Con số 287,5 triệu tệ bao gồm thuế phí. Theo trang The Paper, hôm 30/11, bức Rửa nghiên mực được hãng China Guardian mở phiên đấu giá riêng, mức khởi điểm là 180 triệu nhân dân tệ (25,4 triệu USD).
Bức "Rửa nghiên mực". Video: Guardian
Tranh kích thước 65x34 cm, đóng con dấu của Vương Mông. Tác phẩm từng thuộc sở hữu của vua Càn Long, được nhà vua đề thơ năm 1746. Tranh còn được đóng nhiều con dấu của Càn Long, trong đó có "Càn Long ngự lãm chi bảo" (Bảo vật Càn Long ngự lãm).
Tác phẩm khắc họa nơi ở trong mộng của các văn nhân đương thời, với ngôi nhà tranh liền kề dòng suối, cây cối um tùm bao quanh, mây trắng che những đỉnh núi trập trùng.
Càn Long đề thơ, đóng nhiều con dấu lên bức tranh. Ảnh: The Value
Cây cầu nhỏ bắc qua dòng suối, bên kia suối là những tảng đá và dòng thác khổng lồ, ngôi chùa lờ mờ phía xa. Ở trong nhà tranh, văn nhân quay mặt về phía dòng suối như đang lắng nghe thác nước. Một cậu bé đang rửa nghiên mực bên suối. Cảnh tượng này được cho đại diện hình tượng văn nhân gột rửa bụi bẩn trong một thế giới không có bất kỳ xiềng xích nào.
Vương Mông (1308-1385) tự Thúc Minh, sống cuối thời Nguyên đầu thời Minh, là một trong bốn họa sĩ thành tựu nổi bật nhất ở thời Nguyên. Sau khi nhà Nguyên diệt vong, nhà Minh nắm quyền, Vương Mông ra làm quan nhưng vướng vào một vụ án, bị bắt oan, chết trong tù.
* Ảnh: Chi tiết bức "Rửa nghiên mực"
Tuy nhiên, thành tựu nghệ thuật của ông không vì thế mà tàn lụi. Phong cách nghệ thuật của Vương Mông ảnh hưởng đến các họa sĩ quan trọng thời Minh, Thanh. Đến thời cận đại, các danh họa Trương Đại Thiên, Phó Bão Thạch cũng học hỏi, phát huy những tinh túy trong lối vẽ của Vương Mông ở một số tác phẩm.
Trên thế giới có khoảng 40 bức tranh của Vương Mông còn được lưu giữ ở bảo tàng hoặc do tư nhân sở hữu. Tác phẩm của ông hiếm xuất hiện trên thị trường đấu giá, bức đắt kỷ lục là Trĩ xuyên di cư đồ, được bán với giá hơn 400 triệu nhân dân tệ (56,5 triệu USD) năm 2011.
Hãng đấu giá China Guardian thành lập 30 năm, chủ yếu bán tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc, có chi nhánh ở Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong. Theo trang web của hãng này, tổng số tiền hãng thu được từ đấu giá vượt 95,7 tỷ nhân dân tệ (13,5 tỷ USD).
Nghinh Xuân (theo The Value, The Paper)