Chuyên mục  


Chiều 14-4, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM - cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận thảo luận về chương trình trao đổi, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với tỉnh Ninh Thuận.

Đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực

Theo báo cáo, thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015-2020 do hai địa phương ký kết vào tháng 10-2014, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế riêng có, biến cái bất lợi trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,2%/năm (cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 7,3%/năm).

3-chot-16814865668521083305185.jpg

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (thứ 2, từ trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam (thứ 3, từ phải qua) chứng kiến ký kết hợp tác giữa đơn vị vận hành cảng Cà Ná với cảng Sài Gòn

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết qua gần 10 năm triển khai chương trình hợp tác với TP HCM, kinh tế của tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực, toàn diện và có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. 

Đến nay có 45 dự án đầu tư của doanh nghiệp TP HCM, nguồn vốn tương đương 60.000 tỉ đồng, đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận, trong đó giai đoạn 2014-2022, tỉnh đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP HCM, tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng. 

Việc đầu tư tương đối toàn diện trên các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đánh giá tỉnh Ninh Thuận có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch giao thoa giữa khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên, du lịch tàu biển từ cảng Cà Ná… 

"Nhằm thu hút hơn nữa nguồn khách đến từ TP HCM, tỉnh cần làm phong phú các loại hình du lịch, đa dạng hơn các dịch vụ để khách đến nhiều và lưu trú dài hạn" - bà Hoa nói.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương còn rất nhiều dư địa phát triển và mong muốn có sự quan tâm, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp TP HCM. Các lĩnh vực tỉnh Ninh Thuận đang còn nhiều tiềm năng gồm: năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản…

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết ưu tiên trong giai đoạn tới của TP HCM là ký kết hợp tác với nhiều tỉnh, thành trong một vùng để tạo không gian phát triển rộng hơn, thay vì ký kết giữa hai địa phương. Song song đó, vẫn có những lĩnh vực ký kết song phương với nhau nếu tạo ra giá trị kết nối lớn. 

Ông Phan Văn Mãi thống nhất cao 5 nhóm nội dung hợp tác mà tỉnh Ninh Thuận đề ra và sẽ tích cực triển khai. Để tăng tính kết nối với tỉnh Ninh Thuận, TP HCM sẽ phân công một lãnh đạo trong Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan để thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư với tỉnh. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến để đầu tư thương mại, sẵn sàng hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận trong khuôn khổ các nội dung hợp tác.

Ông Phan Văn Mãi mong muốn hai bên sẽ có sự hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, an sinh xã hội... để giúp nâng cao an sinh tại tỉnh Ninh Thuận, người dân không phải mất thời gian, tiền bạc di chuyển xa. 

Đề xuất 5 lĩnh vực hợp tác song phương

Về hợp tác song phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất tập trung ưu tiên vào 5 lĩnh vực hợp tác chủ yếu 2 địa phương có lợi thế.

Cụ thể, hợp tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; hợp tác kết nối các doanh nghiệp tại TP HCM có năng lực, công nghệ tham gia đầu tư các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là hợp tác đầu tư, khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná, gắn với vận tải biển, cảng cạn và trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa; hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số.

Kết nối giao thương giữa TP HCM và vùng duyên hải Nam Trung Bộ

Chiều 14-4, tại tỉnh Khánh Hòa, UBND TP HCM phối hợp UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên tổ chức hội nghị kết nối giao thương. Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chương trình tổng kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra tại Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết công tác kết nối giao thương giữa TP HCM và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai từ tháng 2-2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Đến nay, 4 nhà phân phối TP HCM là Saigon Co.op, SATRA, Central Retail và sàn thương mại điện tử Tiki đã chính thức ký 28 hợp đồng thu mua với nhà cung cấp của 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tất cả hợp đồng đều có hiệu lực ngay sau khi ký kết.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận chương trình kết nối giao thương giữa TP HCM với các tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ) những năm qua đã giúp nhiều sản phẩm hàng hóa của các tỉnh tiếp cận hệ thống phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn TP HCM như: Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail... Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: "Qua hội nghị lần này có thể thấy các bên đã hiểu nhau hơn, khoảng cách nhận thức giữa nhà cung cấp và nhà phân phối đã được thu hẹp. Phải kết nối lại thành chuỗi, có sự chia sẻ và giúp đỡ nhau trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, cùng đi lên. Sự chia sẻ giúp đỡ đó không dừng lại ở đi mua - bán mà quan trọng là phải đầu tư từ đầu đến cuối cho chuỗi này, bao gồm đầu tư của nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nước".

T.Nhân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020