Bộ ảnh nằm trong dự án mang tên “Sài Gòn Hí Viện” với nhiều bức ảnh về nhân vật như: Khương Linh Tá, Mộc Quế Anh, Thần Nữ... và các kiểu dáng mặt nạ độc đáo trong nghệ thuật hát bội của Nguyễn Đức Huy (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM.
“Với kiểu vẽ này, mình mong muốn mang lại góc nhìn mới và hiện đại hơn về nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam đến các bạn trẻ”, Huy bộc bạch.
Sau khi kết thúc môn học kỹ thuật in, mỗi sinh viên phải chọn một đề tài để làm đồ án. Người chọn vẽ hiện đại, người chọn thiết kế về Sài Gòn... Riêng Huy chọn âm nhạc với chủ đề hát bội. “Bản thân mình thích cái gì nó cổ cổ, đồng thời mình thấy nhiều văn hóa truyền thống bị mai một theo thời gian, trong đó có hát bội, nên chọn nó và muốn làm mới nó theo phong cách hiện đại hơn để thu hút nhiều người xem”, Huy chia sẻ.
Mặc dù được vẽ trên phần mềm chuyên dụng Ai (Adobe Illustrator), nhưng để hoàn thành bộ ảnh về hát bội, Huy phải mất 3 tuần và mò mẫm.
Kết thúc luận án vẽ về hát bội, Huy vui mừng khi có người thuê thiết kế poster, pano... về chương trình hát bội. Huy chia sẻ: “Thật sự rất vui khi những sản phẩm của mình được mọi người chú ý, mặc dù được trả chi phí rất thấp, nhưng điều mà mình cảm thấy thành công đó là được sống với đam mê, được cống hiến và được làm việc với những người có cùng chung sở thích nghiên cứu văn hóa truyền thống”.
Không chỉ “biến tấu” những nhân vật hát bội sang nét hiện đại, Nguyễn Đức Huy còn sở hữu cho mình gần 30 tấm tranh kiếng cổ như Quan Âm, Ông Táo, Chúa Ngọc...
Độc đáo với những nhân vật hát bội được “chế biến” theo nét vẽ chibi |
Bén duyên với tranh kiếng, đó là lúc Huy tình cờ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh kiếng của bác Huỳnh Ngọc Trảng (nhà văn hóa nghiên cứu Nam bộ). “Lúc qua phụ bác, mình thấy bác gom mấy bức tranh kiếng cổ nhìn nó có nét đẹp riêng chứ không như mấy bức tranh kiếng thường thấy ở mấy tiệm bán, từ đó thích và muốn nghiên cứu về nó luôn”.
Đã gọi là đồ cổ nên rất ít và rất khó sưu tầm, Huy bắt đầu lân la tại các chùa, đình, miễu ở Sài Gòn. Tranh kiếng Nam bộ so với nhiều dòng tranh dân gian khác là vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường.
Đối với Huy sưu tầm được là chuyện khó rồi, nhưng để phục hồi nó còn khó hơn. “Hồi xưa người ta vẽ bằng keo được pha loãng ra hoặc là dầu cá vì vậy những bức tranh ngày xưa có độ loang màu rất đều và đẹp. Bây giờ không còn chất liệu đó nữa, phải dùng sơn Bạch Tuyết vài chục ngàn để phục hồi. Trước khi vẽ phải xịt một lớp sơn bóng, rồi lấy mực tàu vẽ lại những nét bị đứt sau khi đợi khô mình bắt đầu dậm màu sơn Bạch Tuyết lên”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Đức Huy còn cho biết: “Hiện tại tranh kiếng rất ít người quan tâm, nhưng cái không quan tâm đó sau này đi tìm lại rất khó. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngoài vẽ các bức họa trong hát bội, mình luôn cố gắng tìm những bức tranh kiếng cổ và phục hồi lại, để sau này còn có cái cho thế hệ sau nhìn thấy”.