Sau khi Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ có văn bản cho rằng không có liên quan đến những phản ánh "Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược", phía công an đặt ra 2 nghi vấn: Thu tiền học phí, giả mạo kỳ thi tốt nghiệp hoặc đường dây cấp bằng không qua đào tạo quy mô lớn.
Cấp bằng tốt nghiệp đúng quy trình?
Trong báo cáo gửi Cục Khoa học Công nghệ & Đào tạo (Bộ Y tế) và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) liên quan đến loạt bài viết Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược, ông Đặng Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cho biết trường không có chương trình liên kết với Trường Cao đẳng Dược Hà Nội và Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ.
Theo báo cáo này, quy trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng tốt nghiệp của trường được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (còn có tên là Cao đẳng Lê Quý Đôn Việt Nhật). Ảnh: Website nhà trường
"Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Sức khoẻ & Đời sống, Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn đang tổ chức tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy trình tuyển sinh, đào tạo và cấp phát bằng cho sinh viên, thanh tra nội dung toàn diện để làm rõ hơn trách nhiệm của các cá nhân liên quan", văn bản nêu.
Còn tại thông cáo báo chí vừa phát đi, Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn giới thiệu được thành lập năm 2008 với mục tiêu kết nối với các trường đào tạo y tế nổi tiếng trong khu vực Châu Á để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho sinh viên.
Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân Thực hành Dược, hệ Chính quy của Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp cho học viên không qua đào tạo.
Khi được hỏi về việc tại sao nhiều học viên không qua đào tạo vẫn được cấp bằng tốt nghiệp và qua xác minh đó là những tấm bằng thật, ông Nguyễn Thế Hùng (thời điểm tháng 2/2021 là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn - người ký thay Hiệu trưởng, cấp bằng tốt nghiệp) cho rằng: "Cái này do phía nhân viên ở dưới. Thời gian này tôi ở ngoài Hà Nội, chữ ký, dấu điện tử, còn các vấn đề khác tôi không biết".
Theo tài liệu Báo Sức khoẻ & Đời sống thu thập, có nhiều học viên đã được Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp bằng tốt nghiệp ngành y dược, nghi vấn không qua đào tạo, thực hành.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngoài những văn bản nói rằng đã thực hiện đúng quy trình thì Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn không cung cấp các tài liệu liên quan để đối chiếu, làm rõ những vấn đề Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh.
Dù chưa từng đi học một buổi nào, không làm bài kiểm tra hay tham gia các kỳ thi nhưng học viên vẫn có bảng điểm toàn khoá do Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp.
Đã được phê duyệt chủ trương lên đại học
Qua tìm hiểu, Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn có quy mô 11,6 ha tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuộc Tập đoàn Anh Vinh.
Đây là ngôi trường được giới thiệu hiện đại đầu tiên tại Đồng Nai theo mô hình tiên tiến Viện - Trường và đã được chấp thuận chủ trương phát triển thành trường đại học y dược quốc tế trong thời gian tới.
Theo đó, ngôi trường này sẽ đẩy mạnh đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn của Nhật Bản với đội ngũ giảng viên trình độ cao, kinh nghiệm, tâm huyết. Sinh viên sau tốt nghiệp được các bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận, hoặc trường đưa sang làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Úc…
Trong thời gian chờ nhận bằng, học viên được cấp trước giấy chứng nhận tốt nghiệp để thuận tiện trong việc “hành nghề”.
Thậm chí, Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn còn quảng bá được tỉnh Đồng Nai tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện của 11 huyện, thị xã Long Khánh, TP Biên Hòa và một số bệnh viện tuyến tỉnh…
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh: Giả dối trong đào tạo ngành nào cũng nguy hiểm, nhưng giả dối trong ngành y dược là đại họa. Người ta mua bằng lái xe, không nắm được luật, ra đường gây tai nạn đã rất nguy hiểm; nhưng hành nghề y dược mà không qua đào tạo, không có kiến thức chuyên môn thì sự nguy hại ấy nhân lên gấp bội. Nạn nhân không phải là một người, mà là nhiều người, nhiều nơi, trong thời gian dài…
PGS.TS Đinh Duy Kháng kiến nghị do sự việc diễn ra ở nhiều trường, nhiều tỉnh thành và nghi hình thành đường dây cấp bằng không qua đào tạo, do vậy, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an (cơ quan điều tra vụ án không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo mà vẫn cấp văn bằng 2 Tiếng Anh xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô) cần sớm vào cuộc điều tra. Khi đó, có hay không mối liên quan giữa nhà trường, nhân viên hệ thống tuyển dụng, cán bộ đào tạo và người cần bằng sẽ được làm rõ.
“Không hiểu vì sao trường CĐ Dược Hà Nội lại tuyển sinh, thu học phí còn trường CĐ Y tế Phú Thọ lại tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại viện trong khi chúng tôi không hề có hợp tác hay liên quan gì”, Viện trưởng Viện Y học dự phòng Quân đội thông tin.
Báo Sức khoẻ & Đời sống tiếp tục thông tin đến bạn đọc.