Bún quậy là món ăn độc đáo của Phú Quốc, nổi bật với các nguyên liệu hải sản tươi ngon và nước dùng thanh - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Trên mạng xã hội Facebook, Instagram hay YouTube, những người từng thử qua món bún của đảo Ngọc chia làm hai luồng ý kiến: một bên thì cho rằng bún quậy có nước dùng nhạt nhẽo, không có gì nổi bật; bên còn lại thì lại chết mê chết mệt món ăn này không dứt ra được.
"Không thể cảm món này, mùi thì tanh từ khi bước vào quán, nước dùng thì nhạt kinh khủng và nhiều bột ngọt, giá thì đắt. Tôi thà đi ăn bún bò, bún riêu ngon hơn" - một người dùng bình luận trên Facebook.
"Mê món này từ Phú Quốc về tới TP.HCM, bí kíp là cho luôn chén nước chấm vô thế là đậm đà, các nguyên liệu đều tươi ngon, nói chung bún quậy ăn vừa nhẹ bụng lại không sợ ngán" - một người dùng khác lại nêu quan điểm trái ngược.
Vậy món ăn này có gì đặc biệt mà lại gây tranh cãi gay gắt đến vậy, cùng Tuổi Trẻ Online tìm câu trả lời thông qua hai quán bún quậy nổi tiếng hàng đầu TP.HCM là bún quậy Thanh Hùng và bún quậy Kiến Xây.
Liệu có hiểu lầm bún quậy?
Bún quậy thực chất bắt nguồn từ món bún tôm dân dã của "đất võ" Bình Định, đây cũng là món ăn thanh đạm, dùng sợi bún tươi và tôm giã nhuyễn, vị ngon chủ yếu đến từ độ tươi của nguyên liệu và cách người ăn nêm nếm sao cho hợp khẩu vị.
Theo sát triết lý đó, món bún quậy Phú Quốc cũng dùng sợi bún tươi ép máy tại chỗ khi khách ghé, cả hai quán đều có sợi bún dai dai, cắn vào vẫn có độ giòn nhất định.
Tô bún quậy của tiệm Thanh Hùng (trái) và Kiến Xây có giá trung bình từ 50.000 - 90.000 đồng, với hương vị khá tương đồng, ăn thua nhau ở độ tươi, ngon của chả tôm, chả cá - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Để có chất lượng này, sợi bún được trụng nước sôi khi vừa ra lò, sau đó trụng một lớp nước lạnh để săn lại ngay lập tức.
Các nguyên liệu như chả cá, chả tôm cũng như mực buộc phải tươi ngon để "gánh" cả phần nước lèo vì đây không phải nước hầm xương heo, bò, cá... như nhiều món ăn khác của Việt Nam mà chỉ thêm bột canh, bột ngọt và tiêu nên vẫn giữ vị thanh thanh.
Hai loại chả được phết mỏng dưới đáy tô để khi chế nước sôi vào sẽ tự chín, đây cũng là lý do nhiều tô bún quậy bưng ra khách thấy mỗi bún với hành vì nguyên liệu ngủ yên dưới đáy, phần nào cũng gây mất thiện cảm cho những người lần đầu trải nghiệm.
Tất nhiên không thể không kể đến linh hồn của món ăn này là chén nước chấm, bên trong gồm các nguyên liệu như bột canh, bột ngọt, đường, ớt xay và vắt thêm ít tắc, tạo nên hương vị chua cay rất gắt, đánh thức mọi giác quan.
Cảnh thực khách hì hục quậy chén nước chấm để các loại gia vị hòa quyện vào nhau cũng chính là nguồn gốc tên gọi có một không hai của món ăn này.
Không chỉ là nước chấm chả, mực, đây còn là yếu tố cốt lõi để bún quậy có nước dùng ngon, với vị cay từ tiêu và ớt xộc thẳng lên mũi cùng với vị chua chua gây thương nhớ, có thể nói rằng hương vị của món bún quậy cậy hết vào chén nước chấm.
Ở điểm này, hai quán đã có sự khác biệt, trong khi Kiến Xây khuyến khích khách tự tay pha nước chấm cho riêng mình để vừa có trải nghiệm thú vị, vừa có thể tự nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của bản thân thì Thanh Hùng sẽ giúp người ăn chuẩn bị sẵn một chén pha sẵn với công thức pha theo "tỉ lệ vàng".
Tuy nhiên, dù là đối thủ thì các quán bún quậy khác nhau đều nhất trí với quan điểm rằng nước chấm nên bỏ vào tô bún, đồng thời bún quậy cũng phải ăn cay một chút mới khai phá được hết hương vị của món ăn độc đáo này.