Cô Hòa như người mẹ thứ hai luôn giúp đỡ, động viên Ngọc vượt qua mặc cảm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Suốt hai năm cuối THPT, cô học trò Trần Như Ngọc ngồi lọt thỏm sau yên xe cô Hòa để đến lớp mỗi ngày.
"Để cô chở em"
Một buổi trưa cuối năm 2021, cô Hòa đi ngang qua lớp học của Ngọc giờ tan học thì thấy em ngồi một mình nơi góc lớp.
Hỏi chuyện cô mới biết để đến trường học buổi chiều, Ngọc phải xin đi nhờ xe một cô hàng xóm lên trường đón con tan học buổi sáng. Thà đi học sớm còn hơn nhỡ không xin được xe lại muộn học.
Mắc căn bệnh não úng thủy quái ác khiến cơ thể Ngọc từ nhỏ đã phát triển không bình thường, sức khỏe yếu.
Là học sinh lớp 10 nhưng Ngọc chỉ cao hơn 1m, chân tay ngắn ngủn khiến việc vận động khó khăn. Nhà Ngọc chỉ có hai mẹ con, mẹ của Ngọc lại lớn tuổi và không biết đạp xe hay đi xe máy.
Từ khi học lớp 1, trường cách nhà vài cây số nhưng sức Ngọc không thể đi bộ xa được, mỗi ngày em đều đến lớp bằng cách xin quá giang xe từng đoạn.
Cô Hòa nghe chuyện liền ngỏ lời: "Lên lớp 11 em học cùng buổi cô dạy, để cô chở em".
Suốt hai năm ròng, dù nắng hay mưa, cô Hòa đều ngược qua đón Ngọc từ nhà đến lớp rồi lại chở em về sau buổi học. Ngày nào cô không có tiết, chồng cô Hòa cũng là giáo viên dạy chung trường sẽ nhận "nhiệm vụ" hộ tống Ngọc.
Cô Hòa chia sẻ: "Con đầu của tôi cùng tuổi Ngọc, nhìn em loay hoay việc đến trường tôi thương như chính con mình, giúp được em chút gì thì giúp thôi".
Cô giáo đau đáu với học trò
Con đường dẫn vào nhà Ngọc ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn nhỏ xíu, gập ghềnh. Mỗi ngày ngồi sau xe cô, Ngọc lại tỉ tê kể những chuyện ở lớp, có gì vướng mắc là hỏi cô.
Ngọc cho biết: "Cơ thể em đã khiếm khuyết lại phải xin nhờ xe đi về mỗi ngày khiến em mặc cảm và đôi lần nản chí. Sức khỏe em lại yếu, không thể đi bộ được vài cây số đến trường. Những chuyến xe của cô Hòa không chỉ giúp em đến lớp mà còn giúp em trút dần sự tự ti, thêm niềm tin theo đuổi việc học".
Bà Trần Thị Mai (62 tuổi, mẹ của Ngọc) kể hai mẹ con sống nhờ vào chút tiền bà bán được bó sả, mớ rau trồng được. Giấc mơ lớn nhất đời bà Mai là sau này Ngọc có được công việc, tự lo được cho bản thân.
Nhiều năm qua, mỗi lần con đi học, bà Mai lại lội bộ theo sau, đến khi con xin được xe thì bà mới yên bụng quay về. Có những ngày trời mưa, tối mịt vẫn chưa thấy con về, bà lại nóng ruột lội bộ đi tìm. Khi trông thấy Ngọc lầm lũi lê từng bước trong bóng tối vì không xin được xe, bà chỉ biết cố kìm giọt nước mắt.
"Từ khi có cô Hòa đưa đón, tui an tâm lắm vì biết con sẽ được đi về an toàn. Tui biết ơn vợ chồng cô Hòa rất nhiều, không biết lấy gì báo đáp", bà Mai nói.
Biết ơn nhưng không có gì báo đáp, đôi lần có nải chuối chín cây, bó rau trong vườn, bà Mai lại hái rồi đợi cô Hòa chở con về đầu xóm là dúi vội vào tay cô giáo.
Mới đây, niềm vui khi hay tin cô học trò đậu ngành văn hóa học, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng chưa được bao lâu, cô Hòa lặng người khi nghe tin Ngọc từ bỏ giảng đường.
Lý do Ngọc chọn dừng việc học càng khiến cô Hòa không thôi trăn trở. Dù đã đến trường làm thủ tục nhập học nhưng nhẩm số tiền học bốn năm quá lớn, với ngoại hình và sức khỏe của Ngọc, em lo sợ sẽ không thể kiếm được việc sau khi ra trường, để lại nợ nần cho mẹ.
Nghe chuyện, cô Hòa lại chạy vạy tìm người quen làm việc ở ủy ban xã, nhờ tìm giúp Ngọc một trung tâm bảo trợ xã hội nào đó để em được nhận vào học và làm nhưng chờ mãi chưa thấy hồi âm.
Hiện cô Hòa vẫn đang hành trình tìm kiếm lối đi cho Ngọc những mong sao em có được một công việc sau này để trở thành người có ích cho xã hội.
"Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu"
Thầy Thái Quang Bình, hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết cô Nguyễn Thị Minh Hòa là tổ trưởng tổ lịch sử - kinh tế pháp luật của trường. Hai năm liền cô Hòa được tặng bằng khen của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô Hòa là một trong 25 gương giáo viên nhận giải thưởng "Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu" năm học 2023 - 2024.