Chuyên mục  


Bánh bao là món ăn sáng bình dân và phổ biến mà các thành phố ở Nam Bộ gần như đô thị nào cũng có bán. Tuy nhiên, ở TP Vĩnh Long có bánh bao Tài Có nổi tiếng thơm ngon khó tả. Nhiều vãng khách phương xa khi đến Vĩnh Long được một lần thưởng thức bánh bao Tài Có thì tấm tắc, khó quên…

Người phương xa phát hiện bánh ngon

Là người dân Vĩnh Long, tôi quá quen với cái bánh bao, đặc biệt là bánh bao Tài Có. Cứ sáng có việc gấp thì đến ngã ba Long Châu, mua cái bánh bao Tài Có, ghé quán cà phê vừa ăn vừa uống cà phê rồi tranh thủ đi làm. Thói quen vậy, giống như ăn bánh mì mua chỗ nào quen chỗ ấy.

Rồi một dịp tình cờ, qua lời khen của những người bạn ở TP Hồ Chí Minh, tôi mới thử so sánh với bánh bao nơi khác và thấy… bánh bao Tài Có là “số một” trong những thương hiệu bánh bao mà tôi đã thưởng thức.

Cách nay hơn 10 năm, nhóm bạn học cũ đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh rủ tôi đi Hà Tiên chơi.

Trong lúc chờ xe rước ở ngã ba Long Châu vào khoảng 4 giờ sáng, tiện thể tôi mua chục cái bánh bao Tài Có xách lên xe, vì nghĩ các bạn đi khuya đói bụng. Mới ăn được vài miếng, đã có tiếng lao nhao hỏi bánh mua ở đâu vậy. Tôi nói “ở đây, bánh bao Tài Có”.

Vậy là các bạn khen lấy khen để. Lúc về, đưa tôi xuống tại ngã ba Long Châu, các bạn cũng tranh thủ mua bánh đem về. Vài lần sau cũng vậy, mỗi lần ghé Vĩnh Long, vừa qua cầu Mỹ Thuận những người bạn ấy lại nhắc tôi phải mua bánh bao Tài Có mang theo.

Tôi hỏi vui “Sài Gòn không có bánh bao à?” thì các bạn nói “có nhiều là đằng khác, nhưng không ngon bằng”. Rồi tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu người khác biết đến mua bánh bao Tài Có.

Có người nói rất rành rọt: “Quán nằm trên đường Phạm Hùng đoạn gần ngã ba Cần Thơ (ngã ba Long Châu). Quán nhỏ thôi nên chủ yếu là mua mang về với 2 loại bánh là bánh bao và bánh ú.

Mình rất thích bánh bao ở đây luôn í. Bánh to mà nhân lại nhiều thịt, lớp da bánh khá mịn nhưng có lẽ sẽ không phù hợp với vài người vì da bánh có mùi của bột khai nhé, nếu không quen sẽ khó chịu.

Còn nhân thì ngoài thịt bằm ra còn có lạp xưởng, trứng cút và đậu Hà Lan nữa… Vị rất vừa ăn luôn. Một cái là 15k nhé. Ngoài ra ở đây còn có bánh ú nữa, bánh cũng rất ngon luôn…”.

Từ danh tiếng của bánh bao Tài Có, ngày nay đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, thỉnh thoảng bắt gặp những xe bán bánh bao dán chữ “Bánh bao Tài Có”, nhưng… hổng có!

Bánh bao hấp trong xửng tre, khi mở ra làn hơi nước bốc mùi thơm bay xa.

Cái duyên của bánh bao

Thương hiệu “Tài Có” xuất phát từ quán ăn của ba anh Lữ Đắc Thành (anh Ón). Ông là người Hoa gốc Quảng Đông.

Ông Tài Có mở quán ăn ở Vĩnh Long đã trên dưới 50 năm, từ quán lẩu dê, đến heo giả cầy, lẩu cá chẽm… rồi đến những món ăn sáng cực ngon như hủ tiếu, cơm Dương Châu và đặc biệt là món mì vịt tiềm.

Có câu “Ăn cơm Tàu, cưới vợ Nhật, ở nhà Tây”, đúng vậy, quán ăn người Hoa được nhiều người sành ăn ưa thích. Ở Vĩnh Long trước nay có nhiều quán ăn của người Hoa, nhưng tồn tại lâu bền và tạo nên thương hiệu nổi tiếng hiện nay vẫn là quán Tài Có.

Người làm ra cái bánh bao Tài Có chính là anh Ón. Theo tập quán, gia đình người Hoa thường làm món bánh bao ăn trong gia đình vào bữa sáng hoặc bữa tối. Đối với bánh bao Tài Có, trải qua 20 năm từ món ăn gia đình đến khi ra thị trường và có thương hiệu đến ngày nay cũng xuất phát từ cái duyên.

Năm 1998, anh Ón thuê điểm ở khách sạn Thái Bình (thuộc Công ty Du lịch Cửu Long) mở quán ăn sáng. Anh Phạm Ngọc Trường- nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Cửu Long- thường đến ăn sáng ở quán của anh Ón.

Anh gợi ý, “ở TP Hồ Chí Minh, thấy người ta bán bánh bao cũng được lắm, chú mày đem món bánh bao gia đình ra bán thử chắc được lắm à”.

Nghe lời anh Trường, anh Ón làm thêm bánh bao bán phụ, từ từ bán được, anh Ón mạnh dạn đưa bánh bao ra bán với số lượng ngày một tăng và đến ngày hôm nay thì thương hiệu “Bánh bao Tài Có” đã được nhiều người biết đến.

Anh Ón cho biết thêm: “Có nhiều người biết làm bánh bao và đâu đâu cũng có bán. Nhưng làm được cái bánh ngon cũng có nhiều bí quyết. Trong đó là vỏ bánh khá quan trọng, còn nhân tùy mỗi người chế biến.

Riêng bánh bao Tài Có cũng chỉ làm nhân từ thịt heo, đậu Hà Lan, nấm mèo, trứng cút, lạp xưởng,... Và làm thủ công theo cách truyền thống. Ngoài ra, việc hấp bánh, giữ bánh thơm ngon cũng cần dụng cụ thích hợp. Đối với bánh bao Tài Có thì hấp và giữ nóng bằng xửng tre.

Bánh bao khi hấp bằng xửng tre bánh sẽ thơm, mềm hơn. Giữ nóng bánh bằng xửng tre, để bánh không bị khô. Nếu hấp bằng dụng cụ kim loại thì sẽ làm mất hương vị truyền thống.

Xửng tre cũng không phải ai cũng làm được, tôi phải đặt người chuyên làm nghề này tận TP Hồ Chí Minh để đảm bảo chất lượng”.

Năm 2009, bánh bao Tài Có được chứng nhận thương hiệu. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bánh bao Tài Có.

Hiện Bánh bao Tài Có bán chính thức 3 điểm ở TP Vĩnh Long đó là điểm ngã ba Long Châu (đường Phạm Hùng), điểm ngã tư Đồng Quê (đường Phạm Thái Bường) và điểm trên đường 2 Tháng 9 (gần cầu Hưng Đạo Vương). Số lượng bán ra mỗi ngày khoảng 800 bánh.

Đồng thời, anh Ón cũng bỏ mối cho người bán lẻ tại TP Sa Đéc mỗi ngày 300 bánh chứ không có điểm khác.

Với việc một chiếc bánh bao từ món ăn gia đình, dần dần vươn ra thị trường và khẳng định thương hiệu quả là một kỳ công, một quá trình.

Và “Bánh bao Tài Có” cũng góp phần làm phong phú cho “thực đơn” ẩm thực Vĩnh Long, góp phần giới thiệu hình ảnh tỉnh Vĩnh Long với du khách phương xa…

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Theo Báo Vĩnh Long

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020