Trong bom tấn Godzilla vs. Kong (tựa Việt: Godzilla đại chiến Kong) của đạo diễn Adam Wingard, lần đầu tiên các nhà làm phim cho khán giả chiêm ngưỡng khá kỹ về quê nhà của các Titan là thế giới rỗng bên trong trái đất. Dù mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng thế giới này là nơi để các nhà làm phim vin vào để có thể mở rộng tối đa "vũ trụ quái vật" trong thời gian tới.
Đẹp, mãn nhãn
Theo lý thuyết trái đất rỗng, bên trong trái đất chúng ta đang sống là một thế giới rỗng, nơi nhiều loài sinh vật nằm ngoài sự hiểu biết của con người sinh sống. Lý thuyết này lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 17 và được quan tâm cho đến hôm nay, và dĩ nhiên, các nhà văn, nhà thơ, nay là các nhà làm phim, xem đó là "mỏ vàng" để sáng tạo. Các ý tưởng về lý thuyết trái đất rỗng là một nhánh phụ của thể loại hư cấu phiêu lưu.
Chỉ có thể nói rằng, nhờ xử lý kỹ xảo ấn tượng, quê nhà của Kong và các Titan khác lần đầu tiên hiện lên cụ thể trước mắt khán giả chứ không phải chỉ là lời đồn thổi như trong phần phim Kong: Đảo đầu lâu (2017). Theo lời một nhân vật trong phim Godzilla đại chiến Kong, thế giới này rộng lớn không thua kém gì các đại dương, có một hệ sinh thái cực kỳ đa dạng và nơi đó có nhiều quái vật khổng lồ. Để vào được trái đất rỗng, con người nhờ Kong dẫn đường, mục đích là để tìm vũ khí để đánh bại "vua quái vật" Godzilla đang càn quét bề mặt trái đất.
Bộ phim Journey to the Center of the Earth dẫn khán giả vào trung tâm trái đất huyền bí, đầy mê hoặc Ảnh: New Line Cinema |
Vừa về "nhà", Kong được hai Titan là những con rắn khổng lồ có cánh là Warbat "chào đón" bằng màn chiến đấu một mất một còn. Trái đất rỗng đẹp, nhưng nơi này là vùng hoang dã và là nơi sinh tồn khắc nghiệt.
Ở nước Pháp, ngay từ thế kỷ 19, nhà văn Jules Verne đã dắt tay độc giả vào thế giới choáng ngợp bên trong trái đất qua quyển sách hư cấu phiêu lưu Journey to the Center of the Earth (Hành trình vào trung tâm trái đất - 1864) mà sau này, hãng New Line Cinema vào năm 2008 đã chuyển thể quyển sách thành phim cùng tên, khiến khán giả được phen "rửa mắt" với hành trình trốn chạy khủng long, hoa ăn thịt... của các nhân vật chính. Sau phim này, Hollywood tiếp tục sáng tạo phim dựa trên lý thuyết trái đất rỗng, đơn cử là phim hoạt hình Ice Age: Dawn of the Dinosaurs (2009).
Trái đất rỗng và 'vũ trụ quái vật'
Lý thuyết trái đất rỗng lần đầu được đề cập trong bộ phim Kong: Skull Island khi một nhà khoa học viết nó ra giấy và chứng minh rằng đó có thể là quê nhà của nhiều Titan đang sinh sống. Câu trả lời phần nào được "bật mí" qua bom tấn Godzilla vs. Kong khi khỉ đột Kong đã quay về nhà và tìm được thứ vũ khí có thể chế ngự Godzilla. Trong phần phim này, Godzilla đã sử dụng hơi thở nguyên tử để "khoan" từ bề mặt trái đất đến thế giới rỗng hết sức dễ dàng, và sau đó, chi tiết này không còn được để tâm đến trong thời lượng còn lại của tác phẩm. Đường hầm mới mà Godzilla tạo ra bằng hơi thở của mình giúp cho Kong quay lại mặt đất dễ dàng. Nhưng hãy chú ý đến vấn đề khác: nếu các tác phẩm mở ra một thế giới mà các Titan choảng nhau như cơm bữa trên mặt đất thì điều gì khiến chúng đã rời bỏ quê nhà là thế giới rỗng?
Khoảnh khắc Kong sắp chạm vào một bàn tay trên mỏm đá trong phim Ảnh: Warner Bros. |
Có thể có một đại Titan nào đó, vượt trội hơn cả Kong và Godzilla, khiến cho những Titan này "lưu lạc" ở mặt đất? Đây là điều không phải không có khả năng giải quyết ở các phần phim tới trong "vũ trụ quái vật". Kong, dẫu to hơn phiên bản trước đó trên Đảo Đầu Lâu ở phần phim năm 2017, vẫn chưa là cá thể lớn nhất. Khi Kong chạm tay vào bức tượng lúc lơ lửng tại vách đá quê nhà, nhiều nghi vấn dấy lên: đây có phải là bàn tay của King Kong (Vua Kong), do tổ tiên của Kong trong phim tạo ra? Và Kong, nếu vậy, vẫn chưa đạt đến kích thước phát triển tối đa, do đó sẽ có thể lớn hơn nữa ở các phần phim trong tương lai? Kết lại, có thể nói rằng, tuy lần đầu tiên khán giả tận mắt chứng kiến (dù không thật nhiều) hình dạng bên trong trái đất nhưng điều đó hứa hẹn nhiều điều về những thế giới nằm ngoài sự tưởng tượng của người xem về "vũ trụ quái vật" thời gian tới.