Nhà dịch thuật kỳ tài
Cuộc đời hơn 40 năm sống trên cõi thế của Nhượng Tống (tên thật Hoàng Phạm Trân) ghi dấu ấn riêng trong nửa đầu thế kỷ 20.
Trước hết, Nhượng Tống là một trí thức yêu nước. Ở tuổi 20, khi đất nước VN đã mất chủ quyền và trở thành thuộc địa của nước Pháp thực dân, ông đã cùng những trí thức trẻ đương thời sáng lập Việt Nam quốc dân đảng để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những thủ lĩnh của phong trào người bị chém đầu, người bị lưu đày ra tận Côn Đảo. Nhượng Tống chịu án 5 năm lưu đày cấm cố ngoài biển khơi, rồi chịu tiếp 5 năm quản chế tại quê nhà. Trong thời gian bị quản chế, với vốn kiến thức Hán học, ông trở thành dịch giả tài hoa, đã dịch và xuất bản 5 tác phẩm trong “Lục tài tử thư” của văn học sử kinh điển Trung Hoa là: Nam hoa kinh (Trang Tử), Ly tao (Khuất Nguyên), Sử ký (Tư Mã Thiên), Thơ Đỗ Phủ và Tây sương ký (Vương Thực Phủ). Đây là những tác phẩm đồ sộ của văn học sử kinh điển Trung Hoa, qua ngòi bút dịch thuật kỳ tài của Nhượng Tống đã đến với bạn đọc bằng một văn bản tiếng Việt “duyên dáng, uyên bác và đẹp đẽ” như đánh giá của Yên Ba.
Nhượng Tống còn là tiểu thuyết gia với tác phẩm duy nhất mang tên Lan Hữu được Lưu Trọng Lư giới thiệu là “cuốn tiểu thuyết tình không hơn, không kém” và “cuốn sách của mọi người”, “tác giả đã cho nó một sức mạnh huyền diệu khiến cho ta không thể ngừng lại ở một quãng nào ở trên quyển sách”.
Nhưng đúng như tác giả Yên Ba viết: “Cuộc đời Nhượng Tống bị bao phủ bởi rất nhiều những tồn nghi, còn với sự nghiệp văn chương của ông, sự đánh giá khá khác biệt”. Cho đến nay, trong các bộ giáo trình văn học sử Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học đều không nhắc đến tên tuổi và vị trí của Nhượng Tống dù dưới bất cứ phương diện nào: một tiểu thuyết gia hay dịch giả, đó là chưa nói đến một nhà văn hóa. Tuy nhiên, qua dòng chảy thời gian hơn 70 năm qua, khi sương đầu ngõ đã tan, mây cuối trời đã vén, những đóng góp của tổ chức Việt Nam quốc dân đảng được lịch sử đánh giá khách quan, nhiều thủ lĩnh của tổ chức này như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp... là những người đã hiên ngang lên đoạn đầu đài để tạo nên “Tiếng thét Yên Bái” thì những tác phẩm của Nhượng Tống - Hoàng Phạm Trân cần được đánh giá công tâm, khách quan.
Xóa đi lớp sương mù
Tác giả Yên Ba đã đồng cảm với người khuất bóng qua hơn 300 trang sách được chia thành 3 phần: Nhượng Tống - bí ẩn và bi kịch; Những “tài tử thư” của Nhượng Tống; và Nhượng Tống - một con người tài hoa.
Trước những tư liệu ít ỏi đến kinh ngạc về số phận một con người được tác giả cho là “kỳ lạ vào hàng bậc nhất trong lịch sử văn học hiện đại nước Việt”, Yên Ba đã đi tìm Nhượng Tống. Từ cái duyên chơi sách để “từ sách đi tìm người”, Yên Ba đã thấy ở Nhượng Tống “một người hoạt động chính trị lão luyện từ khi còn rất trẻ, bản thân tự nếm trải qua vô vàn những biến cố lay trời chuyển đất trong lịch sử dân tộc”. Cuốn sách ra đời giúp bạn đọc có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về Nhượng Tống - Hoàng Phạm Trân.
Sinh tại làng Phú Khê, huyện Ý Yên (Nam Định), ở tuổi 20, Hoàng Phạm Trân với bút danh Nhượng Tống là một trong những lý thuyết gia của Việt Nam quốc dân đảng. Chính ông là người góp phần quan trọng đưa lý thuyết “Tam Dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn từ Trung Quốc về Việt Nam và sau đó trở thành tôn chỉ của Việt Nam quốc dân đảng. Dù tổ chức yêu nước này chủ trương bạo động nhưng Nhượng Tống lại giữ quan điểm khá ôn hòa. Chính vì vậy, trước khi Việt Nam quốc dân đảng khởi sự bằng cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã có dự định thủ tiêu Nhượng Tống và Vũ Hiển - một thành viên cùng quan điểm ôn hòa với ông. Tư tưởng này còn tiếp tục thể hiện ở cuốn sách Hỗ trợ thảo luận được Nhượng Tống hoàn thành tháng 9.1943 và nhà in Tân Việt phát hành năm 1945. Chỉ tiếc rằng những xung đột và biến động chính trị từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 khiến Nhượng Tống trở thành phần tử đối lập khi ông làm Bí thư cho Nguyễn Hải Thần - lãnh tụ Việt Nam cách mệnh Đồng minh hội (1945 - 1946), tiếp đó là làm cố vấn cho Tổng trấn Bắc Kỳ Nghiêm Xuân Thiện (1948 - 1949). Nhượng Tống đã ra đi một cách bí ẩn trong cuộc ám sát năm 1949 mà đến nay, theo Yên Ba, các nhà nghiên cứu chưa xác quyết “thủ phạm là ai”.
Qua chuyên khảo này, bạn đọc lần lượt xóa đi những lớp sương mù và tồn nghi về cuộc đời Nhượng Tống. Qua lời kể và xác nhận của người con gái duy nhất của nhà văn Nhượng Tống, là nhà giáo Hoàng Lương Minh Viễn, với tác giả Yên Ba, bạn đọc được biết Nhượng Tống - Hoàng Phạm Trân sinh năm 1906 (Bính Ngọ) chứ không phải niên biểu 1897 hay 1904 như trước đây. Đặc biệt, qua thông tin trên tờ báo Cải tạo số 67 (ra ngày 10.9.1949) và số 68 (ra ngày 17.9.1949), tác giả Yên Ba đã xác định chắc chắn ngày mất của Nhượng Tống là 8.9.1949, chứ không còn mơ hồ như trước đây.