NSND Đặng Thái Sơn trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN
Buổi diễn của nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn tại Giai điệu mùa thu 2019 vào tối 25-8 là buổi trình diễn của những lần đầu: lần đầu biểu diễn tại Giai điệu mùa thu sau 12 năm liên hoan nghệ thuật này ra mắt, lần đầu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của TP sau 40 năm, lần đầu trình diễn một chương trình với toàn các tác phẩm của Beethoven tại TP.HCM...
Vậy nên, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho buổi trình diễn cùng dàn nhạc lần này.
Ngoài buổi hòa nhạc chính thức vào 20h tối 25-8, NSND Đặng Thái Sơn sẽ có buổi trình diễn miễn phí dành cho sinh viên, học sinh (có vé mời) vào 9h sáng mai 25-8 cũng tại Nhà hát TP.
Ông đã dành cho Tuổi Trẻ Online cuộc phỏng vấn vào trưa 23-8, ngay sau buổi tập cùng dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tại Nhà hát thành phố.
* Buổi ráp tập cùng Dàn nhạc giao hưởng HBSO tại khán phòng nhà hát TP trưa nay có khiến ông hài lòng?
- Tôi thấy thoải mái hơn nhiều. Trước đây, nỗi lo ngại lớn nhất của tôi mỗi khi về nước trình diễn là không có cây đàn chuẩn. Còn bây giờ nhà hát rất ấm áp với kiến trúc đẹp, âm thanh tốt, nhạc cụ rất chuẩn.
Dàn nhạc phần lớn là những nghệ sĩ trẻ, có bạn gọi tôi bằng bác nhưng được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên cũng rất yên tâm. Phần còn lại là khán giả. Và tôi chờ đợi để tận hưởng yếu tố cuối cùng này trong đêm 25-8 tới.
NSND Đặng Thái Sơn trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN
* Vì sao ông lại chọn toàn tác phẩm của nhà soạn nhạc Beethoven cho buổi trình diễn tại Giai điệu mùa thu lần này?
- Vì cũng sắp vào "mùa Beethoven" và tôi muốn mình sẽ là người đầu tiên mở màn cho "mùa Beethoven" tại Việt Nam. Gọi là "mùa Beethoven" là vì vào tháng 9 hàng năm, các nhà hát và nghệ sĩ cổ điển trên thế giới đều chuẩn bị các chương trình, tiết mục kỷ niệm sinh nhật của ông vào tháng 12.
Năm nay còn đặc biệt hơn khi mọi người đều đang hướng tới sinh nhật lần thứ 250 của ông. Cái gì cũng vậy, đầu mùa sẽ khiến mọi người thích thú hơn. Nên tôi chọn diễn đầu tiên để không bị mọi người "ngán".
Tôi chọn Beethoven cũng vì chất nhạc của ông luôn có sự mạnh mẽ xen lẫn mềm mại đầy cảm thông và chia sẻ. Cũng xin nói thêm, hai tác phẩm tôi chọn diễn trong đêm 25-8 tới: Concerto No.3 in C Minor và Symphony No.7 in A Major là hai tác phẩm đỉnh cao của Beethoven, lần đầu được tôi chơi cùng dàn nhạc tại Việt Nam.
HBSO mời NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn cùng “Giai điệu mùa thu 2019”
* Mời được NSND Đặng Thái Sơn về trình diễn là một vinh dự và niềm hạnh phúc của những người tổ chức Giai điệu mùa thu. Và khán giả của Giai điệu mùa thu cũng đã chờ đợi ông suốt 12 mùa...
- Tôi cũng xin lỗi vì để mọi người chờ đợi mình quá lâu như thế!
Cá nhân tôi luôn vui mừng khi thành phố có một liên hoan đặc biệt và ý nghĩa thế này. Tôi luôn muốn có mặt, thậm chí là mỗi năm nhưng lịch làm việc của tôi quá dày đặc, thường phải sắp xếp trước ba, bốn năm nên đành để mọi người chờ đợi lâu.
Để có thể đến với khán giả TP.HCM tại Giai điệu mùa thu 2019, nhạc trưởng Trần Vương Thạch - giám đốc HBSO - đã làm việc cùng tôi từ hơn ba năm trước và tôi chọn luôn ngày này để về tham gia chương trình.
Quá trình chuẩn bị cho đêm diễn thật kỹ lưỡng. Ngoài việc chọn nhạc phẩm như tôi vừa trình bày, phía nhà hát đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Bởi lần này tôi trình diễn cùng cả dàn nhạc chứ không phải độc tấu nên dàn nhạc và nhà hát đã rất vất vả, dành rất nhiều thời gian luyện tập cũng như tâm sức cho các bản bè phối.
Ngoài ra, giám đốc nhà hát mời hẳn chuyên viên âm thanh ở Mỹ về cân chỉnh âm thanh cho màn trình diễn sắp tới. Tôi thật sự cảm kích.
NSND Đặng Thái Sơn trong buổi phỏng vấn vào trưa 24-8 tại Nhà hát TP - Ảnh: HỮU HẠNH
* Ông có thể chia sẻ đôi chút về những hoạt động nghề nghiệp của mình ở thời điểm hiện tại?
- Tôi hiện tại sống và làm việc chủ yếu tại Canada, là giáo sư danh dự tại Đại học Motreal (Canada) và giáo sư piano tại trường Oberlin Conservatory (Mỹ). Ngoài công tác giảng dạy chính tại hai trường này, tôi cũng là giáo sư danh dự tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) và Nhạc viện Đài Loan.
Bên cạnh các lớp học chính thức ở bốn ngôi trường trên, tôi dành thời gian cho các trại hè âm nhạc, các lớp học nâng cao Master class hay hướng dẫn cho các nghệ sĩ trẻ tài năng tham gia vào các cuộc thi piano danh tiếng trên thế giới.
Thời gian còn lại, tôi làm giám khảo cho các cuộc thi piano danh tiếng. Một đợt tham gia chấm thi mất của tôi từ 10 bữa đến nửa tháng. Vì vậy, tôi chấm thi khá chọn lọc, thường chỉ nhận ba đến bốn cuộc uy tín cho một năm.
Việc giảng dạy mất khá nhiều thời gian và tâm sức của tôi nhưng tôi vẫn phải đảm bảo khoảng 100 đêm diễn/năm cùng hoạt động ghi đĩa và cả luyện tập, biên soạn các chương trình, lịch diễn mới cho mình. Công việc khá nhiều thành ra kế hoạch nào cũng phải được sắp xếp trước hai, ba năm mới có thể theo được lịch trình và tiến độ công việc.
NSND Đặng Thái Sơn trình diễn tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.
* Ông vừa chia sẻ về cả trăm buổi diễn/năm. Làm cách nào để ông có thể trình diễn tuyệt hảo được trong suốt bao nhiêu ngày tháng như thế?
- Con người hẳn nhiên không phải là một cái máy và tôi thật sự có lúc không có hứng biểu diễn, không hoàn toàn thả hồn vào buổi diễn mà chỉ diễn ở mức chính xác, chuyên nghiệp.
Rất may là với những buổi diễn ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM thì cảm xúc trong tôi lúc nào cũng dâng trào. Có lẽ TP.HCM là quê ngoại, mẹ tôi được sinh ra ở đây nên khi trở về, tôi luôn có cảm giác mình đang đàn cho bà con mình nghe vậy.
NSND Đặng Thái Sơn (phải) cùng nhạc trưởng Trần Vương Thạch (thứ hai, phải qua) và thành viên dàn nhạc trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN
* Ông từng "báo động" về sự thụt lùi của nền nghệ thuật hàn lâm Việt Nam so với các nước trong khu vực. Là một giáo sư piano nổi tiếng của thế giới, đồng thời là một nhà sư phạm uy tín, ông có kế sách gì cho các tài năng piano nói riêng và sự phát triển của ngành nghệ thuật hàn lâm tại Việt Nam nói chung?
- Nhạc cổ điển vào Việt Nam khá sớm, từ thế kỷ 19 và đã có rất nhiều người Việt vào thời đó am hiểu, yêu thích và giỏi nhạc cổ điển. Tôi luôn tự hào là có má (nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên) và dì là những người đầu tiên được học đàn cổ điển và theo con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp. Gia đình, anh em tôi vì thế cũng có truyền thống hoạt động âm nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp.
Từ khi nhạc cổ điển mới du nhập vào Việt Nam cho đến cách đây 30, 40 năm, Việt Nam mình vẫn có được những tài năng cổ điển, nghệ thuật hàn lâm tiêu biểu và nổi bật trong khu vực. Tôi nhớ khi trình diễn cùng dàn nhạc tại Thái Lan cách đây 30 năm, tôi không ấn tượng gì về dàn nhạc của họ cả. Nhưng giờ đây, khi trở lại, tôi thật sự bất ngờ.
Không chỉ Thái Lan, những nước khác trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Singapore... họ đã có sự đầu tư và định hướng đúng để các nghệ sĩ, dàn nhạc và ngành nghệ thuật hàn lâm ở nước họ phát triển nhanh, mạnh.
Nhưng với Việt Nam thì tôi thấy lo. Giờ đây, khi mọi điều kiện đã tốt hơn thời của tôi rất nhiều, các trung tâm âm nhạc nhà nuớc lẫn tư nhân đã mở ra rất nhiều, các phụ huynh cũng sẵn sàng đầu tư hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa có được những hạt giống thật sự xuất sắc.
Tôi chia sẻ điều này dựa trên những lần chấm thi piano tại các cuộc thi danh tiếng hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Thật đáng tiếc khi có rất ít thí sinh Việt Nam tham gia và nếu có cũng không có một đại diện nào từ Việt Nam có thành tích tốt.
Tôi thấy mình có trách nhiệm và khả năng để hỗ trợ và phần nào thay đổi cục diện này. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có một nhà chức trách nào tại Việt Nam hỏi tôi về điều đó. Tôi muốn đóng góp nhưng không ai hỏi, cũng chả ai khiến. Có kế sách gì cũng phải được hỏi, được gặp đúng người cái đã.
Vậy nên hiện tại, tôi chỉ muốn nói một điều: Chúng ta phải nhanh lên, kẻo không kịp nữa!
NSND Đặng Thái Sơn cho biết những năm gần đây, thời gian rảnh rỗi của ông được dành cho mẹ. "Mỗi khi về Việt Nam tôi đều dành nhiều thời gian bên mẹ. Thi thoảng công tác đâu gần Việt Nam, tôi cũng tranh thủ về thăm bà.
Những năm trước, chúng tôi thường đưa bà du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhưng gần đây, vì bà đã lớn tuổi không tiện đi xa nên tôi đưa bà đi những nơi gần Hà Nội như Ba Vì" - nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ.
Mẹ ông - nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên - đã 101 tuổi nhưng vẫn được con cháu động viên chơi đàn mỗi ngày như một cách rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
TT - Chiều 13-9 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, NSND Đặng Thái Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh cuộc thi piano quốc tế lần 2 (từ ngày 4 đến 11-9) vừa kết thúc tại Hà Nội.