Trong khuôn khổ hợp tác này, UTP nhận gói tài trợ phần mềm trị giá hai triệu USD từ FPT qua việc tiếp cận giải pháp Phân tích dữ liệu tăng cường toàn diện (TADA - Total Augmented Data Analytics). TADA là nền tảng quản lý dữ liệu thống nhất ứng dụng AI của FPT, được hơn 20 doanh nghiệp khách hàng sử dụng.
Theo đơn vị, với khả năng thu thập, xử lý, phân tích và trực quan hóa khối dữ liệu lớn nhanh hơn tới 100 lần so với phương pháp truyền thống, TADA sẽ giúp sinh viên và giảng viên nâng cao kỹ năng phân tích, tăng năng suất lên 50%. Đồng thời, giải pháp mang lại những hiểu biết chuyên sâu có tính ứng dụng cao trên nhiều lĩnh vực. Khi tham gia chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật từ FPT, cán bộ, giảng viên và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng khai thác triệt để tiềm năng của nền tảng này, từ đó, nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh đó, với thế mạnh chuyên môn và sự hiện diện toàn cầu của FPT, hợp tác chiến lược này dự kiến mở rộng sang các lĩnh vực khác như chuyển giao tri thức, tổ chức chương trình thực tập và thực hiện dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực quan trọng của Malaysia như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, tự động hóa hay phát triển bền vững. Hợp tác cũng giúp FPT đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp ở khu vực Đông Malaysia và Brunei.
GS.TS. Mohamed Ibrahim Abdul Mutalib - Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Petronas (bên trái), ông Phạm Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc FPT Software (bên phải) cùng các lãnh đạo cấp cao từ cả hai bên. Ảnh: FPT
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc FPT Software chia sẻ, từ lâu FPT đã là đối tác công nghệ chiến lược của Petronas, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chương trình chuyển đổi số của tập đoàn dầu khí hàng đầu Malaysia. Bên cạnh công nghệ, hợp tác giữa hai bên còn mở rộng sang lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
"Dựa trên thế mạnh chuyên môn và công nghệ tiên tiến tích hợp AI, hai bên đẩy mạnh chương trình trao đổi sinh viên giữa trường Đại học FPT và Đại học Công nghệ Petronas. Chúng tôi muốn trang bị cho thế hệ tài năng CNTT của cả hai quốc gia kỹ năng, kiến thức cần thiết để thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo", ông nói thêm.
GS.TS. Mohamed Ibrahim Abdul Mutalib, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Petronas cũng cho biết, đơn vị hợp tác với FPT nhằm nâng cao năng lực công nghệ và mang đến cho sinh viên công cụ, tài nguyên tiên tiến nhất. Sự hợp tác này khẳng định cam kết của trường trong việc xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại sử dụng các phần mềm tiên tiến, đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
"Bằng cách hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như FPT, chúng tôi đặt mục tiêu đào tạo sinh viên đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số, định vị Đại học Công nghệ Petronas trở thành đơn vị tiên phong trong phát huy mối quan hệ đối tác công nghệ trong môi trường học thuật", ông khẳng định.
Gia nhập thị trường Malaysia vào năm 2006, FPT trở thành công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin toàn diện với chứng nhận MSC, danh hiệu cho công ty có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế số quốc gia do Chính phủ Malaysia trao. Công ty hiện có khoảng 1.300 chuyên gia làm việc trực tiếp và từ xa dành riêng cho thị trường này.
FPT cung cấp các giải pháp kỹ thuật số và dịch vụ tư vấn trọn gói, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực như AI, dịch vụ quản lý và Cloud, phục vụ các ngành có tốc độ tăng trưởng cao tại Malaysia và khu vực, bao gồm: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, tiện ích, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ công.
Gần đây, sau khi mở văn phòng mới tại Kuala Lumpur, FPT đặt mục tiêu thành lập một Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu mới tại Kuching, Sarawak và chiêu mộ thêm khoảng 300-500 chuyên gia trong vòng 5 năm tới.
Nhật Lệ