Theo The Economist, Qatar đã chi 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Nước này chấp nhận rằng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh chỉ bơm 17 tỷ USD vào nền kinh tế.
Hàng trăm tỷ USD đã được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm mới nhằm phục vụ 1,5 triệu du khách đến xem World Cup 2022.
Ban tổ chức nhấn mạnh rằng mọi công trình vẫn được sử dụng sau khi World Cup kết thúc. Nhưng nếu coi giải đấu là một khoản đầu tư, hầu hết nước chủ nhà đều thua lỗ.
Chi phí khổng lồ
Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Lausanne, từ năm 1964 đến năm 2018, 31 trong số 36 sự kiện lớn (chẳng hạn World Cup hoặc Thế vận hội mùa hè và mùa đông) đều lỗ nặng.
Trong số 14 kỳ World Cup, chỉ duy nhất một kỳ có lãi. World Cup 2018 được tổ chức tại Nga đã đem về cho nước chủ nhà khoản lời 235 triệu USD, nhờ vào thỏa thuận khổng lồ về bản quyền phát sóng.
Tuy nhiên, khoản lời này cũng không đáng kể. ROI (lợi tức đầu tư) chỉ đạt 4,6%. Các nước chủ nhà phải gánh phần lớn chi phí. Còn FIFA - cơ quan quản lý của bộ môn bóng đá - chỉ đài thọ chi phí hoạt động.
Nhưng FIFA hưởng phần lớn doanh thu, từ bán vé, tài trợ đến bản quyền phát sóng. Chẳng hạn, cơ quan này bỏ túi 5,4 tỷ USD trong kỳ World Cup 2018, một phần trong số đó được chuyển cho các đội tuyển quốc gia.
Dữ liệu của Lausanne chỉ tính đến các chi phí liên quan đến địa điểm, chẳng hạn sân vận động và hậu cần, không bao gồm chi phí nhân sự.
Các dữ liệu cũng không tính tới những dự án gián tiếp, chẳng hạn việc xây dựng tàu điện ngầm và hàng nghìn phòng khách sạn mới ở Qatar.
Trong vòng 12 năm, Qatar đã có thêm 7 sân vận động, 20.000 phòng khách sạn, một tuyến metro và hơn 1.770 km đường mới - thành quả của một thập kỷ đầu tư và xây dựng không ngừng nghỉ.
Kỳ World Cup đắt nhất lịch sử
Một số dự án cơ sở hạ tầng tác động đến kinh tế trong dài hạn. Nhưng nhiều sân vận động tốn kém sau đó bị bỏ không. Những sự kiện thể thao lớn cũng hiếm khi thúc đẩy hoạt động kinh tế của các khu vực lân cận.
Người dân của các thành phố chủ nhà đã bắt đầu đặt câu hỏi về lợi ích của những sự kiện thể thao lớn đã tiêu tốn hàng tỷ USD. Điều đó khiến ngày càng ít quốc gia muốn đăng cai các sự kiện lớn hơn.
Hồi năm 2016, 7 thành phố đã đấu thầu đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2016. Nhưng đến kỳ 2024, con số chỉ còn 2 thành phố.
Trên thực tế, các sự kiện tốn kém chỉ vừa xuất hiện trong lĩnh vực thể thao. Vào kỳ World Cup 1966, gồm 16 đội, chi phí chỉ khoảng 200.000 USD trên mỗi cầu thủ (điều chỉnh theo giá năm 2018). Nhưng đến năm 2018, con số đó đã tăng lên 7 triệu USD.
Các sân vận động được xây cho mỗi giải đấu đã khiến chi phí phình to. Riêng ở Qatar, 7 trong số 8 sân bóng được xây mới hoàn toàn. Trở lại năm 1966, Anh không phải xây thêm bất cứ sân vận động nào.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, ván cược 300 tỷ USD của Qatar nhằm quảng bá hình ảnh, tăng uy tín quốc gia và thu hút du khách.
"Việc đăng cai World Cup sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar", ông Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics (có trụ sở tại Washington) bình luận.
"Sự kiện sẽ thể hiện Qatar là một nước có tư duy cầu tiến, tiến bộ, hướng ngoại và cam kết gắn kết người với người", ông nói thêm. Nói cách khác, đó là nơi thích hợp để chiêu đãi khách hàng, tổ chức hội nghị hay nghỉ dưỡng với gia đình.
Qatar đang đặt mục tiêu 6 triệu du khách mỗi năm, tăng gấp đôi so với năm 2016. Dĩ nhiên, quốc gia vùng Vịnh không thể đạt được những con số đó mà không thay đổi hình ảnh của mình trong mắt du khách.
"Qatar đang tích cực cải thiện hình ảnh, để thế giới không chỉ nhớ tới họ như những nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch", Bloomberg nhận định.
Theo Zing