Hà Tĩnh sẽ là địa phương mới nhất gia nhập bản đồ sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh mới đây đã báo cáo về dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast do CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh - công ty con của Vinhomes làm chủ đầu tư, có tổng vốn 7.300 tỷ đồng. Công suất thiết kế của dự án là 400.000 xe/năm.
Chỉ trong hơn một năm qua, Việt Nam đang ghi nhận bùng nổ các hãng sản xuất lên kế hoạch mở nhà máy. Có thể kể đến một số cái tên mới như nhà máy của thương hiệu OMODA & JAECOO do Liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery quốc tế cũng sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2025 với công suất 200.000 xe mỗi năm với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Một cái tên đáng chú ý nữa là nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, tọa lạc tại Khu công nghiệp Việt Hưng (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), đã hoàn thiện và sẵn sàng chạy thử từ cuối năm nay.
Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động sản xuất từ đầu năm 2025. Với công suất thiết kế đạt 120.000 xe/năm. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á chuyên lắp ráp, sản xuất ô tô mang thương hiệu Škoda Auto - thương hiệu ô tô lớn nhất của Cộng hòa Séc - đồng thời cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh.
Nếu tính riêng các nhà máy sản xuất đã đi vào hoạt động, tổng công suất của các nhà máy tại Việt Nam hiện vượt qua con số hơn 500.000 xe/năm.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng sản lượng xe ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 ước đạt 347.400 chiếc, đạt mức gần 70% so với sản lượng thống kê nêu trên.
Khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước của Việt Nam sẽ cán mốc 1,5 triệu xe/năm.
Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô nên Việt Nam đang được mệnh danh là “thỏi nam châm’ đối với các “ông lớn” trong ngành ô tô.