Những tranh cãi âm ỉ trong liên minh ba đảng cầm quyền của Đức cuối cùng đã bùng nổ ngày 6/11. Thủ tướng Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP), sau những tranh cãi về chính sách kinh tế và tài khóa. Liên minh cầm quyền gồm SPD, FDP và đảng Xanh tan vỡ.
Tối cùng ngày, sau khi chỉ trích ông Lindner là "người ích kỷ", ông Scholz đã đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1 và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 3, trước 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, phe đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã thúc đẩy tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn, lập luận rằng Thủ tướng Scholz sẽ không thể làm gì nhiều từ giờ tới lúc đó với một chính phủ thiểu số và không có đủ ủng hộ trong quốc hội để thông qua bất kỳ dự luật mới nào.
Một tuần sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ, SPD và CDU đồng ý tổ chức bầu cử vào ngày 23/2. Cuộc bầu cử sớm của Đức diễn ra khi giới lãnh đạo nước này tìm cách tái khởi động nền kinh tế yếu kém và chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz chuẩn bị ra điều trần trước Ủy ban Điều tra về Afghanistan của quốc hội ở Berlin ngày 14/11. Ảnh: AP
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, lần đầu tiên trong hai thập kỷ và lần thứ 6 trong lịch sử Đức thời hậu chiến, dự kiến diễn ra ngày 16/12. Với tư cách là người đứng đầu chính phủ thiểu số hiện tại cùng với đảng Xanh, ông Scholz được cho là khó có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Tổng thống Đức giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên kể từ khi liên minh tan vỡ, ông Scholz nói dự định tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Ông tin rằng SPD sẽ làm tốt, dù các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ hiện tại của đảng này chỉ ở mức 16%.
"Không ai nên kỳ vọng cuộc bầu cử này sẽ diễn ra theo cách mà mọi người đã hình dung", ông nói, thừa nhận đây là trận chiến khó khăn.
Chiến dịch tranh cử sẽ chính thức khởi động vào năm mới, nhưng thực tế nó đã bắt đầu. Một cuộc tranh luận sôi nổi tại quốc hội Đức (Bundestag) ngày 13/11 đã cho thấy trước bức tranh tranh cử sắp tới.
Bảo vệ thành tích trong nhiệm kỳ, đặc biệt về chính sách với Ukraine, ông Scholz hứa hẹn sẽ đoàn kết đất nước mà ông lo ngại có nguy cơ chia rẽ. Ông cũng chỉ trích những người phản đối viện trợ cho Ukraine, trong đó có ông Lindner vốn từ chối nới các quy định về thâm hụt ngân sách để giúp Kiev.
Đáp trả công kích, lãnh đạo CDU Friedrich Merz cáo buộc ông Scholz "sống trong vũ trụ của riêng mình" và không nói toàn bộ sự thật. Merz đưa ra danh sách đề xuất để giúp Đức thoát khỏi các vấn đề về kinh tế, gồm cải cách quy tắc thị trường lao động, các khoản phúc lợi và nghĩa vụ khí hậu.
Về phần mình, ông Linder tuyên bố quyết định sa thải của Thủ tướng là "sự giải thoát", trước khi chỉ trích chính phủ mà ông từng phục vụ cho tới tuần trước. Ông tuyên bố đang tìm cách giành được ít nhất 10% ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới và hy vọng FDP trở thành một phần trong chính phủ tiếp theo.
CDU và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận với khoảng 33% ủng hộ, cao hơn một chút so với tổng tỷ lệ của ba đảng trong liên minh cũ.
Bản thân ông Merz không nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri Đức, nhưng vẫn hơn ông Scholz trong các kịch bản đối đầu trực tiếp. Nếu không có bất ngờ lớn, ông sẽ khiến Thủ tướng Scholz mất chức trong ba tháng tới.
Trong nhiều thập kỷ, các đảng chính trị Đức luôn phải tìm đối tác liên minh để đảm bảo thế đa số trong quốc hội. Nếu đảng SPD của ông Scholz không cải thiện đáng kể tỷ lệ phiếu bầu, họ chỉ có thể trở thành một đảng nhỏ trong liên minh, đồng nghĩa ông Scholz sẽ không thể có nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai.
Điều này đồng nghĩa ông Scholz đang đối mặt "hoàng hôn nhiệm kỳ" và có nguy cơ trở thành một trong những thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Đức, theo giới quan sát. Nhiệm kỳ đầu của ông bắt đầu năm 2021, khi ông kế nhiệm bà Angela Merkel của CDU.
Thủ tướng Scholz đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo mức sống của người dân Đức giữa lúc lạm phát tăng do đại dịch và xung đột Nga - Ukraine khiến lãi suất tăng, thúc đẩy nhu cầu tăng tiền lương.
Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức ngày 13/11 hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025, khiến Đức trở thành quốc gia hoạt động kém nhất trong 7 nền dân chủ hàng đầu.
Những lo lắng về nền kinh tế và nhập cư gia tăng đã góp phần giúp đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), đang đứng thứ hai trong các cuộc khảo sát, và Liên minh cánh tả Sahra Wagenknecht (BSW) trỗi dậy mạnh mẽ hơn ở Đức.
Lãnh đạo phe đối lập Merz cho rằng chính phủ mới phải làm mọi thứ để vực dậy khả năng cạnh tranh kinh tế của Đức và khôi phục chính sách kiểm soát người nhập cư.
"Đức cần một chính sách khác biệt về cơ bản, đặc biệt là chính sách di cư, an ninh đối ngoại, chính sách châu Âu và kinh tế", ông nói. Đây là những điều mà Thủ tướng Scholz, người được mệnh danh là "lãnh đạo robot" vì hiếm khi cười, đã không làm được trong gần 3 năm chèo lái nước Đức và ông có thể phải trả giá bằng nhiệm kỳ của mình.
Thùy Lâm (Theo Reuters, Economist)