Chùa Hương đóng cửa từ sáng 16-2 - Ảnh: BÁ HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 16-2, ông Nguyễn Bá Hiển - trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - thừa nhận thông tin có tình trạng một số người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nơi có thắng cảnh chùa Hương đã bất chấp lệnh không mở cửa đón khách đến tham quan, lễ chùa tại khu di tích này vẫn mời chào đưa khách đi "chui" với giá hơn 1 triệu đồng.
Ông Hiển tuyên bố đây chỉ là trường hợp cá biệt của một vài người dân tham lợi, còn đại bộ phận người dân rất nghiêm túc chấp hành quy định của chính quyền về việc đóng cửa chùa Hương.
Chốt chặn tại cổng Đục Khê vào bến Yến - Ảnh: BÁ HIỂN
"Người dân cũng rất sợ khách thập phương kéo về lễ chùa đông đúc sẽ mang theo dịch bệnh về địa phương, nên đại bộ phận người dân đều nghiêm túc chấp hành. Các lực lượng chức năng địa phương cũng rất quyết liệt", ông Hiển nói.
Theo trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, việc đóng cửa di tích chùa Hương mùa lễ hội năm nay khiến nhiều người dân trong xã mất đi nguồn lợi kinh tế, nhưng mọi người đều nghiêm túc chấp hành quy định bởi sinh mạng con người, sức khỏe vẫn là quan trọng nhất.
Chính quyền, lực lượng chức năng cũng rất vất vả túc trực suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Gần 200 người ngày đêm trực gần chục chốt chặn, tuần tra trên suối, nhưng vì địa hình phức tạp với sông suối, núi rừng, nhiều đường mòn, lối tắt khó kiếm soát hết, người dân vẫn làm ruộng, làm vườn ở khu vực này nên vẫn phải đi lại dẫn đến tình trạng trà trộn dẫn khách.
Sáng nay, 16-2, ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã cho dựng thêm một chốt chặn ở gần chùa Thanh Sơn, nơi có lối mòn qua đường Hinh Bồng để đến chùa Thiên Trù mà không đi theo đường chính qua suối Yến. Đây là đường mà một số người dân đã dẫn khách đi "chui" vài ngày qua.
Huyện Mỹ Đức đã dựng thêm chốt chặn gần chùa Thanh Sơn nơi có đường tắt đến chùa Thiên Mụ - Ảnh: BÁ HIỂN
Ông Đặng Văn Triều - chủ tịch huyện Mỹ Đức - cho biết ngay từ đầu đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba, địa phương thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đầu tiên là đưa ra quyết định không tổ chức khai hội chùa Hương, sau đó quyết định đóng cửa chùa Hương.
"Chúng tôi biết quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của địa phương, nhưng chúng tôi không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế, nên các biện pháp đưa ra được tiến hành rất nghiêm túc. Cũng rất thuận lợi là người dân rất đồng tình ủng hộ nên việc quản lý cũng bớt khó khăn hơn", ông Triều nói.
Hai trường hợp dẫn khách "chui" như phản ánh trên báo chí đã được công an xã mời làm việc, xử lý hành chính và thông báo rộng rãi trên truyền thanh xã về hành vi vi phạm để răn đe, làm gương.
Chùa Hương vắng lặng mùa khai hội năm nay - Ảnh: BÁ HIỂN
Trước đó, chiều 15-2, trước kiến nghị của các sở, ngành về tình trạng người dân đi lễ ở các cơ sở thờ tự, di tích, đình chùa rất đông, có cả tình trạng không đeo khẩu trang, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định việc tập trung đông người như vậy dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm rất cao trong cộng đồng, và quyết định tạm thời đóng cửa các cơ sở di tích, đình chùa từ 0h ngày 16-2.
TTO - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu 10.000 tổ giám sát cộng đồng nắm chắc nhân khẩu, yêu cầu khai báo y tế để rõ lịch trình và tình hình sức khỏe.