Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi dự thảo Luật Đường bộ để lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan. Trong đó, dự thảo có nội dung liên quan việc đề xuất mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ.
Góp phần bảo vệ môi trường
Theo Bộ GTVT, một trong những nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 và báo cáo chất lượng không khí năm 2017 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), phát thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong không khí đô thị. Trong đó, xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện chỉ được áp dụng đối với ô tô, mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, ôtô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; chưa áp dụng đối với xe máy tham gia giao thông do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định. Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra 2 phương án: Giữ nguyên các quy định hiện hành và quy định kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy.
Đánh giá tác động từng phương án, Bộ GTVT cho biết nếu giữ nguyên quy định hiện hành thì sẽ thiếu quy định về kiểm tra, kiểm soát khí thải của mô tô, xe máy, làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, thiếu khung pháp lý để kiểm soát chất lượng khí thải đối với mô tô, xe máy và không bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia.
Nếu áp dụng phương án 2, cơ quan soạn thảo luật thừa nhận người dân phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Tuy nhiên, chi phí này sẽ được "bù đắp" bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu.
Từ những phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp, Bộ GTVT cho biết lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 2 để tăng cường kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy, góp phần bảo vệ môi trường.
Với lượng xe máy quá lớn, việc kiểm định khí thải sẽ rất khó khănẢnh: HOÀNG TRIỀU
Lo ngại "không đi đến đâu"
Thực ra, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy không phải là đề xuất mới. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Dù vậy, đến nay, sau 13 năm, vẫn chưa thể luật hóa hay thực hiện các mục tiêu mà đề án này đưa ra.
Dù rất ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải phương tiện giao thông để hạn chế ô nhiễm môi trường song chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - lại đánh giá không cao tính khả thi của đề xuất này. Theo ông, vấn đề này đã được bàn đi bàn lại rất nhiều lần, từ rất lâu, cũng tốn nhiều tiền bạc nhưng không đi đến đâu.
Ông Liên cho rằng số lượng mô tô, xe máy ở nước ra hiện rất lớn với hơn 70 triệu chiếc, nên khó thực hiện kiểm định khí thải định kỳ cho tất cả. "Không thể nào chặn các xe lưu thông trên đường để kiểm tra khí thải. Việc gì cấp thiết, khả thi thì ta đưa ra bàn, làm trước, chứ cái gì cũng đề xuất, trong khi sức không có để thực hiện, làm không đến nơi đến chốn thì cuối cùng luật sẽ không nghiêm" - chuyên gia này nêu quan điểm.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, qua kiểm định có thể dần thay thế, thải loại các phương tiện cũ nát vẫn đang tham gia lưu thông hằng ngày. Tuy nhiên, việc đưa ra được cách thức tổ chức thực hiện làm sao để không gây phiền phức, tốn kém cho người dân và bảo đảm tính khả thi là điều đáng bàn. Trong đó, cần lưu ý tính toán xem loại phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không; cần có tiêu chí rất cụ thể, bởi chúng ta gần như không thể kiểm soát khí thải hơn 70 triệu mô tô, xe máy.
Không dễ thực hiện
Theo công ty thống kê Statista, tính đến hết năm 2022, số xe máy lưu hành ở Indonesia lên đến 125 triệu chiếc. Từ năm 2020, thống đốc TP Jakarta đã ban hành quy định bắt buộc kiểm định khí thải hằng năm đối với tất cả phương tiện, bao gồm xe máy, có hơn 3 năm sử dụng. Trong năm 2021 chỉ có 21,8 triệu chiếc ở thành phố được kiểm định. Nguyên nhân là do ý thức người dân chưa cao và chế tài chưa nặng.
Trong khi đó, tại Singapore, cũng với mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, Cục Môi trường quốc gia (NEA) đã áp dụng cả "cây gậy" lẫn "củ cà rốt" để loại bỏ dần xe máy cũ. NEA treo thưởng 3.500 SGD cho những chủ xe có phương tiện đăng ký trước ngày 1-7-2003 tự ngưng sử dụng trước ngày 5-4-2023. Nếu chủ xe tiếp tục sử dụng thì những xe này bị cấm hoàn toàn sau ngày 30-6-2028.
Kết quả của biện pháp trên, theo báo Straits Times, là chủ của khoảng 90% số xe cũ - tức 24.500/27.000 chiếc - đã nhận tiền khuyến khích để bỏ xe, tính tới tháng 5-2023.
H.Ngọc