Dù gây ra tranh cãi lớn trong dư luận, nhưng cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch, đêm chung kết đã diễn ra vào ngày 27/8 vừa qua (Ảnh: Khmer Times).
Một số bộ phục trang mà thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022 mặc lên sân khấu khiến người dân Campuchia cảm thấy phẫn nộ, vì cho rằng quá kiệm vải, phô bày cơ thể. Ở phần thi trang phục truyền thống, một số bộ phục trang còn gây tranh cãi dữ dội, làm dấy lên cơn giận dữ trong dư luận Campuchia.
Bộ phục trang do thí sinh đại diện tỉnh Stung Treng mặc lên sân khấu còn khiến thí sinh bị lộ vùng nhạy cảm, sự việc khiến không chỉ dư luận phẫn nộ mà nhà chức trách địa phương cũng phải lên tiếng gọi đây là "một sự xúc phạm đối với văn hóa truyền thống".
Cơn phẫn nộ của dư luận đã khiến nhà chức trách Campuchia nhanh chóng vào cuộc thẩm định lại quá trình tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022.
Đại diện tỉnh Stung Treng tuyên bố không chấp nhận việc nói rằng đây là bộ phục trang có tính chất đại diện cho nét truyền thống của tỉnh Stung Treng (Ảnh: Khmer Times).
Cơn giận dữ của công chúng Campuchia đã nổ ra sau khi một tập ghi hình các hoạt động tại cuộc thi được phát trên sóng truyền hình vào ngày 24/8 vừa qua. Ngay sau khi chương trình lên sóng, dư luận Campuchia đã phản ứng rất dữ dội vì một số bộ phục trang mà thí sinh tham gia cuộc thi mặc trong lúc trình diễn trang phục truyền thống.
Nhà chức trách đại diện cho một số địa phương tại Campuchia, như thành phố Poipet (tỉnh Banteay Meanchey) và đô thị Bavet (tỉnh Svay Rieng), cũng đã lên tiếng về phần thi "phục trang truyền thống" tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022.
Phần thi này yêu cầu thí sinh mặc những bộ phục trang phản ánh giá trị văn hóa truyền thống tại quê hương mình. Có hai thí sinh đại diện cho thành phố Poipet và đô thị Bavet đã sử dụng đạo cụ trong lúc trình diễn trên sân khấu là những lá bài và viên xúc xắc.
Hai bộ phục trang "truyền thống" này gợi lên những liên tưởng không tích cực và không cho thấy... giá trị văn hóa truyền thống được phản ánh trong đó.
Đặc biệt, nhà chức trách tỉnh Stung Treng đã bày tỏ sự phẫn nộ khi một thí sinh được giới thiệu là mặc trang phục truyền thống đại diện cho tỉnh Stung Treng, nhưng bộ trang phục này lại quá... hở hang, kiệm vải, khiến thí sinh để lộ cả vòng một và vòng ba.
Có hai thí sinh đại diện cho thành phố Poipet và đô thị Bavet đã sử dụng đạo cụ trong lúc trình diễn trên sân khấu là những lá bài và viên xúc xắc (Ảnh: Khmer Times).
Đại diện nhà chức trách ở một số địa phương tại Campuchia đã lên tiếng khẳng định rằng những bộ phục trang như vậy là một sự xúc phạm đối với văn hóa truyền thống và danh dự phụ nữ.
Đại diện tỉnh Stung Treng tuyên bố không chấp nhận việc sử dụng bộ phục trang kiệm vải như vậy tại cuộc thi, rồi nói rằng đó là bộ phục trang có tính chất đại diện cho nét truyền thống của tỉnh Stung Treng. Đại diện nhà chức trách tỉnh này khẳng định bộ phục trang xuất hiện tại cuộc thi không phản ánh bất cứ nét văn hóa truyền thống nào của tỉnh này.
Nhà chức trách tỉnh Stung Treng yêu cầu ban tổ chức cuộc thi phải đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với người dân tỉnh Stung Treng.
Trong tuần này, Bộ Văn hóa - Nghệ thuật Campuchia đã triệu tập ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia, yêu cầu ban tổ chức trả lời những câu hỏi đặt ra xung quanh phần thi trang truyền thống gây tranh cãi.
Sau buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa - Nghệ thuật Campuchia chia sẻ với giới truyền thông rằng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cam kết chấn chỉnh hoạt động tổ chức cuộc thi từ nay về sau, để không tái diễn những sai lầm gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị văn hóa truyền thống của Campuchia.
Người đẹp Saravady Pich Votey đã trở thành Hoa hậu của cuộc thi, dù vậy, chính truyền thông Campuchia nhận định rằng những lùm xùm xảy ra tại cuộc thi đã khiến chiến thắng của Saravady Pich Votey "bị phủ bóng đen" (Ảnh: Khmer Times).
Nhà chức trách cũng yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia phải mời các chuyên gia văn hóa tới hỗ trợ tư vấn trong quá trình tổ chức các phần thi, các sự kiện. Cuộc thi cũng cần phải được giám sát bởi đại diện của Bộ Văn hóa - Nghệ thuật Campuchia.
Đặc biệt, đối với bất cứ hoạt động nào có liên quan tới chủ đề về văn hóa truyền thống và văn hóa vùng miền tại Campuchia, ban tổ chức cuộc thi cần có sự báo cáo và hợp tác chặt chẽ với phía Bộ Văn hóa - Nghệ thuật.
Vào ngày 26/8, đại diện ban tổ chức cuộc thi đã đưa ra lời xin lỗi chính thức. Ban tổ chức cuộc thi lý giải rằng họ mắc phải sai lầm đáng tiếc là bởi đã thiếu cân nhắc cẩn trọng và không tìm tới sự tư vấn từ các chuyên gia văn hóa cũng như những đơn vị quản lý văn hóa.
Ban tổ chức cuộc thi cũng cam kết kể từ nay, họ sẽ hợp tác chặt chẽ và tuân thủ theo các quy định, các hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Nghệ thuật Campuchia.
Dù gây ra tranh cãi lớn trong dư luận, nhưng cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch, đêm chung kết đã diễn ra vào ngày 27/8 vừa qua. Người đẹp Saravady Pich Votey đã trở thành Hoa hậu của cuộc thi, dù vậy, chính truyền thông Campuchia nhận định rằng những lùm xùm xảy ra tại cuộc thi đã khiến chiến thắng của Saravady Pich Votey "bị phủ bóng đen".