Chuyên mục  


''Mùi đu đủ xanh'' khắc họa khuôn mẫu nữ giới Việt Nam truyền thống và có phần nặng nề.

Nhìn từ điện ảnh thế giới, những bộ phim về nữ quyền đã và đang thu hút được sự quan tâm lớn từ khán giả và hội đồng giám khảo tại các giải thưởng quốc tế danh giá.

Tại Việt Nam, bất bình đẳng giới trong phim điện ảnh từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề đáng bàn. Trong một buổi chia sẻ tại Hà Nội do nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm phối hợp tổ chức với Dự án VGEM (thuộc doanh nghiệp xã hội ECUE) về thúc đẩy quyền bình đẳng giới ở Việt Nam, các chuyên gia đã lý giải nhiều vấn đề về khuôn mẫu, định kiến giới trong phim điện ảnh Việt Nam mà chủ yếu là từ cách khắc họa nhân vật nữ.

Từ hiền dịu đến cực đoan

Phó giáo sư, Tiến sỹ ngành Nhân học Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) làm rõ khái niệm: Định kiến giới là những sự khái quát hóa một cách thô thiển, gắn với những đặc tính của giới, còn khuôn mẫu giới là những kỳ vọng mà xã hội đặt ra cho người nam hoặc người nữ. Ví dụ của khuôn mẫu giới cho rằng đàn ông thường gắn với sự mạnh mẽ, ít nói, thậm chí được cho phép buông thả, trong khi phụ nữ giàu sức hy sinh, thường trong trẻo, giàu cảm xúc và yêu thiên nhiên.

Phim ''Mùi đu đủ xanh'' tô đậm vào khuôn mẫu của cả đàn ông lẫn phụ nữ Việt truyền thống. 

Nói về những năm 2000 của thời kỳ chuyển giao giữa thời hậu chiến và đổi mới, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định những phim như “Đời cát,” “Trăng nơi đáy giếng” của các đạo diễn trong nước hay các phim “Mùi đu đủ xanh,” “Chiều mùa hè thẳng đứng” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng đã mang đến hình ảnh người phụ nữ truyền thống: chăm chỉ, chịu đựng và nhẫn nhục, phải tìm đến sự nương tựa về tâm linh…

Là một phim nghệ thuật được đánh giá cao, “Mùi đu đủ xanh” vào thời điểm ra mắt đã nhận được giải Camera vàng - một hạng mục lớn dành cho phim đầu tay tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 1993. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của bé Mùi (Lư Mẫn San) khi đến làm người ở tại một gia đình trung lưu ở Sài Gòn năm 1951.

Bà chủ nhà là mẫu người phụ nữ điển hình cho phụ nữ Việt Nam xưa, đầy khoan dung, nhẫn nhịn và cam chịu. Trong gia đình, bà là người cáng đáng hết mọi thứ, dù là buôn bán hay chăm sóc gia đình. Trái lại, ông chồng chỉ biết chơi bời, nhiều lần lấy sạch tiền tích góp của vợ bỏ đi biền biệt dài ngày đến lúc hết tiền mới quay về. Người vợ nhẫn nhịn, không kêu ca, khi đau buồn chỉ lặng lẽ úp tay vào mặt mà khóc.

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã thể hiện những gì hoài niệm và chân thực nhất trong tâm trí mình về con người, đặc biệt là người phụ nữ Việt qua "Mùi đu đủ xanh," "Chiều mùa hè thẳng đứng""Xích lô". Đó đều là những khuôn mẫu xa xưa, truyền thống, nơi người phụ nữ dường như luôn phải chấp nhận số phận của mình, nhẫn nhịn và chịu đựng trong đau khổ.

Năm 1993, "Mùi đu đủ xanh" còn được chọn làm bộ phim đại diện Việt Nam đi dự sơ tuyển Oscar lần thứ 66 và trở thành một trong các đề cử chính thức (dù không thắng giải) tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Cây bút Kiều Trinh của báo Thanh Niên cho biết truyền thông trong nước bấy giờ đã ví bộ phim là "câu chuyện Lọ Lem của châu Á" vì có một chút tương đồng về câu chuyện và phần kết. Lời khen này đã vô tình làm mờ đi những vấn đề xung quanh định kiến và khuôn mẫu giới trong phim, đặc biệt là khuôn mẫu về người nữ. 

Nói về nguyên nhân của những bất bình đẳng giới trong phim Việt, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng những khuôn mẫu trên là do bị ảnh hưởng từ Nho giáo. Còn theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quỳnh Phương, bất bình đẳng giới tại Việt Nam có nguyên nhân phức tạp hơn nhiều chứ không hoàn toàn do Nho giáo, bởi hệ tư tưởng, giáo lý này chỉ chủ yếu tác động vào tầng lớp trung lưu, chứ không có ảnh hưởng nhiều tới tầng lớp bình dân như lâu nay vẫn nghĩ.

''Chị chị em em'' của đạo diễn Kathy Uyên được coi là phim giải trí mới mẻ nhưng tạo cảm giác xa lạ về cả tình tiết lẫn nhân vật. (Ảnh: Nhà phát hành) 

Sau 2010, kể từ khi trục điện ảnh xoay chiều sang hướng giải trí, các bộ phim lại đi theo chiều cực đoan “nhất bên trọng, nhất bên khinh.” Cụ thể, ông Lê Hồng Lâm cho biết: “Đối tượng của phim rạp chủ yếu là khán giả nữ ở độ tuổi 18-25 bởi khi đi theo cặp đôi nam-nữ, người nữ thường có quyền quyết định sẽ xem phim gì. Chính vì vậy, màu sắc về nữ giới trong phim có sự thay đổi, nhưng lại có phần quá lố khi khắc họa người nữ hoặc người nam với cách nhìn mới, thể hiện qua những phim ‘Chị chị em em,’ ‘Em chưa 18’ hay ‘Hai Phượng’ hay ‘Gái già lắm chiêu V’...”

Theo ông Lâm, đây là những bộ phim mà người nữ đóng vai trò thống trị, dẫn dắt và làm chủ nhưng lại mô tả người nam là tồi tệ, xấu xa hoặc vô dụng. Trong đó "Chị chị em em" (2019) tạo nên một bộ phim đậm chất Hollywood về cả nội dung, tình tiết lẫn nhân vật trong phim. Dù phim đạt thành công về doanh thu song sự tiêu cực, chà đạp lên một giới để đề cao giới còn lại sẽ đưa lại những cảm xúc và góc nhìn lệch lạc cho khán giả. Khán giả nên và cần có những bộ phim với các nhân vật được thể hiện nhân cách đa chiều, ở đó có cả mặt xấu và cả mặt đẹp. Hơn nữa, việc hạ thấp các nhân vật nam trong phim không phải là cách kêu gọi bình đẳng giới đúng đắn và hiệu quả, lại càng không phải là phương cách "giải thoát" khỏi những định kiến giới cho phụ nữ Việt.

Nhà làm phim cần thay đổi

Bên cạnh những bộ phim kể trên với những tư tưởng còn có phần cực đoan, vẫn có những phim được coi như lối giải thoát cho định kiến giới và khuôn mẫu giới trong phim Việt. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng đã có bộ phim giải trí đã đưa con người về đời thường, mô tả họ với đúng bản ngã và mong muốn cá nhân như “Chàng vợ của em” (2018) hay “Bố già” (2021).

“Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn, con người được đặt vào trong đúng mong ước và bản dạng của họ: Nhân vật nam của Thái Hòa yêu thích nấu nướng, hòa đồng và yêu thích việc chăm sóc cho người khác, trong khi nhân vật nữ (Phương Anh Đào thủ vai) thỏa sức theo đuổi tham vọng trong sự nghiệp riêng của mình.

Tương tự ở “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành lại mang đến một người cha với trọng trách vừa làm bố vừa làm mẹ của những đứa con, tính cách có phần yếu đuối, ủy mị… nhưng chính những yếu tố đó đã làm cho khán giả đồng cảm với nhân vật hơn so với việc họ phải cố gắng gượng, gồng lên để chứng minh một điều gì đó không thực tế. Anh cũng cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp phim đạt thành công 400 tỷ đồng vang dội. Tuy nhiên, đây không phải một bước ngoặt hay trở mình nào của điện ảnh Việt, mà mới chỉ là một hiện tượng đơn lẻ mà thôi.

Phim ''Bố già'' được coi là một phim thực tế, chân thực về cảm xúc. (Ảnh: Nhà phát hành)

Điều này cho thấy, khán giả ngày càng hiểu biết về giới và thẩm mỹ nghệ thuật ngày càng cao đòi hỏi các đạo diễn cũng phải có kiến thức với các vấn đề về giới, đặc biệt là phải được trang bị ngay từ trong môi trường đào tạo.

Chị Hoàng Dạ Vũ, giảng viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nơi được coi là cái nôi của nhiều nhà làm phim Việt tương lai, cho biết những kiến thức về giới như thế này hoàn toàn có thể được tổ chức dưới dạng những buổi ngoại khóa, chuyên đề hoặc hội thảo khoa học với sự tham gia của chuyên gia ngành xã hội. Còn ở chương trình chính khóa thì nhiệm vụ này nằm chủ yếu ở người giảng dạy vì họ cần chủ động đưa nội dung về giới vào bài để truyền tải cho học viên, dựa trên bộ khung chương trình đã có sẵn.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lê Quang Bình, người điều phối dự án VGEM cảnh báo về phương pháp máy móc mà người làm truyền thông có thể mắc phải, đó là thực hiện “sự thay đổi cơ học.” Có thể hiểu đây là chuyển đổi hành động từ thường thấy của người nam sang người nữ hoặc ngược lại nhằm xóa bỏ định kiến giới, nhưng nếu bản chất của hành động đó là phản đạo đức hoặc không đáng khuyến khích thì giới tính nào thực hiện cũng không mang lại bất cứ giá trị tốt đẹp nào cả./.

Minh Anh (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020