Tác phẩm chuyển thể từ truyện cổ tích dân gian sẽ ra mắt khán giả nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, kịch bản do nhà văn Nguyễn Hiếu phụ trách. Anh mất nhiều thời gian chỉnh sửa một số phần để phù hợp với các khán giả nhí. Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Hiếu cũng cắt bỏ nhân vật Bụt. Thay vào đó, mẹ Tấm là người mang đến những điều kỳ diệu cho cô. Nhân vật truyền tải thông điệp về tình mẫu tử. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật của vở diễn - nhận xét việc thay đổi phù hợp với thời đại, mang ý nghĩa nhân văn.
Đạo diễn Singapore - Chua Soo Pong - người trực tiếp dàn dựng vở kịch - khẳng định dù không giữ toàn bộ nguyên tác, vở kịch vẫn phản ánh nét văn hóa dân gian Việt Nam và tinh thần, ý nghĩa tác phẩm. Ông đã đọc kịch bản bằng tiếng Trung, tiếng Anh, nhờ chuyên gia giải đáp các ẩn dụ văn hóa để hiểu hơn về câu chuyện Tấm Cám. "Tôi đưa các yếu tố hài hước, dí dỏm vào kịch, đồng thời tăng thêm nhiều màn hát múa để tạo hứng thú cho các em nhỏ. Bên cạnh không khí sôi động, vở kịch có những khoảng lặng vừa đủ để khán giả nhí suy ngẫm", đạo diễn nói. Trước Tấm Cám, Chua Soo Pong từng dựng vở Đám cưới chuột, Con gà trống - đều lấy chất liệu từ văn học dân gian Việt Nam.
|
Đạo diễn Chua Soo Pong có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nghệ sĩ Việt. Tháng 9/2017, ông dựng vở "Hồng lâu mộng" với Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Diễn viên Kim Oanh - nữ chính phim truyền hình Những cô gái trong thành phố - đảm nhiệm vai Tấm. Nghệ sĩ Lệ Ngọc đóng vai dì ghẻ. Ngoài ra, vở kịch có sự tham gia của bé Như Khôi, nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh... Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc điều hành sân khấu - cho biết vở kịch sẽ biểu diễn trong, ngoài nước, dự kiến tham gia Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Toyama (Nhật Bản) vào năm 2020.
|
Tranh minh họa truyện "Tấm Cám" của Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Tấm Cám là truyện cổ tích dân gian Việt Nam, xoay quanh nhân vật cô Tấm. Tấm hiền lành, nhân hậu nhưng phải sống với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ độc ác. Sau đó, cô may mắn được làm vợ vua. Vì ghen ghét, dì ghẻ hãm hại Tấm, để Cám thay thế vị trí của cô. Nhờ Bụt, Cám tai qua nạn khỏi sau nhiều kiếp, trở về trả thù Cám và dì ghẻ. Truyện được chuyển thể dưới nhiều hình thức cải lương, chèo, kịch nói, nhạc kịch, phim ảnh... Năm 2016, phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân sản xuất thu về 66 tỷ đồng sau năm tuần chiếu.
Trailer thứ hai phim 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể'
|
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia TP HCM. Nhiều tác phẩm tại đây được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...
Hà Thu