Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng nay (6/12), các đơn vị đang kinh doanh đã chủ động thuê người tháo dỡ tài sản, công trình của mình trước ngày cưỡng chế thi hành án diễn ra.
Đoàn cưỡng chế tiến hành thông báo cưỡng chế đối với các đơn vị có liên quan.
Cơ bản những hộ kinh doanh trái phép tại đây đã chấp hành, không gây cản trở, chống đối mà phối hợp rất tích cực với đoàn cưỡng chế. Theo dự kiến việc cưỡng chế sẽ được hoàn thành vào ngày 20/12, chi phí cưỡng chế là khoảng 1,7 tỷ đồng do Công ty TNHH Tây Đô chi trả.
Nhiều nhân công của các đơn vị đang kinh doanh tại đây đã chủ động tháo dỡ các công trình.
Trước đó, Chuyên trang Gia đình và Xã hội đã thông tin, theo hồ sơ, tháng 5/2004, tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao 40.387 m2 đất (hơn 4 ha) cho Công ty TNHH Tây Đô để triển khai dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa.
Để triển khai dự án, Công ty TNHH Tây Đô ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa vay 144 tỷ đồng, vốn đối ứng của công ty là 62,6 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Chủ động vận chuyển đồ đạc ra ngoài khu vực dự án.
Thế nhưng, sau khi giải ngân được trên 77 tỷ đồng (tháng 2/2010), bất ngờ Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa ngừng giải ngân vì cho rằng phía Công ty TNHH Tây Đô không thực hiện đúng với nội dung trong hợp đồng vay vốn tín dụng giữa hai bên.
Đến tháng 10/2012, Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa phát đơn khởi kiện Công ty TNHH Tây Đô ra tòa. Theo Bản án số 06 năm 2013 của TAND tỉnh Thanh Hóa, buộc Công ty TNHH Tây Đô phải trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam số tiền hơn 109 tỷ đồng.
Việc cưỡng chế diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn.
Do Công ty TNHH Tây Đô không tự nguyện thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá tài sản (định giá hơn 268 tỷ đồng tại thời điểm thẩm định tháng 4/2019) và tiến hành bán đấu giá.
Quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Tây Đô có nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đã được cơ quan chức năng từ cơ sở đến trung ương giải quyết. Theo đó, cơ quan chức năng khẳng định việc bán đấu giá tài sản thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ là đúng quy định.
Công nhân tháo dỡ các tài sản còn lại để di chuyển, trả lại mặt bằng cho đơn vị trúng đấu giá.
Sau 15 lần giảm giá và 19 lần bán đấu giá, đến ngày 7/3/2024, tài sản mới đấu giá thành công bằng hình thức đấu giá trực tuyến. Người mua trúng đấu giá là Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh với số tiền hơn 88 tỷ đồng.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng bán và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh nộp đủ tiền mua trúng đấu giá.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa có nhiều văn bản và tiến hành làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Tây Đô và 34 tổ chức, hộ gia đình cá nhân để yêu cầu bàn giao tài sản thi hành án đã bán đấu giá cho người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh huy động các lực lượng bảo vệ việc cưỡng chế.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Tây Đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu trên không đồng thuận, tiếp tục có nhiều đơn gửi đến cơ quan chức năng.
Trước diễn biến vụ việc phức tạp, đã kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự... Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp VKSND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị và được VKSND Tối cao thụ lý, kiểm sát nội dung vụ việc và kết luận việc thực hiện các quy trình thi hành án (kê biên, định giá tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo...), tổ chức bán đấu giá tài sản, xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án là đúng quy định của pháp luật.
GĐXH – Cơ quan chức năng chuẩn bị tổ chức thi hành án, cưỡng chế đối với dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa nằm trên khu vực đất "vàng" giữa lòng TP Thanh Hóa sau nhiều năm khiếu nại, khiếu kiện.