Chế tài mạnh cho việc "lơ là" an toàn bay
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 30/5, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) bày tỏ lo ngại khi thời gian qua có nhiều sự cố an toàn hàng không, từ sự cố máy bay bung lốp, phải hạ cánh bằng càng tới máy bay hạ cánh vào đường băng chưa khai thác tại sân bay Cam Ranh, máy bay bị thủng lốp, bong ốp cánh. Các sự cố hàng không xảy ra và với mức độ khá thường xuyên.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Quốc hội chiều 30/5 (ảnh: Việt Hưng).
“Điển hình, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2018, hãng VietJet để xảy ra 7 sự cố, Thủ tướng phải chỉ đạo, Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo về những vụ việc uy hiếp an toàn bay, đồng thời yêu cầu Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng bay. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sự cố vẫn tiếp diễn với các máy bay của VietJet, gần nhất là sự cố máy bay bị bong ốp cánh sau khi hạ cánh tại sân bay Cát Bi ngày 25/4 vừa qua” – đại biểu so sánh sự cố này với trường hợp máy bay hạ cánh bằng càng tại sân bay Buôn Ma Thuột khiến nhiều hành khách một phen hoảng loạn, thậm chí bị thương.
Không phủ nhận việc ra đời các hãng hàng không giá rẻ giúp thị trường hàng không có cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng nhưng đại biểu cũng lo lắng, yêu cầu về an toàn không thể vì thế mà không được quan tâm đúng mức. Ông Phong đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT tăng cường giám sát với các hãng hàng không, nếu không đảm bảo an toàn và thường xuyên để xảy ra sự cố thì cần có những biện pháp đủ mạnh để cảnh báo, răn đe, công khai trước công luận.
Di dời trạm BOT T2?
Cũng trong lĩnh vực giao thông, đại biểu Đôn Tuấn Phong đặt vấn đề chuyện trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 đang phải tạm dừng thu phí do người dân phản ứng dữ dội vừa qua. Theo ông Phong, việc đầu tư mở rộng đường 91 là hết sức cần thiết, song với sự bất cập của vị trí đặt trạm thu phí này, Bộ GTVT cần tích cực và nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý.
Đại biểu gợi ý hướng hoặc đảm bảo phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền đúng bấy nhiêu, không thể chấp nhận việc trả phí khi không dùng dịch vụ hoặc trả phí nhiều hơn mức sử dụng dịch vụ hoặc di dời trạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ra quyết định đặt sai vị trí thì phải chịu trách nhiệm, kể cả chi phí di dời.
Cũng về chuyện trạm thu phí T2, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại dẫn chứng vụ việc này như một trường hợp điển hình thể hiện việc những bức xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng dẫn tới vấn đề “lung lay niềm tin” của người dân.
Theo ông Hiếu, điểm nóng tại trạm BOT T2 sẽ không xảy ra nếu từ 6 tháng trước, các cơ quan triển khai nghiêm túc quyết định của Thủ tướng về việc xây dựng đường tránh Long Xuyên.
“Hậu quả của việc chậm trễ là một công trình to lớn cho đồng bằng sông Cửu Long là cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành mà đã mất đi những ý nghĩa nhân văn chỉ vì những sai lầm tắc trách của một bộ phận. Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua chặng thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này” – đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch An Giang nói riêng, đồng bằng Sông Cửu Long nói chung để vùng đất này có cơ hội vươn lên phát huy hết tiềm năng.
Được biết, sau những tranh luận, ý kiến những ngày qua, kể từ khi trạm BOT T2 gặp phản ứng, phải dừng thu phí, phía Bộ GTVT đã thừa nhận bất cập tại trạm thu phí này, tổ chức đoàn công tác về địa phương tìm biện pháp giải quyết, trong đó nghiên cứu cả phương án di dời trạm sang vị trí khác.
P.Thảo