Chuyên mục  


Thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua báo cáo của các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thăm nắm tình hình thực tế, trên địa bàn này đang có nhiều dự án triển khai đồng loạt dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu đá các loại, cát xây dựng.

Để đảm bảo tiến độ thi công, một số nhà thầu đã phải mua vật liệu từ các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang khiến phát sinh chi phí vận chuyển làm giá vật liệu tăng cao, dẫn đến làm tăng chi phí thi công đối với các nhà thầu thi công. Về lâu dài, nếu nguồn cung cấp vật liệu không được đảm bảo có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, công tác giải ngân nguồn vốn các dự án trọng điểm do đơn vị làm chủ đầu tư.

Trên công trường tuyến đường vào hồ Nặm Cắt, đơn vị thi công đã hoàn thiện phần đào đắp nền từ tháng 9/2024, đến nay, nhà thầu vẫn chưa thể triển khai các hạng mục tiếp theo do không thể tìm được nguồn vật liệu từ các mỏ đá tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tân Thịnh (một đơn vị thi công tuyến đường vào hồ Nặm Cắt) cho biết, nếu có đủ vật liệu, gói thầu có thể xong trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Phải có vật liệu doanh nghiệp mới thi công tiếp được lớp móng mặt, vì đến giờ chưa có ít vật liệu nào tập kết ở công trường. Thiếu base A, base B nên doanh nghiệp đã liên hệ với gần như tất cả các mỏ đá ở Bắc Kạn và 1 mỏ ở Thái Nguyên nhưng đều không được. Các mỏ nói nếu có nhu cầu lấy đá sẽ không có hóa đơn, việc không có hóa đơn doanh nghiệp không thể thanh, quyết toán với chủ đầu tư.

z5970414503669ed79045c39f3ad63e00bf62281955341-1729952126914731295662.jpg

Một mỏ đá ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Trước những khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành rà soát nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của các công trình, dự án và đánh giá khả năng cung ứng của các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác trên địa bàn. Kết quả tổng hợp cho thấy, giai đoạn 2024 - 2025, các công trình dự án trên địa bàn có nhu cầu cát (cát xây, cát trát, cát bê tông) khoảng 149.500 m3; đá vôi các loại có nhu cầu 330.000m3.

Với công suất khai thác của tất cả các mỏ đã được cấp phép hiện nay, cơ bản đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm trong năm 2024 và 2025. Cụ thể, tỉnh Bắc Kạn đã cấp 20 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng, cấp giấy phép cho 13 mỏ cát sỏi. Công suất khai thác các mỏ khai thác cát đảm bảo 217.070 m3; đá vôi xây dựng đảm bảo 910.317m3. Ngoài ra, một số mỏ đá vôi cũng đang thực hiện thủ tục nâng công suất để tăng sản lượng cung cấp cho thị trường, như mỏ đá Cốc Ngận của Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Thắng, mỏ đá Kéo Lạc Mò của Doanh nghiệp tư nhân Việt Anh,…. Một số mỏ đang thực hiện thủ tục cấp phép khai thác như: mỏ đá Nà Bia huyện Chợ Mới, mỏ đá Lũng Phiêng Mặn, huyện Ba Bể và mỏ đá Thôm Nọc, huyện Pác Nặm.

Hiện các ngành chuyên môn của tỉnh Bắc Kạn đang tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác thực hiện thủ tục nâng công suất khai thác mỏ theo quy định, đảm bảo rút ngắn thời gian tối đa; đôn đốc các đơn vị được cấp giấy phép khai thác, đã phê duyệt trữ lượng khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường để sớm đưa mỏ vào hoạt động khai thác.

z59704145089481a7efa302dbf1d6966af55d30435900a-1729952127290660809101.jpg

Mỏ đá Nà Cà được cấp phép ngay sát vách đường dân sinh từ xã Nguyên Phúc đi xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp được phê duyệt trữ lượng khoáng sản nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở), báo cáo đánh giá tác động môi trường; nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép theo quy định.

Đối với các mỏ đang khai thác, thực hiện khai thác khoáng sản theo đúng thiết kế, đúng phạm vi diện tích được cấp phép khai thác, không khai thác vượt công suất của giấy phép, đảm bảo an toàn lao động, an toàn vật liệu nổ công nghiệp đối với các mỏ đá; tuân thủ công tác bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thời gian trước mắt cũng như lâu dài, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa một số công trình dự án và khảo sát thực tế tại một số mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn.

Ngay sau các buổi kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức họp với các đơn vị khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và ngành liên quan. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, khai thác đúng công suất theo giấy phép đã được cấp. Đồng thời, chủ động trao đổi thông tin với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn để chủ động cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, thực hiện các thủ tục thanh toán kịp thời.

Video: Toàn cảnh mỏ đá Nà Cà thuộc huyện Bạch Thông, Bắc Kạn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020