Chuyên mục  


Giàu tự sự

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, vẫn nhớ những giờ học vẽ mà cố họa sĩ Trần Lưu Hậu đứng lớp. “Thầy có cái nhìn rất độc lập, cách giảng nhẹ nhàng để từng sinh viên tự khơi được thế mạnh của mình. Thí dụ như đi thực tế là phải vẽ ký họa chân thực nhưng ông luôn cho phép thử nghiệm ngay trong những chuyến đi thực tế. Sinh viên có thể vẽ trực tiếp ngay, có một bức phong cảnh mang nội tâm của mình. Vì thế, nếu trường mỹ thuật có những sinh viên nhìn tranh đã biết là học trò của thầy nào thì học trò thầy Hậu không thế. Thầy không muốn học trò vẽ giống thầy”, ông Đoàn nhớ lại.
Sự riêng biệt về phong cách là điều cố họa sĩ Trần Lưu Hậu đã giữ trong suốt cuộc đời sáng tác. Là họa sĩ thuộc khóa Mỹ thuật kháng chiến do chính danh họa Tô Ngọc Vân giảng dạy, ông Hậu là một trong những người được ghi nhận phong cách riêng. “Nói đến khóa Mỹ thuật kháng chiến, có 4 người luôn được đánh giá nổi trội hơn hẳn, đó là các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân và Lê Huy Hòa. Họ đã có phong cách riêng từ khi còn theo học”, ông Đoàn nói. Bức tranh lụa Bộ đội về bản hiện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ được coi là kinh điển, mẫu mực.
Đổi mới 1986 như một mốc để các họa sĩ thoải mái hơn trong việc tìm kiếm đề tài, thoát khỏi sự phong tỏa của “chúng ta” mà đi tới cái “tôi” rõ ràng hơn. Đó cũng là cơ hội cho rất nhiều tự sự trong tác phẩm mỹ thuật, với những vẻ đẹp bình dị đời thường. Với ông Hậu, điều đó vốn đã có sẵn từ trước, và bây giờ chỉ việc chín thắm hơn qua tay nghề và những trải nghiệm cuộc đời, trải nghiệm màu cũng như nét vẽ.
Những nhà sưu tập mau chóng nhận ra vẻ đẹp của cả chuẩn mực cổ điển lẫn phá cách trong tranh của ông. Họa sĩ Trần Lưu Hậu mau chóng bán được tranh ngay vào thời điểm thị trường mỹ thuật nhen nhóm sau Đổi mới. “Có thể nói, lúc đó Đổi mới mở cửa cho nhiều họa sĩ không phân biệt tuổi tác gì cả. Nên người trẻ cũng như người già, cứ có tác phẩm tốt là bán được. Ông Trần Lưu Hậu có lẽ là người nhiều tuổi nhất trong số những họa sĩ ăn khách lúc đó”, họa sĩ Đào Hải Phong nhớ lại.

“Một tình yêu đến phút cuối cùng”

Họa sĩ Trần Lưu Hậu “mó tay ra vàng” với nhiều đề tài. Ông vẽ phố Hà Nội thật rực rỡ, hiện đại và người xem có cụm từ “phố Trần Lưu Hậu”. Những ngôi nhà phố sát nhau với những vệt màu dài như đang vừa đứng vừa hăm hở muốn đi lại. Ông vẽ “nude” đẹp khỏe mạnh và có trưng bày chuyên đề.
Ông gắn bó với Sa Pa nhiều năm khi có thời gian cả chục năm trời năm nào cũng lên đó sáng tác. Phố núi Sa Pa trong tranh ông được vẽ đi vẽ lại nhiều lần, mỗi lần lại là một hoàng hôn khác, một khoảng nghiêng khác. Triển lãm Tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu thị trường mỹ thuật lần này cũng trưng bày một bức vẽ Sa Pa của ông. Chỉ tiếc do lùi thời gian lại vì Covid-19, ông đã mất trước khi triển lãm khai mạc.
Phong cách của ông Trần Lưu Hậu, theo ông Lương Xuân Đoàn, đậm nhất ở những năm tháng cuối đời. “Ông Hậu có những tác phẩm quay về đời sống nội tâm, hội họa, vừa biểu hiện vừa trừu tượng, điều này đậm nhất vào những năm cuối đời. Sa Pa chỉ là cơn cớ để vẽ phong cảnh nhưng cách sử dụng đĩa màu luôn tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ về thị giác. Ông vẽ những điều gần gũi như tranh ngũ quả cũng giàu chất dân gian”, ông Đoàn nói.
Ông Đoàn bồi hồi: “Họa sĩ Trần Lưu Hậu là một con người đi được với hội họa đến cuối con đường. Lúc phải ngồi xe lăn, ông vẫn cần một cái bút được buộc cho dài ra để có thể sửa những bức tranh mà ông nghĩ là cần thêm bớt một chút để mảng màu nào đó có thể ánh lên, chói lên hoặc trầm xuống. Khi ông không thể đứng vững trên đôi chân để sáng tác thì ông dùng xe lăn và cây bút các con buộc theo cách như vậy. Ông cũng lăn những con lăn màu trên sàn cho đỡ nhớ. Tôi nhớ khi đến thăm thầy, đôi giày bata của thầy cũng lấm lem sơn và vòng bánh xe lăn cũng có màu. Một tình yêu đến phút cuối cùng”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020