Người dân đi du xuân ở hội chữ xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 15-1 - Ảnh: T.ĐIỂU
Dự báo lượng người đi lễ hội đầu năm sẽ rất đông để "bù đắp" cho ba năm người dân phải kìm nén nhu cầu.
Làm sao để có được mùa lễ hội an vui là câu chuyện được đặt ra cho cả các nhà quản lý, ban tổ chức lễ hội lẫn từng người dân đi lễ.
Dự báo lễ hội sẽ rất đông
Ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần và lễ hội xuân Yên Tử đã tổ chức họp báo thông tin về việc mở lại lễ hội. Đây cũng là hai lễ hội đầu năm thu hút rất đông người tham gia.
Ban tổ chức của cả hai lễ hội đều dự báo năm nay lượng người đổ về sẽ rất lớn do mấy năm người dân không được đi lễ hội.
Thêm nữa, với những biến cố lớn của nhân loại và của từng cá nhân như dịch COVID-19 vừa qua, lại thêm những khó khăn về kinh tế đi sau dịch bệnh, càng làm nhiều người có nhu cầu được đi lễ hội đầu năm để cầu mong một năm bình an cho gia đình.
Đền Trần đã lên phương án an ninh được chuẩn bị kỹ lưỡng và khác với mọi năm nhằm đảm bảo trật tự cho lễ hội được dự báo sẽ rất đông vì diễn ra vào đúng ngày cuối tuần.
Ngoài ra, ban tổ chức còn cố gắng hoàn thiện mở rộng khuôn viên khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần thêm 92,5ha gồm hai hồ nước, sân quảng trường, đường dạo ven hồ…
Việc này nhằm tạo thêm các điểm vui chơi và chụp ảnh cho người dân, cũng là để kéo bớt người dân ra khỏi khu đền chính, giãn mật độ cho khu trung tâm.
Các lễ hội khác dự báo cũng sẽ chung cảnh đông đúc.
PGS.TS Đặng Văn Bài - phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - khẳng định lễ hội năm nay chắc chắn sẽ đông để người dân được giải tỏa nhu cầu đi lễ hội bị kìm nén trong mấy năm.
Ông Bài cho rằng đây là nhu cầu chính đáng, có tính nhân văn cao nên các cơ quan nhà nước phải tìm cách đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của người dân.
Lễ hội xưa chính là cách góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ và thường chỉ diễn ra trong làng, trong xã.
Ngày nay, với sự phát triển của giao thông và các phương tiện cơ giới, người ta không chỉ đi hội làng, hội xã hoặc vài lễ hội lớn của khu vực mà có thể đi khắp hội gần hội xa.
Đi lễ hội cũng không phải chỉ có cầu cúng. Nhiều người đi như một hình thức du xuân, chơi xuân, đi du lịch để nạp cái năng lượng xuân, cái khí thiêng của đất trời. Vậy thì đi lễ hội càng cần phải thư thái, an vui.
Nhưng có thư thái được không nếu lễ hội lại tái diễn cảnh chen chúc, tả tơi?
Người dân thư thả đi lễ đền Trần đầu tháng 1-2023 - Ảnh: T.ĐIỂU
Lời hứa sửa mình hay cầu xin đủ thứ?
GS.TS Lê Hồng Lý, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, cho biết các cụ ngày xưa đi lễ hội rất bình an vì hội hè xưa thường chỉ gói gọn trong một vài làng nhỏ, chứ không quá tải như ngày nay.
Thêm nữa, người xưa có tâm linh mạnh mẽ, tâm linh chứ không phải mê tín. Chính cái tâm linh mạnh mẽ giúp các cụ biết khiêm nhường cúi đầu trước thần linh, trước tiền nhân mà sửa mình, thay vì chỉ lo cầu xin tài lộc cho thật đầy túi tham như nhiều người bây giờ.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng có chung quan điểm này khi chia sẻ về các vấn nạn của lễ hội ngày nay. Ông nói người xưa có tín ngưỡng tri ân, nhớ ơn tổ tiên, vinh danh những người có công với dân, với nước thì lập đền thờ.
Muốn những đền thờ đó có sức sống thì phải có phần hội cho người dân tham gia vui chơi. Vậy là lễ hội được hình thành mang ý nghĩa gắn kết làng xã, gắn kết con người với thần linh, tiên tổ.
Người xưa đi lễ hội để du xuân, vui chơi, nghỉ ngơi giữa những mùa vụ nông nghiệp vất vả hai sương một nắng và còn đến để học bài học của quá khứ, học những tấm gương tiền nhân, danh nhân văn hóa được tôn vinh ở đình, chùa, đền, miếu ấy.
Cái vui, cái thiêng của lễ hội cùng cộng lại để vun đắp nhân cách cho người đi lễ hội, để hứa với tiền nhân việc tu dưỡng bản thân chứ không phải đến để cầu xin tài lộc.
Nhưng thời nay người đi lễ hội chẳng mấy ai nhớ tới lời hứa tu thân tích đức với tiên tổ, thần linh mà thường chỉ cầu xin, cúng bái dâng sao giải hạn hoặc vui chơi giải trí là chính.
Cũng theo ông, đôi khi những người tổ chức lễ hội lại quên mất cái mục đích căn bản của lễ hội là để nhắc nhớ những tấm gương danh nhân, những bài học thấm thía của người xưa muốn truyền lại cho con cháu.
Ông cũng cho rằng ngành văn hóa, giáo dục cũng cần phải giúp cho người dân hiểu rằng: "Cái gốc của đức là làm thiện. Cái thiện phải được gieo trồng, vun đắp đời đời chứ không phải là không gieo cái thiện mà chỉ đi lễ hội, đình chùa cúng bái, công đức tiền như một hình thức hối lộ thần linh để cầu xin Phật độ đủ thứ".
Ông Bài cũng kể ra một ví dụ nét đẹp văn hóa trong lễ hội khi con người biết cùng nhau sẻ chia tài lộc. Đó là lễ hội đền Cờn ở Nghệ An, người nào vào trước được trong đền xin lộc thì sẽ lấy lộc đó mà tung ra bên ngoài cho những người không vào được bên trong cũng có lộc. Họ hiểu rằng không tham lam mà biết tán lộc sẽ nhận được quả ngọt trong đời sống.
Cần có những biện pháp kỹ lưỡng để tổ chức lễ hội
GS Lê Hồng Lý khẳng định chuyện lễ hội chen chúc, tả tơi rất khó tránh. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, tâm thế của người đi lễ hội cũng rất khác, nặng tâm mong cầu nên có thể giành tranh, xô đẩy dù chỉ là giành tranh một chỗ đứng mà họ tưởng là gần với thần linh. Để thay đổi điều này thì phải truyền thông - giáo dục, phải làm bền bỉ trong nhiều năm.
Nhưng trong khi chờ đợi những đổi thay từ tâm thế và văn hóa của người dân đi lễ hội, các nhà tổ chức và cơ quan quản lý phải có những biện pháp từ kỹ thuật tới con người để tổ chức và hướng dẫn cho người dân tham gia lễ hội được nề nếp.
Ví như phải tính toán phân luồng giao thông hợp lý, điều tiết lượng người ra vào phù hợp. Ở các ban thờ trong khu vực hành lễ vào những ngày hội đông người, phải bố trí người trực để liên tục nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện nghi lễ trang nghiêm, thành kính, văn minh…