và "Thư viện mini cô Ba" đã tổ chức chương trình "Vui xuân đón Tết, trao hết yêu thương" trao tặng hàng trăm suất quà cho các em nhỏ khó khăn ở huyện Củ Chi, TP HCM.

Nay Djruêng còn trở thành "chỗ dựa" cho các bạn khuyết tật mỗi khi có dịp xuống TP HCM. Bạn nào xuống khám bệnh đều được Nay Djruêng ra đón, hỗ trợ phiên dịch tiếng địa phương với bác sĩ, rồi hỗ trợ kinh phí chữa trị. 

Điển hình, Nay Djruêng vừa giúp em Ksor H’Vân và Ksor Tinh - người dân tộc Jrai - đi khám bệnh ở TP HCM. Nay Djruêng đã lo đi lại, thuốc men, quần áo, sữa, 2 chiếc xe lăn cho hai em với số tiền mặt vận động được là 23 triệu đồng.

13-anh-nay-djrueng-tang-qua-cho-benh-nhi-16777684864031501874558.jpg

Anh Nay Djruêng tặng quà cho bệnh nhi (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Tấn Lực - giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo - cho biết trong những năm qua, Nay Djruêng đã tiếp sức cho hàng trăm em học sinh nghèo vượt khó. Dù đi lại rất khó khăn, lại hay ốm đau nhưng cứ đến khai giảng là Nay Djruêng lại về thăm trường và có những chia sẻ về nghị lực sống khiến các em học sinh rất cảm động và hào hứng. "Chúng tôi rất ngưỡng mộ và yêu quý Nay Djruêng, mong em sẽ viết nên ước mơ và tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình" - thầy Lực nói.

Vững bước trên đôi chân của mình

Nay Djruêng luôn tự tin bước trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Dẫu còn gặp khó như bị mất việc làm trong đại dịch COVID-19 nhưng Nay Djruêng vẫn luôn lạc quan và ấp ủ các dự án thiện nguyện.

"Mình nhiều dự định lắm. Mình sẽ cố gắng để lập một đội truyền thông gồm những bạn khuyết tật có đam mê sáng tạo nội dung, lan tỏa năng lượng tích cực. Ngoài ra, mình sẽ tạo một chương trình học bổng cho các em khó khăn" - Nay Djruêng chia sẻ.

Nay Djruêng là con người của công việc, luôn muốn làm mới mình mỗi ngày. Hiện Nay Djruêng làm việc trong ngành công nghệ thông tin và luôn khao khát nâng cao trình độ để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Minh Chiêu, sinh sống ở TP HCM, một nhà hảo tâm và thường đồng hành với Nay Djruêng trong hoạt động tình nguyện, nói: "Tôi rất ngưỡng mộ nghị lực sống và tấm lòng hướng thiện của Nay Djruêng. Tuy thân hình có khiếm khuyết nhưng Nay Djruêng không hề mặc cảm, tự ti mà sẵn sàng giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, nghị lực sống của Nay Djruêng giống như Nick Vujicic vậy". 

Trong bước đường hoạt động sôi nổi, Nay Djruêng đã nhận nhiều giải thưởng như Giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng năm 2013; Giải nhì cuộc thi “Tiếng hát quần chúng” do huyện Krông Pa tổ chức năm 2007; Giải khuyến khích cuộc thi hát cho người khuyết tật “Giai điệu trái tim” năm 2018; Giải thưởng “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” năm 2020 và 2022 do Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tổ chức.

13-anh-nay-djrueng-nhan-giai-thuong-tuoi-tre-cong-hien-vi-cong-dong-16777684863031002174020.jpg

Anh Nay Djruêng nhận giải thưởng Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

13-long-tot-quanh-ta-1667485939184379177176.jpg
9-logo-ct-group-1669297792949556951278.jpg

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020