Tranh vẽ Bến Cái Làng - Trung tâm Thương cảng cổ Vân Đồn. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng Quảng Ninh).
Sáng nay (24/9), UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn" với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.
Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể Di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu đạt được trong thời gian qua, Hội thảo lần này là một bước tiến mới, nhằm hướng tới những nhận thức khoa học ngày càng sâu sắc, toàn diện về thương cảng Vân Đồn và những đặc trưng, giá trị của một không gian văn hóa.
Kết quả chuyên môn của Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất "địa linh, nhân kiệt" và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).
Hội thảo nhận được 34 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 4 tham luận của các chuyên gia quốc tế, nhận định về những giá trị cảnh quan và môi trường, tài nguyên thiên nhiên, con đường giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế biển, văn hóa, quân sự, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của thương cảng Vân Đồn.
Nhìn chung, các nhà khoa học đều có chung nhận định thương cảng Vân Đồn đóng vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế có quy mô lớn, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình lịch sử.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Vân Đồn là một trong những thương cảng hình thành, phát triển sớm nhất của Việt Nam. Thương cảng Vân Đồn là không gian sinh tồn, cửa ngõ tiếp giao kinh tế, văn hóa trọng yếu của Đại Việt và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng của khu vực Đông Á.
Các nhà khoa học chủ trì hội thảo (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).
Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Vân Đồn là một hệ thống bến cảng chứ không phải là một cảng hay một cụm cảng riêng biệt tại thời kỳ đó. Đây là đặc trưng cơ bản làm nên sự khác biệt của Vân Đồn. Mặt khác, còn phải đặt Vân Đồn trong thế đối sánh với các thương cảng cổ của Việt Nam như: Phố Hiến, Hội An... để thấy rõ vai trò trọng yếu của Vân Đồn như một trung tâm kinh tế quan trọng của Đại Việt.
Tại hội thảo, các tham luận cũng tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển Vân Đồn gắn với các giá trị di sản, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Đồng thời đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc.