Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (vai Trần Thủ Độ) - Ảnh chụp màn hình: L.ĐOAN
1. Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã sớm ra đi năm 2008. Có lẽ nhiều khán giả vẫn quen với Lê Vũ Cầu trong vai trò là một nghệ sĩ hài nổi tiếng cùng những nhân vật tạo dấu ấn như Thằng Đậu, Chí Phèo...
Thế nhưng có một Lê Vũ Cầu rất khác và rất thuyết phục với những nhân vật lớn, đầy gai góc như Trần Thủ Độ, Vũ Như Tô. Đời luận anh hùng với bản dựng truyền hình của đạo diễn Thế Ngữ khoảng 30 năm trước mà đến hôm nay dường như vẫn có sức lay động.
Đây là kịch bản tác giả Lê Chí Trung viết dựa theo ý truyện của soạn giả Ngọc Linh.
Đời luận anh hùng tập trung khai thác rõ, khắc họa đậm nét nhân vật Trần Thủ Độ, trải dài từ thuở ông còn là chàng trai giỏi kiếm nhất làng chài, qua bao cuộc thăng trầm giành ngôi báu và xây dựng nhà Trần.
Xem Đời luận anh hùng, khán giả không chỉ gặp lại Lê Vũ Cầu mà còn thích thú xem nghệ sĩ Bảo Châu vắng bóng sàn diễn đã lâu trong nhân dáng bà Trần Thị Dung.
Nghệ sĩ Nguyễn Châu trầm tĩnh trong vai Lê Phụ Trần, Nhật Cường là lão thọt trung thành, Phú Hải là Lính tam, Việt Ninh (tức đạo diễn Quách Hồ Ninh) vào vai Trần Liễu, Tuyết Thu rất trong sáng đáng yêu vào vai Minh Nguyệt (con gái nuôi của Trần Thủ Độ).
Và khán giả còn thích thú khi nhận ra những nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi hôm nay như Hạnh Thúy, Kim Huyền, Văn Ruy... thời còn lặng lẽ vai phụ, xuất hiện chỉ ít phút trong Đời luận anh hùng.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (vai Trần Thủ Độ) và Bảo Châu (vai Trần Thị Dung) - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
2. Đời luận anh hùng dài khoảng 3 tiếng nên khi phát sóng nhà đài phải chia thành hai phần. Thái sư Trần Thủ Độ của Lê Vũ Cầu xuất hiện gần như xuyên suốt với những biến chuyển tâm lý của nhân vật làm nên lịch sử triều Trần.
Từ việc ông nhịn nhục dâng người yêu là Trần Thị Dung cho Lý Huệ Tông để từng bước tiến vào và thao túng triều Lý đang suy yếu.
Rồi lạnh lùng "diệt tận cỏ" họ Lý, xoay chuyển quyền lực vào tay con cháu nhà Trần, bất chấp luân lý bắt Trần Cảnh phải lấy vợ của anh trai mình là Trần Liễu, thẳng tay tiêu diệt Lý Vương khiến con gái cưng Minh Nguyệt đau lòng tự kết liễu để đi theo người yêu...
Thế nhưng Trần Thủ Độ đâu chỉ có máu lạnh, ông có rất nhiều nỗi niềm, vì sự vững mạnh của nhà Trần mà ông chấp nhận sự phán xét của người đời.
Đến bây giờ, người ta vẫn còn tranh cãi Trần Thủ Độ là anh hùng hay gian hùng. Và để vào vai diễn nặng nề như thế, Lê Vũ Cầu đã chứng tỏ nội lực của mình.
Vẻ ngoài xù xì, ánh mắt u ám và xám lạnh của một người dứt khoát, chuyên quyền nhưng cũng rất công minh. Với ông, người làm chuyện lớn không thể yếu mềm, nhưng có những khoảnh khắc người ta thấy sự đau đớn giày vò...
Và những giây phút khi Trần Thủ Độ già yếu không đi nổi, một lớp diễn dài khoảng mười mấy phút lấy nhiều sức lực của Lê Vũ Cầu khi Trần Thủ Độ bị ám ảnh bởi quá khứ, cứ trăn trở ta là ai và công tội như thế nào...
Hình ảnh nhân vật Trần Thủ Độ về già mang nhiều trăn trở - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
Câu chuyện của Đời luận anh hùng được khai thác nhiều chiều với những câu thoại đầy tính suy ngẫm, diễn viên giỏi nghề vì thế cứ cuốn người xem đến phút cuối.
Xem vở rồi thấy chạnh lòng bởi dòng chính kịch hiện nay muốn tồn tại thật sự rất vất vả. Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyên dòng chính kịch cũng đành phải thu lại diễn theo mùa vì không gồng gánh nổi chuyện bù lỗ.
Idecaf từng gây dấu ấn với nhiều vở kịch lịch sử được giới chuyên môn khen ngợi như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, mới đây là Tiên Nga, hiện cũng chưa dám đầu tư tiếp vì kịch sử khó dựng mà thường không được khán giả chuộng bằng những vở hài kịch nhẹ nhàng.
Và vì thế không ít người nuối tiếc vì sân khấu TP.HCM đã có những "thời điểm vàng" khi nghệ sĩ không có quá nhiều show diễn, sân khấu không phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, vì vậy mới có nhiều vở chính kịch giữ được giá trị đến giờ. Xem vở xưa mà cứ tiếc và lo cho dòng chính kịch của sân khấu hôm nay.