Chuyên mục  


GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho biết, trước đến nay, ông chưa từng thấy Đà Nẵng phải hứng chịu trận mưa lên đến 500mm trong nửa ngày . Theo ông, trận mưa vừa rồi là lịch sử, có tính chất dị thường. Ông nói:

Tôi chưa từng thấy TP Đà Nẵng hứng chịu lượng mưa lên đến 270mm trong 2 tiếng và khoảng 500mm trong nửa ngày như trận mưa diễn ra vào ngày 14/10. Như vậy, có thể nói đây là trận mưa lịch sử, có tính chất dị thường, khiến TP Đà Nẵng hứng chịu lượng nước kỷ lục.

Nguyên nhân dẫn đến trận mưa lịch sử ở Đà Nẵng là do hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cũng cần phải tính đến là quá trình đô thị hoá sinh ra một lượng lớn khí CO2 gây tích tụ mây. Khi mây gặp luồng không khí lạnh sẽ gây ra mưa lớn.

Với trận mưa lớn đến như vậy thì ngay cả TP Hà Nội - nơi đầu tư hệ thống thoát nước mưa khá bài bản - cũng ngập nặng chứ nói gì đến Đà Nẵng. Cụ thể, hệ thống thoát nước của TP Hà Nội có thể đáp ứng được lượng mưa hơn 100mm trong 2 tiếng. Còn TP Đà Nẵng mới chỉ đầu tư hệ thống thoát nước thải, chưa có hệ thống hồ điều hoà và hệ thống cống, rãnh thoát nước mưa như ở Hà Nội.

Người dân TP Đà Nẵng chống chọi với trận mưa lịch sử. Ảnh: Hồ Giáp.

- TP Hà Nội nằm sâu trong đất liền, còn Đà Nẵng là thành phố ven biển, nhiều người nghĩ rằng nó khó có thể ngập nặng đến như vậy nếu chỉ do mưa lớn?

Nếu như một hòn đảo thì người ta có thể nghĩ đến việc cứ mưa lớn là tất cả nước ào hết ra biển. Còn TP Đà Nẵng chỉ có một mặt giáp biển nên không thể dựa hoàn toàn vào dòng chảy tự nhiên.

Tôi ở Đà Nẵng nhiều năm nên biết rõ, hệ thống thoát nước của thành phố này chung với hệ thống thoát nước thải và dựa chủ yếu vào dòng chảy tự nhiên từ sông ra biển.

Sau trận mưa lịch sử ngày 14/10, chúng ta có thể thấy rằng, dù ở ven biển, TP Đà Nẵng vẫn phải tính đến việc đầu tư hệ thống thoát nước mưa bài bản như ở Hà Nội.

- Ông có thể phân tích thêm về quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân khiến TP Đà Nẵng bị ngập nặng?

Quá trình đô thị hoá ở các thành phố của Việt Nam đều có chung nhược điểm là không làm đủ hệ thống ao hồ điều tiết nước mưa. Với các mảng xanh (công viên, vườn hoa) trong đô thị thay vì được mở rộng thì nay bị bê tông hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập lụt. Cụ thể là do nước mưa không còn chỗ thấm xuống lòng đất.

Còn nguyên nhân chính dẫn đến TP Đà Nẵng ngập lụt ngày 14/10, như tôi đã phân tích ở trên là do hiện tượng thời tiết dị thường gây mưa lớn, dẫn tới nước không thoát kịp ra sông, ra biển. Với lượng mưa lên đến 270mm trong 2 tiếng thì không có hệ thống thoát nước nào đáp ứng được.

- Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, theo ông TP Đà Nẵng cần đưa ra những giải pháp gì?

Khác với Hà Nội, Đà Nẵng là thành phố ven biển, có lượng hơi nước cao, dẫn đến tích tụ nhiều mây. Chỉ cần có không khí lạnh tràn vào là gây ra mưa lớn. Cho nên, ngoài việc học tập Hà Nội xây dựng hệ thống ao hồ và mạng lưới thoát nước, thì TP Đà Nẵng cũng cần có chiến lược riêng để ứng phó với kiểu thời tiết dị thường. Để làm được điều đó, TP Đà Nẵng nên cùng đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng mạng lưới thoát nước mưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020