Đông đảo YouTuber “tác nghiệp” tại đám tang nghệ sĩ Chí Tài - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ trò chuyện với TS Mai Anh Tuấn (ĐH Văn hóa) để cùng tìm giải pháp cho vấn nạn khá luẩn quẩn này.
TS Mai Anh Tuấn nhận định: "Các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube hiện nay rất đa dạng nội dung. Nhưng mặt trái của sự đa dạng này là bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung trên đó. Và trong thế giới dành cho tất cả mọi người đó, ai cũng muốn có lượng người theo dõi lớn nhất nên bắt buộc họ phải tạo ra những nội dung có tính chất độc lạ, đánh vào sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng, những nội dung bạo lực, mê tín dị đoan...".
Sức ép quá lớn lên gia đình
* Ai cũng có thể thấy rõ việc sáng tạo nội dung trên YouTube đang chưa được kiểm soát, thưa anh?
- Đúng vậy, nhiều kênh YouTube sa vào những nội dung độc hại, phản giáo dục, phản nhân văn. Trong khi đó, khả năng thẩm định nội dung của người theo dõi chưa thực sự được nâng cao.
Chúng ta có thể đưa ra lời trách với những người sáng tạo nội dung nhưng đồng thời chúng ta phải nhìn thấy rằng khả năng kháng cự, khả năng lọc chọn, thẩm định của khán thính giả hiện nay cũng đang có vấn đề lớn. Kết quả là những kênh có nội dung dung tục, phản cảm vẫn được rất nhiều khán giả, trong đó có các bậc phụ huynh và cả trẻ em theo dõi.
* Có cách nào để các nội dung trên không gian mạng tốt hơn?
- Đầu tiên, người xem phải có năng lực tự nhận định, lựa chọn những nội dung phù hợp nhu cầu thông tin, nhu cầu thụ hưởng của mình. Riêng với những kênh dành cho trẻ em phải có sự theo dõi, giám sát từ các bậc phụ huynh.
Nhưng thực tế chúng ta đang nhìn thấy nhiều phụ huynh gần như để mặc cho con em sử dụng các nền tảng mạng xã hội mà không có sự kiểm định, sự theo dõi, giám sát của mình. Đến khi phụ huynh nhìn thấy sự độc hại từ những gì con em mình xem thì họ mới tá hỏa phản ứng. Đó là sự phản ứng hơi muộn màng. Lý ra, phụ huynh phải có sự chuẩn bị, đồng hành dài hơi hơn ngay từ sớm với con em mình.
Nhưng rõ ràng các bậc phụ huynh không thể là camera theo dõi 24/24 giờ với con cái mình, và không phải ai cũng có năng lực thẩm định được nội dung hay - dở cho con em mình xem. Nên sự kháng cự từ phía gia đình chỉ mang tính tương đối. Phải có những cơ chế để bắt buộc những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội, các nhà quản lý đều phải tham gia vào quá trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Những người sáng tạo nội dung phải có sự tự cam kết về chất lượng nội dung đăng trên kênh của mình, tạo ra các sản phẩm truyền thông, thông tin lành mạnh, có đóng góp chất lượng cho sự tiếp nhận chung của cộng đồng, nội dung có ý nghĩa tích cực, khơi dậy những giá trị nhân văn, giá trị đạo đức tốt đẹp. Họ phải ý thức được rằng mình đang phục vụ một lượng độc giả rất lớn nên phải có thái độ tôn trọng công chúng, có "đạo đức nghề nghiệp" chân chính để cung cấp những giá trị nội dung tốt.
TS Mai Anh Tuấn
Phải thêm hàng rào từ cơ quan quản lý
* Và nhà quản lý thì có thể làm gì?
- Từ phía quản lý, cần sớm đưa ra những quy chế, tiêu chí để đánh giá và cho phép các kênh YouTube hoạt động một cách lành mạnh. Kênh YouTube có lượng theo dõi đông đảo thì những nội dung họ đăng tải phải được coi là sản phẩm kinh doanh, một dịch vụ, như bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào khác, nghĩa là phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng. Cần phải coi những nội dung phát hành trên kênh có theo dõi lớn như là nội dung trên các trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội được quản lý.
Các nhà quản lý cần đưa ra bộ tiêu chí để các YouTuber phải tuân thủ. Chẳng hạn như họ phải cam kết kênh của mình không có yếu tố bạo lực, dung tục, phản cảm, phản nhân văn, phản giáo dục. Nếu vi phạm có thể bị đóng kênh. Cần có văn bản, quy chế rõ ràng điều gì YouTuber được phép làm và không được phép làm.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa có bộ tiêu chí hành nghề này mà cơ quan quản lý chỉ thường chạy theo xử lý vi phạm khi có báo chí phản ánh, khiến những xử lý này thường muộn hơn rất nhiều so với thực tế đời sống.
Trên thực tế kênh YouTube cũng có kiểm soát với các nội dung mang tính bạo lực hay yếu tố tính dục, nhưng chưa được tốt, nên cần thêm những hàng rào từ phía các cơ quan quản lý. Hiện nay các YouTuber mọc lên như nấm nhưng không hề có hàng rào nào kiểm soát họ, ngăn chặn những cách làm sai trái.
Từ phía nhà trường, nên có chương trình ngoại khóa hoặc bộ môn rèn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mạng xã hội để sống chung tốt đẹp với mạng xã hội, với các nền tảng trực tuyến.
* Có những người đã lựa chọn giải pháp là từ chối tham gia vào không gian mạng?
- Đó có thể là lựa chọn cá nhân của một số người, nhưng sự hấp dẫn của công nghệ là rất lớn và điều này sẽ không thay đổi. Công nghệ sinh ra để chinh phục con người, lôi kéo con người vào các nền tảng trực tuyến, nó là một chất gây nghiện, chất kích thích. Đặc biệt, ở người Việt, năng lực tự kháng cự, tự đặt câu hỏi khi tham gia vào môi trường số là rất thấp.
Cũng giống như môi trường sống thực, môi trường mạng có hai mặt. Trong khi có nhiều nội dung tốt có thể thay thế các phương thức giáo dục truyền thống thì cũng tồn tại những nội dung độc hại. Với những thứ độc hại, phải có sự chung tay từ người sử dụng, người sáng tạo nội dung, nhà quản lý. Phải có một sự đồng hành kiên nhẫn và tỉnh táo với trẻ em của phụ huynh, nhà trường, người sáng tạo nội dung trên nền tảng trực tuyến và nhà quản lý.
Nhiều YouTuber bị phạt, xóa kênh
Đến nay có một số YouTuber, Facebooker bị xử phạt hành chính vì đăng tải các clip nhảm nhí, bạo lực, sai sự thật. Chỉ trong vòng chưa tới 20 ngày từ ngày 11-9 đến 7-10-2020, Nguyễn Văn Hưng (chủ kênh YouTube Hưng Vlog) bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang phạt 2 lần với tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng tải video vi phạm thuần phong mỹ tục.
Ngoài việc nộp phạt, chủ kênh phải xóa các video vi phạm này. Tiếp ngay sau đó vài ngày, Sở TT-TT Bắc Giang ra quyết định xử phạt đối với Ð.V.T. - chủ kênh YouTube D.T vlogs, do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong, mỹ tục.
Một tháng sau, ngày 13-11-2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ TT-TT xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với Bùi Xuân Huấn vì cung cấp, phát tán thông tin giả mạo Đài truyền hình Việt Nam trên Facebook cá nhân "Huấn hoa hồng".
Trước đó, tháng 4-2019, YouTube đã xóa kênh Khá "Bảnh" với lý do "tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube" và xóa tài khoản của "Thánh chửi" Dương Minh Tuyền.
TTO - Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh tay hơn đối với những YouTuber "kền kền", trục lợi từ những tin tức thêu dệt và thậm chí là cả nỗi đau của đồng loại.