Hai diễn viên hài kỳ cựu Hứa Quán Văn và Huỳnh Tử Hoa đã làm nên một màn kết hợp vô cùng ăn ý trong Phá địa ngục - Ảnh: ImDb
Nếu Cửu Long thần trại vây thành khơi gợi những nỗi nhớ về thành phố Cửu Long và di sản võ thuật của Hong Kong thì Phá địa ngục lại kể thật hay về nghi lễ truyền thống tiễn đưa người chết theo văn hóa Đạo giáo của cư dân thành phố này.
Đây là một nghi lễ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Hong Kong.
Cách chăm sóc người đã khuất
Biên kịch kiêm đạo diễn Anselm Chan mở đầu bộ phim Phá địa ngục (The Last dance) với nhịp độ tự nhiên chậm rãi để xây dựng bối cảnh văn hóa và nhân vật.
Đạo Sinh (Huỳnh Tử Hoa đóng) là một người đàn ông trung niên đang khủng hoảng nặng nề khi công ty tổ chức tiệc cưới của anh đối mặt với hàng loạt khó khăn tài chính do đại dịch và đứng trước nguy cơ phá sản.
Đúng lúc đó anh nhận được lời đề nghị tiếp quản một công ty tổ chức đám tang từ chú của bạn gái lâu năm.
PHÁ ĐỊA NGỤC trailer
Dù là một người nhạy bén với thời cuộc, có kỹ năng tốt trong tổ chức, Đạo Sinh vẫn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm và không nắm rõ các nghi thức tâm linh mang tính truyền thống của một tang lễ.
Cũng bởi thế, anh tìm gặp Quách Văn (Hứa Quán Văn), một đạo sĩ đầy kinh nghiệm nhưng cực kỳ bảo thủ và khó tính.
Để hiện đại hóa nhà tang lễ, Đạo Sinh bắt đầu các yêu cầu được thiết kế riêng, nhưng thầy Văn không chấp nhận cách tiếp cận phi truyền thống của anh.
Xung đột căng thẳng hơn khi Đạo Sinh đồng ý thực hiện yêu cầu đặc biệt từ người mẹ đau buồn muốn ướp xác con trai, mong một ngày y học hiện đại có thể hồi sinh cậu bé.
Trong khi các nhà tang lễ khác từ chối vì bản chất khác thường của yêu cầu, Đạo Sinh bị thu hút bởi ngân sách không giới hạn của người mẹ.
Ban đầu anh ta cố gắng tống tiền Quân, con trai của thầy Văn, để nhờ giúp đỡ sau khi nghe lỏm rằng Quân đã được rửa tội để đảm bảo một suất cho con trai mình tại một trường Công giáo. Nhưng Quân hoảng sợ khi nhìn thấy xác chết đã phân hủy.
Thời điểm Đạo Sinh cảm thấy bất lực, thầy Văn xuất hiện và đề nghị giúp anh ướp xác dù thầy Văn cho rằng việc xử lý yêu cầu như vậy sẽ cản trở sự tái sinh của cậu bé.
Quyết tâm hiểu thêm về công việc tang lễ, Đạo Sinh tìm kiếm sự đào tạo về vận chuyển, mặc quần áo và ướp xác. Sự nhiệt tình ngày càng tăng của anh ta đã gây ấn tượng với thầy Văn, người bắt đầu chấp nhận anh.
Trong một cảnh tối, Đạo Sinh chia sẻ những câu chuyện cuộc đời của mình và cảm ơn thầy Văn đã dạy anh cách chăm sóc người đã khuất, trái ngược với việc trước đây anh chỉ tập trung vào người sống...
Phá vỡ những khuôn mẫu
Cảnh múa phá địa ngục trong phim - Ảnh: ImDb
Phá địa ngục thực sự là một tác phẩm độc đáo cho thấy khao khát bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của Hong Kong đang có nguy cơ bị mai một khi thành phố này ngày càng giống với các đô thị lớn khác ở Trung Quốc.
Và điều khiến bộ phim này thành công như vậy là nhờ sự chân thật trong tiếp cận chất liệu, cách xây dựng một tác phẩm chắc tay về văn hóa cũng như con người Hong Kong.
Trong phần cuối bộ phim, khi chuyển từ nhân vật trung tâm là Đạo Sinh sang gia đình của thầy Văn, đạo diễn xử lý tinh tế khi đi sâu vào những mâu thuẫn ngấm ngầm trong gia đình để làm nổi bật sự xung đột giữa họ.
Thầy Văn mong muốn được truyền nghề lại cho Quân nhưng người con trai này không tha thiết gì trong khi Tuyết, cô con gái muốn nối nghề cha, lại không được ông chấp nhận vì trong quan niệm của Đạo giáo, phụ nữ có kinh nguyệt nên ô uế.
Xung đột này được xử lý một cách tinh tế rồi bùng nổ ở đoạn kết, khi phụ nữ được trao quyền và phá vỡ những khuôn mẫu, định kiến đã lỗi thời trong Đạo giáo cũng như định kiến về giới.
Vũ điệu cuối cùng "phá ngục cứu vong" khép lại tang lễ người cha, cô con gái trong trang phục đạo sĩ đã thổi bùng ngọn lửa và nhảy qua nó - một hình ảnh tuyệt đẹp không chỉ về mặt hình ảnh mà còn là thông điệp sâu sắc của bộ phim.
Diễn xuất của Hứa Quán Văn (thầy Văn) và Huỳnh Tử Hoa (Đạo Sinh) - hai gương mặt lão luyện trong làng hài kịch Hong Kong tạo nên màn kết hợp vô cùng ăn ý trong Phá địa ngục.
Mối lương duyên hiếm có kết nối hai nhân vật cứ ngỡ là hai thái cực trái ngược như Đạo Sinh và sư phụ Văn gần nhau hơn, cùng phá bỏ những định kiến cố hữu để khám phá ý nghĩa thực sự của sự sống và cái chết.
Nữ diễn viên chính Vệ Thi Nhã cũng có màn diễn xuất đột phá với vai cô con gái của thầy Văn.
Phá địa ngục không chỉ khai thác nét văn hóa độc đáo trong truyền thống nghi lễ tang ma đặc sắc của Hong Kong mà còn khiến khán giả suy ngẫm về quy luật sinh lão bệnh tử thường tình không ai tránh khỏi trong mỗi đời người.
Theo quan niệm Đạo giáo, điệu múa "phá ngục cứu vong" là nghi lễ giúp cho linh hồn của người đã khuất thoát khỏi năm địa ngục thống khổ và sớm được đến miền cực lạc.
Khi thực hiện nghi thức, đạo sĩ sẽ lần lượt đập vỡ những miếng ngói đại diện cho các cổng địa ngục, sau đó đưa linh hồn người chết vượt qua ngọn lửa để được giải thoát.
Đây là một trong những phong tục lâu đời, ngụ ý xoa dịu gia quyến và gửi gắm những mong cầu tốt đẹp đến người đã mất.