Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: T.ĐIỂU
Số báo này còn in tuyệt phẩm Trường ca sông Lô mà Văn Cao vừa sáng tác năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc, cả truyện ngắn Làng của Kim Lân, bài thơ Cá nước của Tố Hữu, bài luận Nhận đường của Nguyễn Đinh Thi…
Lễ kỷ niệm 75 năm Báo Văn Nghệ (diễn đàn của Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) ra số báo đầu tiên vừa được tổ chức ngày 26-10 tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư chúc mừng, biểu dương những thành tích rất đỗi tự hào của những người làm báo Văn Nghệ,cũng như đội ngũ cộng tác viên đông đảo của tờ báo để cho ra đời nhiều ấn phẩm có chất lượng, giúp phát hiện nhiều cây bút tài năng.
Khởi đầu một nền văn nghệ mới
Tại lễ kỷ niệm, nhà văn Khuất Quang Thụy - tổng biên tập Báo Văn Nghệ - đã ôn lại chặng đường 75 năm vẻ vang của tờ báo này.
Trong đó ông nhắc lại kỷ niệm về số báo đầu tiên vào tháng 3-1948 tại thôn Gia Điền, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ qua ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Văn Nghệ 25 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tâm sựông đã đọc Văn Nghệ số đầu tiên tại núi rừng Việt Bắc sau cuộc tiến công lớn của quân Pháp vào căn cứ địa.
Đại tướng đánh giá sự ra đời của tờ báo một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến đã biểu thị quyết tâm của văn nghệ sĩ đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đại tướng còn nhớ số báo đầu tiên ấy in trên giấy giang, nhiều trang, có bài thơ Cá nước của Tố Hữu, bản nhạc Trường ca sông Lô của Văn Cao, truyện ngắn Làng của Kim Lân, bài Nhận đường của Nguyễn Đình Thi …
Trong chùm thơ in trên số báo đầu tiên này có Tây Tiến của Quang Dũng vừa viết tại Phù Lưu Chanh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định "đây là sự khởi đầu một nền văn nghệ mới, văn nghệ cách mạng".
Kể từ số đầu tiên đó, liên tiếp sau đó trên mặt báo đã có sự xuất hiện của những tài năng văn chương mới: Chính Hữu, Quang Dũng, Vũ Cao… tiếp sức cho đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến ngày càng hùng hậu.
Tổng biên tập Báo Văn Nghệ Khuất Quang Thụy phát biểu ôn lại lịch sử 75 năm của tờ báo - Ảnh: T.ĐIỂU
Trở lại là nơi quy tụ các trí thức
Sau ngày hòa bình lập lại, tòa soạn rời về thủ đô, rồi đến năm 1957 khi Hội Nhà văn ra đời, Báo Văn Nghệ chính thức được giao cho Hội Nhà văn quản lý, điều kiện để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo càng thuận lợi hơn.
Thời kỳ Đổi mới, Báo Văn Nghệ nổi lên như một trong những tờ báo tiên phong dấn thân nhiệt thành vào con đường đổi mới đất nước, với nhiều truyện ngắn, phóng sự, ký sự gây tiếng vang lớn như: Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc, Câu chuyện về một ông vua lốp của Trần Huy Quang, Người không cô đơn của Minh Chuyên…
Những bài báo này đã tác động ít nhiều đến việc điều chỉnh hoạch định các chính sách để sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước nhanh chóng đi vào đúng quỹ đạo.
Từ những đột phá này, văn nghệ sĩ như đã được giải phóng về tư tưởng, những tác phẩm xuất hiện trên báo Văn nghệ ngày càng thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Trong đó có các tên tuổi lớn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu,…
Phát biểu tại buổi lễ ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - chia sẻ nhiều kỷ niệm cá nhân của ông gắn bó với tờ báo này, giống như như tình cảm của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức đã dành cho Báo Văn Nghệ.
Vì vậy, ông mong muốn tờ báo sẽ tiếp tục phát huy được di sản quý báu của mình, nối lại đường dây liên kết với trí thức thông qua tờ báo chứ không chỉ phản ánh thời sự thông thường.
Năm 1995 báo Văn Nghệ cho xuất bản thêm tờ phụ san Văn nghệ Trẻ và Văn Nghệ Dân Tộc Miền Núi.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Ban biên tập báo Văn Nghệ ra mắt giao diện báo Văn Nghệ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và ra mắt báo Văn Nghệ Trẻ điện tử, tại địa chỉ: vannghetre.com.vn và vannghetre.vn.