Chuyên mục  


Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trải qua 15 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã ăn sâu, bám rễ, trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ ở Bắc Ninh- Kinh Bắc mà vươn tầm thành “đại sứ” văn hóa, kết nối các dân tộc.

Từ nét văn hóa đặc trưng vùng miền

Nói đến Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nói đến nền văn hóa tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian trong quá trình lịch sử lâu dài, gắn với văn hóa làng xã. Không gian văn hóa Quan họ do lối chơi Quan họ của cộng đồng xây dựng lên, luôn được sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Những tinh hoa, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa Quan họ là cách hát, kỹ thuật hát và lối chơi Quan họ.

Từ nhiều năm trước, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nét riêng có của các nhóm cộng đồng người (chủ yếu ở 44 làng Quan họ gốc). Bởi vậy, sinh hoạt văn hóa Quan họ phần lớn chỉ ở các làng Quan họ gốc, nơi có các nghệ nhân, những người hiểu, có niềm đam mê và lưu giữ Quan họ; hay hiển hiện trong ký ức của những người theo bà, theo mẹ đi “chơi” Quan họ xưa kia. Còn đối với những vùng khác, Quan họ vẫn xa lạ, được người dân biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Cùng với sự phát triển của xã hội, từ những năm 1990, nhiều câu lạc bộ Quan họ được tái lập sau thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, chia cắt, khó khăn kinh tế… Nhớ lại những ngày đầu khi mới tái lập Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, khu Đương Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh chia sẻ: Năm 1994, khi mới thành lập, Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá có 12 thành viên. Ban đầu, câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn do không có người truyền dạy, không có nơi sinh hoạt, kinh phí hoạt động… Tuy nhiên, với tình yêu và niềm đam mê Quan họ, các thành viên đã tự học hỏi, sưu tầm từ các nghệ nhân cao tuổi và giao lưu với nhiều làng Quan họ khác. Đến nay, trải qua 30 năm thành lập (1994-2023), câu lạc bộ đã thu hút 60 thành viên với 3 thế hệ cao tuổi, trung tuổi và măng non.

“Trong căn nhà ấm cúng, tràn đầy tình yêu quan họ, những âm thanh vang, rền, nền, nảy từ lớp lớp các thế hệ người yêu làn điệu dân ca này vang lên không ngớt. Mọi người cùng học hát, giao lưu, hướng dẫn nhau những lời khó trong Quan họ cổ, làm vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống. Để có thành tựu ngày hôm nay, bên cạnh tình yêu Quan họ, còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chung tay, bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh chia sẻ.

Từ việc chỉ tồn tại trong các làng Quan họ gốc hay Trung tâm văn hóa, Nhà hát Dân ca Quan họ và một số địa phương khác, năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Bắc Ninh mà của cả nước.

Chứng kiến sự đổi thay của Dân ca Quan họ Bắc Ninh sau 15 năm được ghi danh, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm cho biết: Trước đây, khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh chưa được ghi danh, hầu hết các câu lạc bộ được thành lập theo cách tự phát, hoạt động bảo tồn, truyền dạy chỉ ở trong phạm vi nhỏ. Đến nay, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị diễn ra bài bản, quy mô.

Điều đó cho thấy, Bắc Ninh đang có bước đi đúng hướng, quyết liệt, phù hợp, hiệu quả giúp Dân ca Quan họ ngày càng lan tỏa. Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn từng khẳng định, Dân ca Quan họ đang mang một sức sống, diện mạo, giá trị mới, hòa nhập sâu rộng trong nhịp sống đương đại. Cùng với những sắc cốt lấp lánh, giá trị cổ truyền vẫn được bảo tồn, thực hành gìn giữ. Đáng quý là ý thức của cộng đồng về di sản ngày càng sâu sắc; phẩm hạnh, cốt cách trọng nghĩa, trọng tình của người Bắc Ninh được ngợi ca và nhắc đến như một ý thức về bản sắc, nét đẹp riêng của vùng văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.

vnapotalbacninhgapgonghenhannghesydancaquanhobacninh7699977-1732248732864575579883.jpg

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Vươn tầm “đại sứ” văn hóa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết: Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ thêm 150 làng Quan họ thực hành, hơn 600 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Hệ thống các câu lạc bộ được thành lập đã tạo nên một mạng lưới sinh hoạt rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, trở thành một trong những “cái nôi” lưu giữ, nuôi dưỡng Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đây thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời là môi trường ươm mầm những tài năng nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, một số Câu lạc bộ Quan họ đã góp phần tích cực vào phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa văn nghệ với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh  hiện đã lan tỏa đến nhiều địa phương, tỉnh, thành trong cả nước; vượt qua không gian, thời gian, phát triển mạnh mẽ, trở thành “đại sứ” văn hóa được đi quảng bá ở trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của những giai điệu ngọt ngào, lời ca tinh tế, giàu triết lý cùng phục trang nền nã, ấn tượng đã và đang khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Sau 15 năm được ghi danh, Dân ca Quan họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người dân.

vnapotalbacninhgapgonghenhannghesydancaquanhobacninh7699978-17322487327691915454904.jpg

Biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành và truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh đối với các nghệ nhân tiêu biểu, qua đó tiếp tục khích lệ, động viên các thế hệ nghệ nhân tiếp tục cống hiến trong việc bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ, Bắc Ninh thực hiện tôn vinh và có cơ chế độ đãi ngộ các nghệ nhân. Đến nay, UBND tỉnh phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ. Trong đó, 9 Nghệ nhân Nhân dân, 37 Nghệ nhân Ưu tú, 2 Nghệ sĩ Nhân dân và 17 Nghệ sĩ Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Hằng tháng, tỉnh hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân một khoản bằng 2 lần mức lương cơ sở; Nghệ nhân ưu tú là 1,5 lần; Nghệ nhân Dân ca Quan họ là 1 lần. Các nghệ nhân còn được hỗ trợ Bảo hiểm Y tế hằng năm; hưởng chế độ mai táng phí khi qua đời. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ làng Quan họ gốc 30 triệu đồng/làng; làng Quan họ thực hành 20 triệu đồng/làng. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh được lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà với mức 20 triệu đồng/câu lạc bộ/lượt thăm.

Có thể khẳng định, thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong 15 năm qua đã vượt yêu cầu và cam kết của Việt Nam với UNESCO. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là sự nghiệp mang tính chiến lược lâu dài với sự tham gia của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. Giai đoạn tới, Bắc Ninh tập trung bảo tồn văn hóa Quan họ, giá trị thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức xã hội và bản sắc riêng của Quan họ làm nền tảng vững chắc xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nghiên cứu, phát hiện, sáng tạo những giá trị mới phù hợp với đời sống đương đại, góp phần thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, du khách đến với Bắc Ninh. Tỉnh chú trọng xây dựng Quan họ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn riêng; quy hoạch bảo tồn tổng thể không gian các làng Quan họ gốc; phục dựng không gian văn hóa Quan họ cổ gồm toàn bộ những gì liên quan đến sự tồn tại của Quan họ.

15 năm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020