Chuyên mục  


Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), hạ tầng giao thông đường bộ cũng như đường thủy của tỉnh này cơ bản đã hoàn thành bộ khung kết cấu chung.

Đang triển khai cùng lúc nhiều dự án

Về đường bộ, hiện toàn tỉnh BR-VT có hơn 4.624 km, trong đó có hơn 2.662 km đường được tráng nhựa. "Để có được con số này, những năm qua, BR-VT đã không ngừng cố gắng để đưa hàng loạt dự án vào sử dụng đúng tiến độ" - đại diện lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT nói. Trong số các dự án được đưa vào sử dụng, theo UBND tỉnh BR-VT, đáng kể nhất là dự án mở rộng Quốc lộ 51 (6 làn xe cơ giới); kế đến là tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 1 (19,65 km), tuyến đường 965, tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép…

Về đường thủy, báo cáo của tỉnh BR-VT cũng cho thấy ngoài việc đầu tư phát triển 2 tuyến luồng hàng hải chính là sông Dinh và Vũng Tàu - Thị Vải, địa phương này cũng chú trọng phát triển giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, có 24 tuyến sông có thể khai thác vận tải ở khu vực đất liền và hệ thống cảng, bến thủy nội địa hiện hữu, góp phần đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa không những của tỉnh mà còn trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển với khu vực TP HCM, ĐBSCL và Campuchia. Hệ thống cảng biển của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hình thành đưa vào khai thác 50 dự án với khoảng 17 km cầu cảng, công suất 180 triệu tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 61.364 tỉ đồng, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa.

Đường 911B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải đưa vào sử dụng đã tạo thêm kết nối cho khu vực cảng với các địa phương trong vùng

Theo UBND tỉnh BR-VT, giai đoạn 2016-2020, ngân sách đã bố trí khoảng 15.300 tỉ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn”.

Ngoài những dự án đã hoàn thành, BR-VT đang chỉ đạo việc triển khai và đẩy nhanh hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác. Tỉnh này đang khẩn trương kiểm kê, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ khởi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Ở dự án cầu Phước An (nối BR-VT với Đồng Nai), địa phương đang hoàn thiện những công đoạn cuối để khởi công xây dựng. Đặc biệt, BR-VT cũng đã bố trí vốn để cùng các tỉnh, thành triển khai dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua địa phương này. Ngoài ra, một số tuyến đường bộ khác kết nối cảng và khu công nghiệp đang được triển khai đầu tư và sẽ sớm hoàn thành như: Đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải…

Theo ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh BR-VT, với định hướng phát triển của Chính phủ đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT đã và đang là một cực phát triển quan trọng. Đó là hành lang logistics giữa sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải - đây sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng của vùng và quốc gia. "Do vậy, trong tương lai gần, hệ thống cảng biển, khu công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh BR-VT sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại tỉnh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh" - ông Tuấn kỳ vọng.

Ưu tiên vốn cho kết nối

Để đạt được mục tiêu trên, theo Phó Giám đốc Sở GTVT, BR-VT đã tiến hành hàng loạt đầu việc. Trong đó, đáng kể nhất là địa phương đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư kết nối các phương thức vận tải và kết nối mạng lưới giao thông giữa BR-VT với các tỉnh trong vùng, nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nâng cấp nhiều đoạn của tuyến đường ven biển từ TP Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc

Đặc biệt, năm 2022, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh. Theo đó, BR-VT đã cân đối bổ sung gần 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó, đáng chú ý là dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 (đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu), đoạn từ cầu Sông Ray đến Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy (huyện Xuyên Mộc); dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ vòng xoay Nhà Lớn đến Quốc lộ 51 và xây mới đoạn từ Quốc lộ 51 đến cầu Cửa Lấp (TP Vũng Tàu); dự án xây mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba Lò Vôi đến cổng Khu Du lịch Thùy Dương; dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba Long Phú đến cầu Sông Ray, đoạn nhánh kết nối với đường Tỉnh ủy 44B và các cầu trên tuyến; dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 đoạn từ Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy đến Quốc lộ 55 tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc...

Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua việc bố trí vốn để đầu tư dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Quốc lộ 56 đến nút giao Vũng Tàu); dự án đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu (đường nối cao tốc từ vòng xoay Vũng Tàu, Quốc lộ 55 đến vòng xoay Cửa Lấp Quốc lộ 51B); dự án nâng cấp mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT 992) đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bố trí vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - TP HCM... Đặc biệt, BR-VT cũng bổ sung danh mục và vốn trung hạn 2021-2025 để thanh toán 38 dự án đã hoàn thành và quyết toán hơn 352 tỉ đồng; bổ sung danh mục và bố trí vốn cho 3 đồ án quy hoạch, 3 dự án đã được phê duyệt bổ sung hơn 218 tỉ đồng...

Nhiều giải pháp cấp bách

Theo UBND tỉnh BR-VT, nguồn lực ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đáp ứng được khoảng 55% tổng nhu cầu. Do đó, tỉnh này cần huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách khá lớn để bổ sung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là các dự án kết nối liên vùng; thực hiện rà soát các dự án đầu tư công trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn, có khả năng tạo nguồn thu để chuyến sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đối tác công - tư; nghiên cứu, đề ra các giải pháp để khai thác quỹ đất tạo nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách để đầu tư các hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, nhấn mạnh việc hoàn thiện mạng lưới giao thông sẽ tạo đà cho sự phát triển ngày càng bền vững của BR-VT, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh yêu cầu UBND tỉnh tổ chức triển khai và tập trung sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả; đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng cường kiểm soát, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công. "Đặc biệt, UBND tỉnh phải tập trung xử lý các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư đối với các dự án, nhất là dự án quan trọng, dự án trọng điểm như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường 994..." - ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh. 

Đề xuất khai thác hiệu quả cao tốc

Sở GTVT tỉnh BR- VT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất phương án đầu tư tuyến kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cụ thể, sở này kiến nghị UBND tỉnh BR-VT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho phép bổ sung quy hoạch đoạn tuyến kết nối với đường cao tốc từ nút giao Quốc lộ 56 đến đường ven biển ĐT994 dài khoảng 13,1 km theo chức năng là đường cao tốc kết nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Liên quan đến tuyến kết nối này, tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã trình 4 phương án trong đó xác định phương án 4, đầu tư cao tốc 4 làn xe với tổng vốn hơn 9.400 tỉ đồng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020