Quỳnh Dao qua đời ở tuổi 86 - Ảnh: Weibo
Chiều 4-12, truyền thông Trung Quốc đưa tin nữ văn sĩ Quỳnh Dao từ bỏ cuộc đời ở tuổi 86.
Trước khi ra đi, thông qua trang cá nhân, bà cho biết mình không muốn bị số phận chi phối. Đối với Quỳnh Dao, cái chết là con đường tất yếu mà ai cũng phải đi, là "việc lớn" cuối cùng trong cuộc đời mỗi con người.
Có thể thấy, dù đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, cái chết qua đôi mắt của vị văn sĩ tài năng cũng đầy thơ mộng và bình yên.
Nữ văn sĩ tài năng với tính cách đa sầu, đa cảm
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết. Dù lớn lên tại Đài Loan (Trung Quốc) nhưng quê quán của bà lại ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Gia đình của bà có tổng cộng 3 anh chị em, trong đó Quỳnh Dao là chị lớn trong nhà.
Khi còn nhỏ, vì học không giỏi bằng em gái, Quỳnh Dao luôn cảm thấy ba mẹ thiên vị, không yêu thương mình. Điều này khiến nữ văn sĩ buồn tủi trong thời gian dài. Thông qua một số tác phẩm, bà thể hiện khao khát yêu và được yêu - thứ mà bà nghĩ là mình còn thiếu.
Quỳnh Dao thời trẻ - Ảnh: Weibo
Cả hai em bà đều mạnh ở mảng tự nhiên, riêng nữ văn sĩ theo đuổi các bộ môn xã hội. Ngay từ nhỏ, Quỳnh Dao bộc lộ rõ tài năng trong mảng văn học và có ước mơ là biên kịch.
Kịch bản đầu tay của Quỳnh Dao chỉ gồm một cảnh duy nhất và hai nhân vật, xoay quanh về câu chuyện của cha mẹ và những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật.
Bộ tiểu thuyết đầu tiên do Quỳnh Dao sáng tác là vào năm bà 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau, "gia tài" tác phẩm của nữ văn sĩ lên đến hơn 100 tập truyện ngắn và tiểu thuyết.
Tân Hoàn Châu cách cách là một trong những bộ phim nổi bật của Quỳnh Dao - Ảnh: Weibo
Năm 1963 đánh dấu bước ngoặc lớn trong sự nghiệp Quỳnh Dao khi tác phẩm Song ngoại chính thức xuất bản. Ngay sau khi phát hành, tập tiểu thuyết nhanh chóng nhận được sự yêu thích của những người yêu văn học.
Năm 1966, bộ truyện Kỷ độ tịch dương hồng trình làng trên màn ảnh rộng, lúc này Quỳnh Dao chỉ mới 28 tuổi.
Cả sự nghiệp của Quỳnh Dao có tổng cộng hơn 56 bộ truyện xuất bản thành sách. Trong đó, có đến 25 tác phẩm được dựng thành phim.
Một số bộ phim nổi bật do Quỳnh Dao chấp bút gồm có Tân Hoàn Châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt, Bên dòng nước, Không phải hoa chẳng phải sương...
Quỳnh Dao lắm tài nhiều tật và mác "cướp chồng"
Bên cạnh sự nghiệp rực rỡ, Quỳnh Dao cũng là một trong những nhà văn đầy tai tiếng. Ồn ào lớn nhất cuộc đời nữ văn sĩ có lẽ là chuyện "cướp chồng".
Sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, năm 1964, Quỳnh Dao gặp gỡ Bình Hâm Đào. Lúc này, ông đang là nhà xuất bản sách Song ngoại. Qua quãng thời gian tiếp xúc, Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào nảy sinh tình cảm.
Quỳnh Dao và chồng thứ hai Bình Hâm Đào - Ảnh: Weibo
Tuy nhiên, đây là mối tình đầy sai trái vì thời điểm đó, Bình Hâm Đào vẫn còn đang trong cuộc hôn nhân với vợ cũ.
Năm 1966, Quỳnh Dao ngỏ lời chia tay với bạn tình vì thông báo rằng mình chuẩn bị kết hôn với người khác. Ngay sau đó, ông đã ly hôn với vợ cũ để "danh chính ngôn thuận" ở bên Quỳnh Dao.
Vào thời điểm này, khán giả mỉa mai nữ văn sĩ là "tiểu tam" chen ngang mối quan hệ giữa Bình Hâm Đào và vợ.
Những tác phẩm của bà cũng liên lụy khi có nội dung xoay quanh người thứ ba và mối quan hệ ngang trái.
Đó cũng là lý do khiến văn của Quỳnh Dao dù hay nhưng vẫn khó chấp nhận. Thậm chí, nhiều độc giả sau này còn chỉ trích bà có tư tưởng sai lệch, dẫn đến việc tác phẩm trở nên ba xu, rẻ tiền.
Giá trị của tác phẩm Quỳnh Dao vẫn còn gây tranh cãi - Ảnh: Weibo
Bên cạnh đó, loạt phim do nữ văn sĩ chấp bút cũng tạo nên làn sóng tranh cãi khi có lời thoại kỳ quặc, tam quan bất chính.
Ví như trong Tân một thoáng mộng mơ có lời thoại "Cô của khi đó chỉ mất đi một chân, còn Tử Lăng thì sao? Em ấy vì cô đã từ bỏ cả tình yêu của mình" hay trong Tân dòng sông ly biệt có thoại "Tôi không phải là đàn ông duy nhất trong thiên hạ này động lòng cùng lúc với hai người con gái"...
Ngoài ồn ào tình ái và nội dung sách sai lệch, Quỳnh Dao còn khiến độc giả ngán ngẩm khi thường xuyên nhắc đến chuyện cái chết.
Càng về già, Quỳnh Dao thường nhắc về cái chết và xem đó là chuyện hiển nhiên - Ảnh: Weibo
Năm 2017, nữ văn sĩ bất ngờ viết tâm thư dặn dò con cái về chuyện lo hậu sự. Bên cạnh xúc động, nhiều người cho rằng bà đang quá lo xa và mang tiêu cực.
Có thể thấy, nếu nhìn lại 86 năm cuộc đời của Quỳnh Dao, ta có thể tóm gọn thành 4 từ 'lắm tài nhiều tật'.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những giá trị mà nữ văn sĩ đóng góp vào kho tàng văn học Trung Quốc, tạo nên làn sóng mới trong việc đưa văn hóa Trung Hoa ra khỏi biên giới.