Một tô khổ qua cà ớt đẫm nước sốt - Ảnh Lê Duy
Quán khổ qua lọt thỏm giữa cái náo nhiệt đặc trưng của chợ Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM) vào giờ tan tầm.
Nhưng chỉ cần bước tới, vừa đủ để tách mình khỏi khung cảnh đông đúc ấy, là bạn sẽ nhận ra một quán ăn nhỏ ẩn mình ở góc 202 Phùng Hưng, nơi phảng phất mùi khổ qua thơm lừng và tiếng gọi thân quen của chủ quán Ôn Vĩnh An (34 tuổi): “Tình yêu ơi, vô đây thưởng thức cho hết khổ nè!”
"Khổ qua cà chớn" hai kiểu nước dùng
Một tô cà chớn đúng chuẩn bao gồm khổ qua, cà chua, ớt, cà tím, cá viên và đậu hũ nhồi chả cá chiên sơ.
Khách có thể chọn hai kiểu nước: nước sốt đặc biệt sền sệt giống súp cua, hoặc nước dùng ninh từ sườn heo non. Dù chọn kiểu nào, món ăn cũng mang đến trải nghiệm đậm đà, khiến ai thử một lần cũng sẽ khó mà quên.
Trên quầy hàng, những trái ớt đỏ mọng - Ảnh: Lê Duy
Anh Minh (quận Phú Nhuận) tâm sự với Tuổi Trẻ Online: "Khách nào ăn lần đầu tiên sẽ không quen ăn với nước sốt, nhưng nếu ăn được là dính mãi. Nhớ gọi thêm phần mì trộn ăn cùng thì no bụng hơn".
Một điểm đặc biệt của quán chính là nước chấm tương ngọt pha sa tế, không thể thiếu khi ăn "khổ qua cà chớn".
"Nhiều người ban đầu không quen ăn khổ qua, nên tôi nghĩ cách làm nước chấm để cân bằng vị đắng của khổ qua với vị ngọt thanh và cay nhẹ của tương", chủ quán An chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Bên cạnh "nhân vật chính", quán còn một món đặc biệt ít được nhắc đến, đó là bánh bột khoai môn.
Bánh bột khoai môn ở đây có kết cấu khá giống bánh đúc, nhưng không tan trong miệng ngay, ăn giống bánh nậm ở miền Trung, dẻo dẻo bùi bùi từ khoai môn, thơm ngậy từ hành phi và đậu phộng.
Bạn có thể nhâm nhi khổ qua chung với xôi cải mặn (trái) và bánh bột khoai môn (phải) - Ảnh: Lê Duy
Khẳng định hương vị giữa chợ Phùng Hưng
Như trong ký ức của bao người Hoa, món khổ qua cà ớt luôn xuất hiện trên mâm cơm nhà Ôn Vĩnh An. Phụ quán từ năm 1995 và bắt đầu tiếp quản quán từ năm 14 tuổi, anh An nối tiếp bà ngoại và mẹ để duy trì món ăn này.
Những ngày đầu gồng gánh xe đẩy đó, An gặp không ít khó khăn vì khu vực chợ Phùng Hưng đã quá nổi tiếng với nhiều món ăn đa dạng.
Mới bán phụ mẹ, An đã chịu không nổi áp lực giữa "biển" âm thanh trong khu chợ Phùng Hưng. Rồi áp lực cạnh tranh khi chỉ riêng món khổ qua cà ớt là đã có ba xe đẩy.
An quyết định đặt tên quán của mình là "khổ qua cà chớn" để gây chú ý với giới trẻ.
"Chính cái tên này làm nhiều bạn trẻ từ Bình Tân, Củ Chi tò mò đến thử. Có người còn nói đi cả chục cây số chỉ để ăn "khổ qua cà chớn" nghe lạ mà ngon!", An kể.
Quán khổ qua lúc nào cũng tất bật bởi lượng khách đông - Ảnh: Lê Duy
Tên quán trái ngược với chủ quán
Tên quán là "khổ qua cà chớn" có vẻ ngông nghênh. Nhưng trái ngược hoàn toàn với cái tên ấy, An chân thành giải thích: "khổ qua phải "cà chớn" một chút mới vui, chứ An dễ thương như vậy mà!"
Khổ qua thì cà chớn, còn chủ quán thì dễ thương! - Ảnh: Lê Duy
Có lẽ chính sự đối lập ấy đã tạo nên nét hấp dẫn riêng của quán: một bên là cái tên nghịch ngợm, chút "cà chớn" cho vui, và một bên là người chủ dễ thương, mộc mạc.
Đối với An, mỗi khách bước vào quán đều là một "tình yêu" nhỏ của mình. "Tình yêu ơi, để xe ở đó đi cưng. Mấy tình yêu ăn gì để An làm nè?"
Cũng nhờ nét xởi lởi, thân mật ấy mà cái đắng của khổ qua dường như dịu đi hẳn. Chị Thúy Vy (quận 8) tháng nào cũng phải ghé chợ Phùng Hưng "đá liền" một tô khổ qua ít nhất một lần, không chỉ vì nhớ vị ngon, mà còn vì thích thú khi được gọi là "tình yêu ơi".
"Bé này dễ thương lắm, tôi quay lại đây hoài vì bả đó!", chị hóm hỉnh.
Quán "khổ qua cà chớn" bán từ 16h30 - 22h.
Ngoài ra, quán cũng phục vụ một số các món ăn khác như phá lấu lòng heo thuốc bắc, hoành thánh lá sườn sụn, sườn kho, cảo chiên/nước lèo... giá từ 35.000 - 60.000 đồng/phần.
Đây là điểm ẩm thực nổi bật trên các trang mạng xã hội. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng là khách ruột của quán.