Chuyên mục  


Theo thông tin từ gia đình, nghệ sĩ Tiêu Lang mất lúc 2h30 ngày 3/1, lễ viếng ông diễn ra vào 7h30 ngày 7/1 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Lễ truy điệu tổ chức lúc 8h45 cùng ngày.

Nghệ sĩ Như Quỳnh cho biết ông mắc nhiều bệnh nền như suy tim, viêm phổi, viêm tiết niệu. Bà nói: ''Những ngày cuối đời, cụ không căn dặn gì nhưng có lẽ thương con cháu mà cụ ra đi nhẹ nhàng''.

Theo Như Quỳnh, sinh thời, nghệ sĩ Tiêu Lang không có phương pháp giáo dục cụ thể mà trở thành tấm gương để con cháu noi theo. Do sống ở những năm tháng chiến tranh, ông luôn tiết kiệm, chi tiêu khoa học. Xuất phát từ gia đình lao động bình thường, khi trở thành nghệ sĩ, ông vẫn cư xử chân thành, hòa nhã.

Nghệ sĩ Ưu tú Tiêu Lang. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo

Nghệ sĩ Tiêu Lang tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1929, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là em ruột của nghệ sĩ Kim Chung - chủ rạp cải lương cùng tên lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ, sau đổi tên thành Đoàn nghệ thuật cải lương Chuông Vàng. Ông kết hôn nghệ sĩ Kim Xuân - diễn viên số một của rạp.

Sau vở diễn chung đầu tiên có tên Hận tương giao, bộ đôi Tiêu Lang - Kim Xuân thường song hành trong các tác phẩm ca kịch như Đời cô Lựu, Trinh nữ Xuân Hương, Nàng tiên mẫu đơn. Từ những năm 1950, hai người là những nghệ sĩ không thể thiếu trong những suất diễn của rạp Kim Chung. Họ có hai con gái, trong đó người con thứ hai là Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh, nổi tiếng với loạt phim Bài ca ra trận (1973), Đến hẹn lại lên (1974), Hà Nội mùa chim làm tổ (1978).

Nghệ sĩ Tiêu Lang từng phục vụ văn nghệ trong tuyến lửa Quảng Trị, kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng có thời gian công tác tại Đoàn cải lương Nam Bộ, Nhà hát Cải lương Trung ương và Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nghệ sĩ được tặng thưởng nhiều huy chương trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1993, ông được Nhà nước vinh danh là Nghệ sĩ Ưu tú.

Phương Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020