Chuyên mục  


Tại thành phố Cần Thơ, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024.

Liên hoan Cải lương toàn quốc là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đối tượng tham gia liên hoan bao gồm các đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương. Đây là hoạt động nghệ thuật ý nghĩa, tạo điều kiện để các nghệ sĩ gạo cội và lớp diễn viên trẻ được tỏa sáng, cống hiến đến khán giả những vai diễn tâm huyết.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị/đoàn nghệ thuật. Đây được xem là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ cải lương nói riêng và của lĩnh vực nghệ thuật nói chung.

Ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - tặng hoa cho Hội đồng Nghệ thuật

Được biết, quy định đối với đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan: Mỗi đơn vị được tham gia 01 vở diễn. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật Cải lương liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia không quá 2 vở diễn tại Liên hoan.

Ban tổ chức không giới hạn đề tài; khuyến khích các vở diễn có nội dung hưởng ứng "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

hoanphong-1729935786324746874330.jpg

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Sân khấu cải lương đã được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua và được coi là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Kế thừa những tinh hoa nghệ thuật truyền thống ấy để sáng tạo nên những giá trị mới, góp phần bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc của sân khấu cải lương. Đây có được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam".

Ông Hồ An Phong nhấn mạnh: Liên hoan Cải lương toàn quốc là một hoạt động nhiều ý nghĩa, được tổ chức 3 năm một lần nhằm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật cải lương, tôn vinh các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của sân khấu cải lương chuyên nghiệp.

cailuong-1729935840741287978522.jpg

Cảnh trong vở diễn khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật cải lương, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi lẫn nhau và phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình để có thêm nhiều tác phẩm, vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các vở diễn; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn; 01 Giải Xuất sắc (nếu có) cho riêng từng thành phần sáng tạo trong các vở diễn tham gia Liên hoan gồm: Chỉ đạo Nghệ thuật, Tác giả, Tác giả chuyển thể, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Dàn nhạc, Thiết kế mỹ thuật, Biên đạo múa (Giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo không nằm trong số lượng giải thưởng quy định cho vở diễn, diễn viên).

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020