Chuyên mục  


Sách Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp (NXB Thế giới) vừa ra mắt tuần qua và được giới chuyên môn đánh cao ở cả khía cạnh nội dung và hình thức với hình ảnh, minh họa được đầu tư công phu.

Đây là cuốn sách do Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA và các cộng sự thực hiện trong một dự án dành riêng cho nghệ thuật kiến trúc Hà Nội. Dự án này kéo dài trong 2 năm (từ năm 2022) với sự tham gia của một đội ngũ hùng hậu. Trong đó, tác giả biên soạn nội dung là TS-KTS Trần Quốc Bảo (giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cùng một ê-kíp đông đảo các bạn trẻ tham gia thiết kế, vẽ minh họa, chụp ảnh, dịch thuật v.v…

Dấu ấn của người trẻ

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh (Chủ tịch Công tyAA), dù trải qua chiến tranh, Hà Nội vẫn giữ lại phần lớn di sản kiến trúc đã được xây dựng từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc. Đó là những tác phẩm tài hoa được thiết kế, thực hiện bởi những kiến trúc sư, nghệ nhân, công nhân Pháp và Việt Nam. Các di sản này cần được gìn giữ để làm nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ sáng tác mai sau, để đóng góp vào nền kinh tế du lịch Thủ đô - và hơn nữa, để gìn giữ nét văn hóa thanh lịch của Hà thành.

Ông Nguyễn Quốc Khanh (Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA) phát biểu tại sự kiện ra mắt sách

"Với tình yêu di sản và tinh thần bảo tồn văn hóa của đất nước, năm 2015, Công ty AA đã thực hiện cuốn sách Sài Gòn - Ba thế kỷ phát triển và xây dựng. Hôm nay, cũng với tình yêu và hoài bão đó, chúng tôi tiếp tục biên soạn Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp" - ông Khanh bày tỏ.

Còn theo chủ nhiệm dự án Trần Hải Anh, cuốn sách là tác phẩm song ngữ Việt - Pháp, được lên ý tưởng và sản xuất tại Việt Nam bởi những người Việt Nam, với sự hỗ trợ của một số người bạn Pháp. Đây là một dự án nhiều tham vọng không chỉ đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu, sự hỗ trợ của những thế hệ có kinh nghiệm hơn mà còn yêu cầu tinh thần sáng tạo, mang đến góc nhìn mới mẻ.

Đặc biệt, Hải Anh còn tiết lộ về quá trình nỗ lực làm việc hết mình và đầy trách nhiệm của những người trẻ thuộc dự án kéo dài suốt 2 năm. Trước hết ở khía cạnh tra cứu, thu thập tư liệu, chị cho hay, làm việc với các tư liệu lưu trữ là một quá trình rất dài, nhưng cũng rất bổ ích.

haianh-17337896980261617407259.jpg

Chủ nhiệm dự án Trần Hải Anh phát biểu tại sự kiện ra mắt sách

"Hầu hết các công trình trong sách đều là công trình công cộng do người Pháp xây dựng. Do đó, các bản vẽ gốc được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội. Với các bản vẽ tìm được, chúng tôi đã làm việc cùng một kiến trúc sư trẻ để vẽ lại, đơn giản hóa chúng để dễ tiếp thu và phổ cập hơn" - Hải Anh nói - "Các tài liệu lưu trữ còn đến từ Viện Viễn Đông Bác cổ, trung tâm lưu trữ tại Aix-en-Provence, cũng như các kho tài liệu tư nhân… Chúng tôi đã liên lạc với những cá nhân còn giữ bưu thiếp, hình ảnh của những tòa nhà từ thời kỳ đó".

"Thử thách đối với nhiếp ảnh gia là chụp ảnh những tòa nhà này từ một góc nhìn mới, một góc chụp khác biệt, và chúng tôi đã chụp hàng ngàn lần. Chúng tôi cần tìm những góc nhìn mới, độc đáo, đồng thời chụp phần nội thất của công trình" - Hải Anh chia sẻ thêm.

Ở khía cạnh tiếp nhận, KTS Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp mang đến thêm những khởi hứng sáng tạo cho độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

phandangson-17337896979732025368501.jpg

KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (thứ 2 từ phải sang), tại sự kiện ra mắt sách

"Hiện nay, giới trẻ ngày càng quan tâm đến di sản. Họ lặng lẽ dựa nền tảng di sản để sáng tạo ra những sản phẩm đôi khi khiến chúng ta phải thấy sửng sốt và thừa nhận đó là những sáng tạo đích thực" - ông Sơn bày tỏ - "Họ sẽ có những bước tiến đi xa hơn nữa để làm cho văn hóa Việt Nam hội nhập với toàn cầu một cách bền vững, trên tinh thần luôn học hỏi, cầu thị nhưng cũng rất dũng cảm đi bằng đôi chân của mình để tiến lên".

"Tiếp cận di sản bằng một tư duy sáng tạo và một tinh thần tự do, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được sự phát triển xứng tầm trong tương lai" - KTS Phan Đăng Sơn.

Gợi mở tương lai của di sản kiến trúc

Trong một vài năm trở lại đây, di sản kiến trúc ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên môn cũng như cộng đồng. Do vậy, theo nhiều chuyên gia sự ra đời của cuốn sách Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp sẽ góp phần mở ra góc nhìn nhiều chiều đối với việc ứng xử, tiếp cận, phát huy giá trị của các di sản kiến trúc, đặc biệt là di sản kiến trúc Pháp - Việt Nam tại Hà Nội trong tương lai.

Cụ thể, theo KTS Phan Đăng Sơn, trong một thời gian khá dài, chúng ta tập trung cho phát triển nên đã để các di sản kiến trúc tại các đô thị có bề dày văn hóa như Hà Nội, TP.HCM… tạm thời "ngủ yên".

sach-17337896979052060895016.jpg

Sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” (NXB Thế giới)

"Và, đến một thời điểm cách đây vài ba năm, chúng ta chợt ngoái lại và hoảng hốt: Nếu không cẩn thận, ta sẽ bỏ quên những di sản kiến trúc vô cùng giá trị" - ông Sơn bày tỏ - "Những di sản này nếu được phát huy trong sự phát triển của đời sống đương đại sẽ tạo nên những động lực to lớn cho phát triển kinh tế xã hội, giống như hiện nay chúng ta thường xuyên đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển nền công nghiệp văn hóa".

Từ thực tế này, theo ông Sơn, Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp đã có một đóng góp quan trọng: Làm "thức tỉnh" di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội một cách xứng đáng và hấp dẫn. "Cuốn sách hội tụ trí tuệ và tài hoa của nhóm tác giả để làm nên một sản phẩm giàu tính nghệ thuật vừa có nội dung phong phú, khoa học, vừa có hình thức đầy lãng mạn" - ông nói.

Ở góc nhìn rộng hơn, KTS Phan Đăng Sơn còn cho biết: "Hiện nay, chúng ta đã có những chuyển biến đáng kể trong việc tiếp cận di sản, với việc luôn khẳng định bảo tồn để phát triển. Tiếp cận di sản bằng một tư duy sáng tạo và một tinh thần tự do, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được sự phát triển xứng tầm trong tương lai".

Ông Sơn cũng nhắc tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được quan tâm tổ chức hàng năm. Đặc biệt trong 2 năm gần nhất, lễ hội này đã có được những kết quả đáng kể, tạo hiệu ứng rõ rệt đối với việc tiếp cận di sản bằng tinh thần bảo tồn gắn với sáng tạo, phát triển. Theo ông, điều này cho thấy các di sản kiến trúc cần có vai trò mới trong sự phát triển hiện nay.

"Thời sinh viên, tôi đã từng nhảy tàu điện hàng nghìn lần, đi tàu qua cầu Long Biên cũng đã rất nhiều. Nhưng khi trải nghiệm đi tàu ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề Dòng chảy, cảm xúc của tôi lại đặc biệt thăng hoa nhiều lần, như được trở lại với miền ký ức" - ông Sơn bày tỏ - "Đó là những cảm xúc hết sức đặc biệt, để thấy sông Hồng như đẹp hơn, thấy ga xe lửa Gia Lâm cũng không còn cũ kỹ, xấu xí…".

"Ở đây, cách mà chúng ta tiếp cận để đánh thức di sản hết sức quan trọng. Những hoạt động khơi nguồn sáng tạo đã làm cho cộng đồng, cho mỗi người đều được đánh thức năng lực và kết nối với di sản để tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới cho tương lai" - KTS Phan Đăng Sơn kết luận.

Chung một tình yêu Hà Nội

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh (Chủ tịch Công ty AA),ê-kíp thực hiện cuốn sách từ chủ nhiệm dự án, chụp ảnh, minh họa đều là những người trẻ lứa tuổi 30 - 40, cùng với sự đóng góp, biên soạn của các chuyên gia có kiến thức sâu rộng về kiến trúc di sản

"Họ đã đặt hết trái tim, tri thức và khả năng sáng tạo để hoàn thành cuốn sách. Từ đây, có thể nói ngoài giá trị phong phú về dữ liệu thông tin kiến trúc và lịch sử, cuốn sách còn là tâm huyết của nhiều thế hệ có chung một tình yêu đất nước, yêu Hà Nội" - ông Khanh nói.

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020