Ông Năm (nghệ sĩ Bảo Quốc) và ông Tư (Vũ Luân) cô đơn trong trời tuyết lạnh - Ảnh: LINH ĐOAN
Một Dạ cổ hoài lang quen mà lạ
Dạ cổ hoài lang (kịch bản: Thanh Hoàng, chuyển thể cải lương: Lâm Hữu Tặng, đạo diễn: Thanh Điền) được nghệ sĩ Gia Bảo đầu tư tham gia liên hoan cải lương toàn quốc - 2021 hồi tháng 11-2022 tại Long An.
Tuy nhiên, vở không được đánh giá cao vì chưa tạo được nhiều cảm xúc, phần ca cải lương nghe chưa đã chưa hay.
Lý giải điều này, Gia Bảo cho biết do thời gian dựng vở khá gấp rút và gặp một số trục trặc nên chưa được như ý. Anh đón nhận mọi góp ý và lần này quyết định đầu tư với các nghệ sĩ ngôi sao hy vọng tạo được dấu ấn.
Khi còn ở Việt Nam, ông Tư (Vũ Luân) và ông Năm (Bảo Quốc) cùng yêu một người phụ nữ là bà Lành - Ảnh: LINH ĐOAN
Vở được sửa nhiều với phần chỉnh lý cải lương của Phạm Văn Đằng, gia cố để tăng thêm cảm xúc, chiều sâu nội tâm. Theo đó, vở cũng tăng từ sáu lên 10 diễn viên.
Nhưng nghệ sĩ Thanh Điền vì lý do sức khỏe đã xin rút, Nguyễn Văn Khởi bận rộn lịch hoạt động cũng không tham gia
Sau đó, hai vai diễn quan trọng của vở được trao cho nghệ sĩ Bảo Quốc (vai ông Năm) và Vũ Luân (vai ông Tư).
Từ trái qua, nghệ sĩ Linh Tâm (vai Nguyễn), Trinh Trinh (vai Trinh) và Vũ Luân (vai ông Tư). Sự khác biệt về văn hóa đã tạo ra mâu thuẫn lớn trong gia đình ba thế hệ này - Ảnh: LINH ĐOAN
Nghệ sĩ Bảo Quốc diễn hài tỉnh rụi vẫn lấy nước mắt
Ở đoạn cuối khi ông Tư buồn bã vì sự hiểu lầm, cách biệt về văn hóa với cô cháu gái, đã đến nhà ông Năm và hai người già leo lên ban công ngồi trút cạn nỗi niềm giữa những đợt tuyết rơi không ngớt.
Trong đoạn này ông Năm - Bảo Quốc với tính cách vui nhộn đã dịch lời bài Dạ cổ hoài lang theo từng câu ông Tư hát sang tiếng Anh một cách… ngẫu hứng, nhằm "phục vụ văn nghệ" cho hàng xóm người Mỹ ở nhà đối diện.
Một lớp diễn để nghệ sĩ Bảo Quốc có thể biến hóa được khả năng khiến khán giả phải khóc cười. Những câu chuyện đôi khi có thể bâng quơ, đôi khi hữu ý của đôi bạn già từng là "tình địch" thời trẻ khi ở Việt Nam và giờ đầy khắc khoải, cô đơn ở miền tuyết lạnh.
Cách diễn hài tỉnh rụi của nghệ sĩ Bảo Quốc phối hợp với lối diễn mùi của Vũ Luân làm khán giả cười đó rồi khóc đó.
Nghệ sĩ Trọng Phúc (vai Dũng, người yêu của Trinh) và Vũ Luân (vai ông Tư) - Ảnh: LINH ĐOAN
Cái lạnh của ngoại cảnh dường như không đáng sợ bằng sự giá lạnh trong tâm hồn.
Cuối cùng ông Tư đã chết trong màn tuyết trắng xóa. Ông Năm ôm người bạn già nức nở từng lời của Dạ cổ hoài lang.
Và ông khóc, không chỉ khóc vì thương cho người bạn đã giã từ cõi thế mà còn khóc cho sự lạc lõng của chính mình nơi xứ người…
Có thể nói đó là cảnh gây xúc động nhất vở và khán giả ra về vẫn rưng rưng với hình ảnh đôi bạn già cô đơn mờ nhòe trong màn tuyết.
Ngoài nghệ sĩ Bảo Quốc và Vũ Luân, vở còn có sự tham gia của nghệ sĩ có khả năng ca diễn tốt như Thanh Hằng (vai Lành), Linh Tâm (vai Nguyễn), Trọng Phúc (vai Dũng), Trinh Trinh (vai Trinh), Quốc Đại (ông Tư lúc trẻ), Gia Bảo (ông Năm lúc trẻ)…